Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản

CTV 15/12/2020 18:29

Việc ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nói chung và trong nuôi trồng thủy sản nói riêng được triển khai hiệu quả trong thời gian qua. Ngoài nâng cao năng suất, tăng chất lượng thủy sản, những chỉ số về môi trường, dịch bệnh cũng được khắc phục đáng kể. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn Khuyến nông nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tổ chức mới đây.

Hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản

Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh cây lúa, nuôi trồng thủy sản là thế mạnh kinh tế đặc biệt của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của vùng liên tục tăng nhanh. Năm 2000, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản gần 446.000 ha, với tổng sản lượng nuôi trồng gần 366.000 tấn; đến năm 2018, diện tích mặt nước nuôi trồng tăng lên gần 650.000 ha thủy sản nước mặn, lợ và gần 367.000 ha thủy sản nước ngọt. Nuôi trồng thủy sản đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện, vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt trọng điểm tại đồng bằng sông Cửu Long tập trung ở vùng ngập lũ Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và vùng trũng nội địa thuộc bán đảo Cà Mau. Ngoài ra, còn phát triển mạnh ở một số tỉnh, thành khác như: An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng…

An Giang là một trong những địa phương đi đầu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển, nhân rộng sản xuất các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường và liên kết tiêu thụ, tập trung trên các đối tượng chính như cá tra, lươn, cá nàng hai, tôm càng xanh...

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, nhờ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thuỷ sản tại An Giang như: cá tra, sản xuất giống, lươn, tôm càng xanh toàn đực, cá hô...; nên năng suất, sản lượng và lợi nhuận tăng từ 20-50%, tuỳ theo mô hình nuôi trồng.

“Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp bước đầu có sự chuyển biến tích cực và hiệu quả, sản phẩm được nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường và tư duy sản xuất dần thay đổi. Từ hiệu quả đó, An Giang đã nhân rộng nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ sản đã góp phần tăng trưởng kinh tế, xã hội các địa phương trên địa bàn tỉnh”, ông Thọ thông tin.

Ứng dụng công nghệ gắn với bảo vệ môi trường

Tạ Diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù ngành nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh mang đến nhiều lợi ích kinh tế cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long nhưng sự phát triển mạnh mẽ trong nuôi trồng thủy sản lại kéo theo môi trường đất, môi trường nước và các hệ sinh thái trong nuôi trồng thủy sản bị biến đổi gây suy thoái, ô nhiễm môi trường. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long thật sự là vấn đề bức xúc, cần được giải quyết, xử lý triệt để, để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản trong vùng.

Ông Lưu Đức Điền, Trưởng phòng Môi trường - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2 cho rằng, các tỉnh cần tập trung quản lý chất lượng nước ao nuôi thủy sản, phát triển các mô hình nuôi trồng gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ứng dụng các mô hình công nghệ xử lý chất thải nuôi trồng thuỷ sản thích hợp như: xử lý chất thải bùn thải, xử lý khử trùng nước thải trước lúc thải ra đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Đối với mô hình nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ vùng ven biển nước thải nuôi trồng thuỷ sản ở các mô hình nuôi công nghiệp, nuôi thâm canh, nuôi mật độ phải được bố trí diện tích hồ chứa để xử lý triệt để nguồn bệnh có thể lan truyền ra môi trường xung quanh.

Theo ông Điền, các tỉnh, thành nuôi trồng thuỷ sản trong khu vực cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm với việc thực hiện quy trình VietGAP, GlobalGAP, ASC; hạn chế tối đa sử dụng hóa chất, khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học, hướng tới không sử dụng thuốc kháng sinh cấm trong nuôi thủy sản.

Để bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản, nhiều chuyên gia lưu ý, các tổ chức, cá nhân hoạt động nuôi trồng thủy sản trong khu vực cần nâng cao ý thức chấp hành, sự hiểu biết của mình về pháp luật quy định trong lĩnh bảo vệ môi trường, về công nghệ nuôi ít gây ảnh hưởng đến môi trường; phòng ngừa và hạn chế ô nhiễm, việc thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường định kỳ…

Để ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng sản đạt hiệu quả, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ chuyển giao ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, xử lý ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; hỗ trợ kinh phí đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng Global GAP, ASC, Viet GAP,...

"Bộ Nông nghiệp cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ hộ nuôi, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản; tiếp tục hỗ trợ chi phí tư vấn đánh giá chứng nhận VietGAP và lãnh đạo các tỉnh cần kêu gọi các doanh nghiệp liên kết tham gia chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao trên địa bàn các tỉnh”, ông Linh đề nghị.

Để nâng cao hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản, ông Kim Văn Điều, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, người dân cần thiết kế ao hồ đồng bộ theo công nghệ nuôi; lựa chọn con giống có chất lượng; tạo nguồn thức ăn tự nhiên; duy trì được hệ sinh vật có lợi… Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường hơn nữa quản lý chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, kháng sinh, hóa chất, chất cải tạo môi trường; tăng cường quan sát cảnh báo môi trường để hạn chế dịch bệnh; tổ chức lại sản xuất theo liên kết chuỗi, hợp tác xã, tổ hợp tác; khuyến cáo xây dựng các mô hình nuôi công nghệ cao, nuôi an toàn thực phẩm.

CTV