Đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế
Sáng 8.12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo Đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế. Tại Hội thảo các chuyên gia cho rằng, để loại hình kinh tế này có thể phát triển, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế vẫn cần có đánh giá chi tiết và hành lang pháp lý cụ thể, đồng bộ đối với loại hình kinh tế mới này.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã phân tích sự phát triển, tiềm năng và tác động đặc thù của kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế Việt Nam; Những vấn đề pháp lý xoay quanh mô hình kinh tế chia sẻ, đánh giá thực trạng các quy định pháp luật hiện nay có liên quan đến mô hình như các quy định về hợp đồng, thương mại điện tử, cạnh tranh, lao động, thuế, ngân hàng số, thương mại quốc tế… và nhũng khuyến nghị, đề xuất xây dựng chính sách, khung pháp lý cho phù hợp.

Đánh giá về sự phát triển và tác động của các loại hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Hoa Cương cho rằng, hiện nay nhờ thành tựu phát triển của khoa học - công nghệ, đặc biệt là trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các loại hình kinh tế chia sẻ đã có sự phát triển đột phá và được coi là yếu tố cốt lõi của nền kinh tế số. Các loại hình kinh tế chia sẻ có tác động lên hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, đồng thời tận dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội để phát triển kinh tế. Mặt khác, kinh tế chia sẻ cũng khiến các mô hình kinh tế truyền thống buộc phải thay đổi, giúp tăng tính cạnh tranh, phát triển thị trường, tiết giảm chi phí, giúp đẩy mạnh sáng tạo trong kinh doanh, tận dụng tối đa các nguồn lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, kinh tế chia sẻ cũng đặt ra nhiều thách thức đối với những cơ quan quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống.

Tại Hội thảo các chuyên gia cũng đề cập đến những khó khăn, thách thức mới trong vấn đề quản lýcác loại hình kinh tế chia sẻ, trong đó có công tác quản lý, thu thuế đối với loại hình này. Đặc biệt đối với việc giám sát thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp và đối tác nước ngoài tham gia vào hoạt động kinh doanh kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.
“Ngoài việc đánh giá về hiện trạng của kinh tế chia sẻ tại Việt Nam hiện nay. Cần nhìn nhận, đánh giá cụ thể các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý quản lý nhà nước. Thực tế, chính sách vẫn chạy theo sự phát triển của thị trường. Nhìn chung, hầu hết văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể liên quan đến vấn đề thuế cũng như lao động… đối với kinh tế chia sẻ. Thực tế, các cơ quan còn khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức vận hành, quản lý.Vấn đề quan trọng nhất khi điều chỉnh khung pháp lý cho mô hình kinh tế chia sẻ là làm sao để cân bằng giữa thúc đẩy phát triển, đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền lợi của các chủ thể liên quan, lợi ích công cộng, lợi ích xã hội…”, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Phạm Xuân Hòe chỉ rõ.

Các chuyên gia cũng đưa ra các kiến nghị đối với Chính phủ và các Bộ, ngành, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, ban hành Nghị định quy định cụ thể về các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới (có loại hình kinh tế chia sẻ theo quy định tại Luật Đầu tư 2020),… Thêm vào đó, cần có thêm các chính sách bảo đảm tính cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành cụ thể, như sự bất bình đẳng trong đăng kí kinh doanh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, để tận dụng hết tiềm năng của các loại hình kinh tế chia sẻ cần kiện toàn các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là xác định rõ hơn nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử có liên quan đến kinh tế chia sẻ…