Không cho phép dự án thủy điện ảnh hưởng đến đất rừng tự nhiên

TRỌNG HIẾU 19/12/2020 06:44

Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề “nóng” đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm. Trong đó, yêu cầu UBND tỉnh đưa ra giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn; xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; rõ định hướng quản lý và phát triển thủy điện tại địa phương…

Gỡ khó cho sản xuất nông nghiệp

Là tỉnh miền núi còn nghèo và khó khăn, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực này luôn được cử tri và Nhân dân quan tâm. Theo các đại biểu, sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản của Yên Bái tuy có bước phát triển, năng suất sản lượng đã được nâng lên  nhưng sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất hữu cơ còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm có thương hiệu trên thị trường; tiêu thụ khó khăn, thị trường không ổn định.

Đại biểu tham gia chất vấn tại kỳ họp
Đại biểu tham gia chất vấn tại kỳ họp

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm. Các nội dung chất vấn thiết thực, đặt ra nhiều vấn đề để các cấp, các ngành cần tập trung giải quyết. Đặc biệt, đã có nhiều đổi mới, với phương châm “hỏi ngắn, đáp gọn”. Các "tư lệnh" ngành đã đi thẳng vào vấn đề, nhận rõ tồn tại, trách nhiệm và xác định những giải pháp để giải quyết trong thời gian tới. Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng làm tốt công tác phối hợp để giải quyết tốt những vấn đề bức xúc, nổi cộm, những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Vũ Quỳnh Khánh

Làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục hạn chế trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đinh Đăng Luận cho biết: Do chưa có sự liên kết giữa người sản xuất với đơn vị chế biến và các kênh phân phối sản phẩm. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất cao nhưng chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chủ yếu là sản phẩm ăn tươi hoặc sản phẩm sơ chế. Mặt khác, các đơn vị sản xuất chưa chú trọng đến việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt…

Để giải quyết được những tồn tại trên, mới đây, tỉnh đã xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều điểm mới. Trong đó, mở rộng đối tượng và quy mô hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, gồm các nội dung hỗ trợ từ khâu đào tạo chuyên gia, cung cấp thông tin, kiến thức và hỗ trợ áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất chất lượng theo các tiêu chuẩn chứng nhận GAP, ISO. HCCAP.

Cùng với vấn đề nông nghiệp, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến việc phát triển các nhà máy thủy điện. Đại biểu Đoàn Thị Thanh Tâm (huyện Yên Bình) cho rằng: Dư luận xã hội cả nước có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến phát triển hệ thống thủy điện nhỏ, đề nghị Sở Công thương cho biết quan điểm của cơ quan tham mưu trong việc định hướng quản lý và phát triển thủy điện trên địa bàn trong thời gian tới.

Trước câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Công thương Vũ Vinh Quang cho biết: Những năm qua, các dự án thủy điện có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình thủy điện đã làm giảm diện tích rừng tự nhiên, tăng nguy cơ gây sạt lở tại những vị trí bị thay đổi trạng thái tự nhiên của đất. Thời gian tới, để quản lý và phát triển thủy điện tốt nhất, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh cho phép các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ có hiệu quả kinh tế cao, ít tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội. Cùng với đó, cương quyết kiến nghị với tỉnh không cho phép đầu tư xây dựng những dự án thủy điện có quy mô nhỏ dưới 3MW ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường - xã hội, những dự án có diện tích chiếm đất lớn và ảnh hưởng đến đất rừng tự nhiên. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị dừng tích nước, không mua điện đối với những chủ đầu tư dự án không chấp hành các quy định liên quan đến an toàn công trình, an toàn vùng hạ du đập…

Xử lý nghiêm khai thác khoáng sản trái phép

Liên quan đến tình hình khai thác khoáng sản, đại biểu Hoàng Thị Lan Hương (đại biểu huyện Trấn Yên) phản ánh: Hiện nay, việc khai thác khoáng sản tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh rất phức tạp, vi phạm các quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về môi trường. 

Trước lo lắng của đại biểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hồ Đức Hợp thừa nhận, hoạt động khai thác khoáng sản nói riêng và hoạt động sản xuất khác nói chung liên quan đến môi trường vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và môi trường. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ, đúng trình tự thủ tục trong công tác thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, xác nhận sau thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Kế hoạch bảo vệ môi trường. Mặt khác, Sở cũng sẽ tích cực tham gia xây dựng, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường phù hợp với tình hình mới và thực tế tại địa phương. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình quản lý.

Bên cạnh những vấn đề trên, các "tư lệnh" ngành cũng đã làm sáng tỏ những băn khoăn của các đại biểu về việc thu và sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa trong các trường học trên địa bàn hiện nay. Đồng thời, đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên một số tuyến đường…

TRỌNG HIẾU