Để các giả thuyết đối thoại

Hồng Hà 08/12/2020 07:03

Sản phẩm công nghệ thực tế ảo VR3D chùa Diên Hựu và kiến trúc một cột thời Lý của nhóm SEN Heritage vừa được giới thiệu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là kết quả 10 năm nghiên cứu và tổng hợp các giả thuyết khoa học. Ngay sau khi công bố, giả thuyết nhận được nhiều phản hồi từ các nhà nghiên cứu, đưa đến những kiến giải khác nhau về công trình kiến trúc độc đáo này.

Những sự tương đồng

Từ hàng trăm mảnh vụn và phế tích khảo cổ, bản tái lập chùa Diên Hựu đã phỏng dựng tổng thể mặt bằng mandala (mạn đà la) chùa tháp thời Lý, với phong cách và kỹ thuật xây dựng đương thời. Đây là một thực tế ảo về vị trí, hình thái kiến trúc, quy mô của chùa tháp Diên Hựu.

Sau khi xem phỏng dựng này, nhiều người băn khoăn với một số điểm giống nhau của các kiến trúc, đơn cử chân cột chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý được phỏng dựng theo hình thái kiến trúc cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh); hay hình dáng tương đồng giữa chùa Một Cột và chùa Nhất Trụ (Ninh Bình). 

	Bản phục dựng 3D chùa Diên Hựu (nay là chùa Một Cột) của SEN Heritage
Bản phục dựng 3D chùa Diên Hựu (nay là chùa Một Cột) của SEN Heritage

TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chủ trì dự án, giải thích, đây là công trình phỏng dựng chùa Một Cột, hình thành từ một giả thuyết và được số hóa. “Nếu không sử dụng cột đá này thì coi như đóng sập một cánh cửa đi về quá khứ. Trong bối cảnh hiện tại, khi chưa thể có được khai quật khảo cổ học chùa Diên Hựu thời Lý thì tại sao không sử dụng cột đá chùa Dạm?”.

Trụ đá chùa Nhất Trụ có đế hoa sen phía dưới và nụ hoa sen nằm trên đỉnh cột, về thuật ngữ gọi là kinh tràng, dân gian nhìn thấy kinh tràng thì gọi chùa là Nhất Trụ. Tuy nhiên thực ra đây là kinh tràng pháp khí của phái mật tông thế kỷ X do Đinh Liễn dựng, cột to do vua Lê Hoàn dựng để cầu siêu.

Còn hình thái một cột thời Lý là loại hình kiến trúc dựng trên một cột đá. Dân gian các thế kỷ về sau đồng nhất gọi kiến trúc tại Hoa Lư là chùa Nhất Trụ, đồng thời cũng gọi Liên hoa đài ở Thăng Long là Nhất Trụ. Sự trùng dẫn ấy khiến nhiều người giải thích chùa Một Cột ở Hà Nội là di từ cố đô ra. Trích dẫn này cũng xuất hiện trong thư tịch cổ thế kỷ XVII, XVIII.

TS Trần Trọng Dương cho biết: “Không còn hiện vật nào khác thời Lý có niên đại xác tín trong khoảng thời gian từ 1086 - 1094. Để dựng lại một hình thái kiến trúc thời Lý, chúng tôi buộc phải sử dụng cột đá kiến trúc chùa Dạm là vì thế. Nếu ở Diên Hựu, tháp một cột là tháp trung tâm, tháp thờ tượng Phật, có khả năng là một lầu chuông (từng ghi trong “Việt sử lược”), với hình thái một cột sáu cạnh, cũng đồng thời xuất hiện trong Hoàng thành Thăng Long…”.

Khẳng định hình thái đặc biệt

Cột đá chùa Một Cột rõ ràng được xem là hiện vật quan trọng nhất trong lần phỏng dựng này. Theo nhà nghiên cứu Đào Duy Ngọc, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, việc sử dụng trụ đá chùa Dạm vào phương pháp tái lập SEN Heritage là phương pháp nghiên cứu so sánh dựa trên các tư liệu khảo cổ học, đó là đồng dạng và đồng đại.

“Qua tư liệu khảo cổ học, thông số kỹ thuật học và vị trí xây dựng thì cột đá chùa Dạm được xây dựng trên nền đất đồi và nền đất này có nền đá gốc bên dưới. Theo giả thuyết của các nhà nghiên cứu, phần nền đất được chồng 2 tầng, như trụ đá hiện tại của chùa Một Cột là cột xi măng, mới có thể cắm sâu dưới lòng ao, nhưng với kỹ thuật cổ cột đá nguyên bản mà cắm dưới lòng ao e là rất khó, phải có đảo ở giữa, xung quanh là kè đá để nước không thể ăn mòn vào trong, mới có thể đứng vững được”, nhà nghiên cứu Đào Duy Ngọc nêu quan điểm.

Trước những tranh cãi dạng thức chùa trên cột này đã xuất hiện ở Trung Quốc, TS Trần Trọng Dương khẳng định: “Về dấu vết khảo cổ học, chúng ta tự tin nói rằng, hiện ở Trung Quốc chưa tìm thấy kiến trúc một cột nào như thế. Rộng hơn, khắp vùng Đông Á, Đông Nam Á cũng chưa thấy dạng thức kiến trúc nào kiểu dạng một tòa đặt trên một cột, trụ đỡ quan trọng nhất của kiến trúc. Chính vì hình thái đặc biệt này mà chùa Một Cột mới vang danh bốn bể, không phải vì quy mô mà quan trọng là ý tưởng và kỹ thuật dựng. Trong sử liệu, thơ Đỗ Phủ đời Đường (Trung Quốc) cũng nhắc đến một hình thái kiến trúc đình hay lầu một cột ở vùng Giang Nam nhưng đó chỉ là những vang bóng trong sử liệu mà thôi, hiện giờ chưa từng thấy đình, chùa một cột nào hiện diện ngoài Việt Nam”.

Về bộ mái chùa Một Cột được nhiều người nhận xét có hình dạng và màu sắc giống các kiến trúc Trung Quốc, TS Trần Trọng Dương giải thích, đây là bộ mái phỏng dựng kế thừa thành tựu nghiên cứu của các học giả Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu kinh thành, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bộ mái kiến trúc thời Lý này từng được các nhà khoa học nghiên cứu và in thành sách, mô hình mái cũng đã được dựng thành phim 3D… “Khi bắt tay phỏng dựng thì phải đưa ra giả thuyết, cơ sở và căn cứ; nên để các giả thuyết cùng lúc tồn tại và để mọi người thảo luận về các giả thuyết ấy”.

Hồng Hà