Tăng cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư bằng xạ trị
Ung thư hiện vẫn là gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với nước nghèo và các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số bệnh nhân ung thư vẫn liên tục gia tăng và đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Song, nhờ những tiến bộ trong điều trị, đặc biệt là trong xạ trị chất lượng điều trị đã thay đổi nhiều như ung thư vòm họng thời điểm 20 năm trước, tỷ lệ sống thêm 5 năm chỉ đạt 33% nhưng nay đã tăng lên 65%.
Tiến bộ trong xạ trị ung thư
Theo Giám đốc Trung tâm xạ trị Quốc gia, Trưởng khoa Xạ 1, Bệnh viện K Trung ương PGS.TS Ngô Thanh Tùng, điều trị ung thư là điều trị đa mô thức gồm xạ trị, phẫu thuật, hóa trị… Mỗi ca bệnh đều được hội chẩn liên khoa để đưa phác đồ hiệu quả nhất. Với những tiến bộ trong lĩnh vực xạ trị, hệ thống máy móc đầy đủ chất lượng điều trị sẽ vượt trội hơn nhiều. Cụ thể, tỷ lệ kiểm soát bệnh, kéo dài thời gian sống của bệnh nhân tăng lên.

Hiện tại Bệnh viện có 8 máy xạ trị nhưng vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Trung bình mỗi ngày có khoảng 800-900 bệnh nhân phải xạ trị nên các cán bộ y tế, máy móc gần như hoạt động 24/24. Theo khuyến cáo mỗi ngày một máy chỉ xạ trị cho 40 - 60 bệnh nhân trong khi bệnh viện thường xuyên chạy trên 200 bệnh nhân/ngày. Để có thể đáp ứng được nhu cầu xạ trị phải có 1 máy xạ trị/1 triệu dân. Với ung thư vòm họng, 20 năm trước, tỷ lệ sống thêm 5 năm chỉ đạt 33% nhưng nay đã tăng lên 65%. Hay như ung thư phổi trung bình trước người bệnh chỉ sống thêm 1 năm, giờ đã lên 2 năm.
PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết thêm hiện bệnh viện đang có 8 máy xạ trị. Trong đó có máy xạ trị gia tốc, xạ trị theo nhịp thở, Gamma knife là một trong những thế hệ máy xạ trị hiện đại nhất khu vực và ngang với thế giới giúp điều trị hiệu quả hơn và ít biến chứng hơn. Dù vậy số lượng máy xạ trị hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, tình trạng bệnh nhân phải xạ đêm dù có giảm so với trước nhưng vẫn còn, nhiều ca xạ đến 22 giờ. Do vậy, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ phải mua thêm máy mới, đặc biệt là xạ trị hạt nặng, hạt proton.
Đòi hỏi chuyên môn cao hiện đại
Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, trên cả nước đã có 42 khoa, trung tâm có thiết bị xạ trị với tổng số 75 máy xạ trị gia tốc các thế hệ. Một số trung tâm lớn có thể triển khai các kỹ thuật xạ trị hiện đại. Triển khai phối hợp điều trị đa phương thức nhất là hóa xạ trị kết hợp trong nhiều loại bệnh ung thư với mục đích bảo tồn cơ quan, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh đồng thời tăng kiểm soát bệnh cũng như thời gian sống thêm sau điều trị. Về nhân lực, hiện cả nước có 226 bác sĩ xạ trị, 156 kỹ sư vật lý xạ trị và 266 kỹ thuật viên vận hành máy xạ trị.
Công tác phòng chống ung thư hiện nay vẫn là một thách thức lớn đối với nền y học trên thế giới, không những đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật chuyên môn hiện đại, cập nhật của các y bác sĩ, mà còn đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân người bệnh, gia đình, sự hỗ tích cực từ xã hội, cộng đồng.
Xạ trị là một trong 3 phương pháp điều trị kinh điển phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và ngày càng tỏ rõ tầm quan trọng không thể thiếu trong điều trị bệnh ung thư. Ưu thế của xạ trị là gần như không có chống chỉ định và có thể áp dụng cho mọi giai đoạn bệnh, kể cả với mục đích điều trị triệt căn đến điều trị giảm nhẹ triệu chứng cho ung thư giai đoạn cuối. Hiện tại theo ước tính trong điều trị ung thư nói chung, xạ trị đóng góp khoảng 50%.
Tuy nhiên, bất cứ phương pháp điều trị ung thư nào đều có tác dụng phụ, xạ trị cũng vậy. Với tiến bộ của máy móc kỹ thuật, công nghệ hiện đại và sự tận tâm, nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn sẽ giảm tối đa ảnh hưởng của tác dụng phụ tới bệnh nhân. Mặt khác, về phía người bệnh cũng cần tin tưởng vào quá trình điều trị, ăn uống đủ chất để có sức khỏe trong quá trình điều trị, tuyêt đối tuân thủ hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.