Tận dụng lợi thế, đón nhận cơ hội

Hương Sen 19/11/2020 16:29

Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân bên lề Hội nghị Cơ cấu lại thị trường khách du lịch, sáng 19.11, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch HÀ VĂN SIÊU cho rằng, thị trường khách du lịch là yếu tố cốt lõi, then chốt, định hình toàn diện bức tranh của ngành Du lịch. Vì vậy, giai đoạn tới việc đầu tiên chúng ta phải xem xét cơ cấu thị trường khách du lịch đến Việt Nam, cả khách quốc tế và khách nội địa. Chủ động giải bài toán này để tận dụng lợi thế, đón nhận cơ hội, vượt qua thách thức sau đại dịch.

Thất thu khoảng 23 tỷ USD

-  Thực tế, dịch Covid-19 tác động khá sâu sắc và toàn diện tới ngành Du lịch, ông có thể khái quát hiện trạng này?

- Từ đầu năm 2020, du lịch là một trong những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Theo dự báo của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới giảm khoảng 1,1 tỷ lượt khách, thiệt hại cho ngành du lịch lên tới 1.100 tỷ USD, khoảng 100 - 120 triệu lao động trong ngành du lịch mất việc làm.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu 

Dự báo sau dịch, xu hướng du lịch quốc tế có nhiều thay đổi. Du khách sẽ chú trọng hơn các yếu tố an toàn sức khỏe, bảo hiểm du lịch, vệ sinh, tránh các không gian đông đúc, tránh tiếp xúc, nhạy cảm đối với vấn đề chi phí và giá cả trong việc lựa chọn điểm đến; xu hướng đi du lịch gần trong nước hoặc trong khu vực, cắt ngắn thời gian các kỳ nghỉ, nhu cầu nhiều hơn đối với các kỳ nghỉ dưỡng trong các không gian mở, biệt lập, có các điều kiện vệ sinh an toàn đảm bảo cho việc phòng dịch.

- Với riêng du lịch Việt Nam thì thế nào, thưa ông?

- Đối với du lịch Việt Nam, ngay sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào tháng 1.2020, du lịch Việt Nam rơi vào khủng hoảng do dịch bùng phát. Năm 2020, dự kiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm trên 80% so với năm 2019. Khách nội địa, mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình kích cầu nhưng dự báo cũng giảm 50% so với năm trước.

Ngành du lịch Việt Nam thất thu khoảng 23 tỷ USD trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến nay, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt từ 10-15%. Ngành vận chuyển, hàng không quốc tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc và toàn diện, thay đổi toàn bộ chiến lược, kế hoạch và cấu trúc của ngành.

- Như thế, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể nào để thoát khỏi khủng hoảng?

- Trong bối cảnh này, vấn đề chính đặt ra là toàn ngành cần đánh giá lại, xem xét lại cơ cấu ngành, trong đó có cơ cấu thị trường khách. Bên cạnh đó, nhìn nhận lại cách làm du lịch; cách phân bổ, sử dụng, khai thác và phát huy nguồn lực sẵn có để chủ động thích ứng, coi đây là cơ hội mở ra giai đoạn mới.

Cơ cấu lại thị trường khách du lịch Việt Nam là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt giai đoạn sau này để định hình cơ cấu thị trường tối ưu, làm sao phát huy được đà tăng trưởng của giai đoạn trước, để du lịch trở thành một ngành tiên phong trong phục hồi sau Covid-19, phát huy lợi thế, tranh thủ cơ hội và phát triển chất lượng hơn.

Tập trung nghiên cứu, phát triển sản phẩm

-  Để cơ cấu lại thị trường nhằm phát triển du lịch trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nào?

- Mục tiêu thời gian tới, chúng ta cần bảo đảm tăng trưởng bền vững khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, hạn chế rủi ro trước những biến cố trong khu vực và thế giới. Tăng trưởng ổn định khách du lịch nội địa, phân bố cân đối các vùng miền.

Thực hiện mục tiêu nêu trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng cục Du lịch đề xuất, đó là tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch. Cụ thể, tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường khách du lịch quốc tế, tập trung nghiên cứu sâu cơ cấu khách du lịch quốc tế theo nhu cầu và sản phẩm du lịch, các phân khúc khách du lịch có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, sử dụng các sản phẩm du lịch mà Việt Nam có lợi thế, đảm bảo sự phát triển cân đối cơ cấu khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường.

Cụ thể là, tăng tỷ lệ khách đến từ các thị trường còn chiếm tỷ lệ thấp như ASEAN, hoặc các thị trường xa như Tây Âu, Bắc Mỹ nhưng thời gian lưu trú dài và chi tiêu cao, khách từ các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông.

Khuyến khích phát triển một số loại hình hoặc sản phẩm du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE, du lịch văn hóa, thể thao nhằm thu hút các phân khúc khách có nhu cầu đối với các sản phẩm này.

Đối với các thị trường có tỷ trọng cao về số lượng khách như Trung Quốc, Hàn Quốc, cần tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ khai thác các phân khúc khách có thu nhập cao, có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, sử dụng các dịch vụ cao cấp.

Tăng tỷ trọng chi tiêu mua sắm, vui chơi, giải trí và các dịch vụ ngoài tour khác của khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa. Tỷ trọng thu nhập từ du lịch nội địa và du lịch quốc tế chuyển đổi từ 44,3%/55,7% hiện nay thành 55/45, dần tiến đến tỷ lệ mục tiêu 60/40.

Công nghệ số - lựa chọn tất yếu

-  Năm 2020 là năm khó khăn do Covid-19 nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội để du lịch có được bức tranh sáng hơn trong năm 2021, ông có đồng ý với nhận định đó?

- Dịch Covid-19 tác động đến mọi ngành, mọi lĩnh vực trong đó du lịch là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp. Khi việc di chuyển, tiếp xúc giữa đám đông bị hạn chế, người ta lại nảy sinh ra các hoạt động khác phi truyền thống, các hoạt động đơn lẻ cũng như các hoạt động mới. Đó là những cơ hội để các doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp nảy sinh, hình thành và triển khai các ý tưởng sáng tạo, những hoạt động trải nghiệm du lịch mới, điểm đến mới bằng các phương thức mới. Phía cơ quan Nhà nước luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà khởi nghiệp ứng dụng mạnh công nghệ để triển khai ý tưởng sáng tạo của mình trong giai đoạn hậu Covid-19. Công nghệ là yếu tố sống còn để ứng dụng vào việc phát triển du lịch trong điều kiện mới.

Hội nghị Cơ cấu lại thị trường khách du lịch, sáng 19.11 tại Hà Nội
Hội nghị Cơ cấu lại thị trường khách du lịch, sáng 19.11 tại Hà Nội 

- Vậy, theo ông việc chuyển đổi số có tác động như thế nào đối với du lịch trong giai đoạn này?

- Trong xu thế chuyển đổi số, chúng ta không thể trì hoãn. Hơn nữa, du lịch là ngành mang tính chất liên kết, liên ngành và sử dụng nguồn lực đầu vào của tất cả các ngành và mọi mặt của đời sống xã hội. Chính vì thế, việc số hóa nguồn lực đó từ tài nguyên du lịch, văn hóa, sinh thái, ẩm thực, thời trang… là một nhiệm vụ khổng lồ, đòi hỏi chi phí, nguồn nhân lực rất cao. Việc số hóa data dữ liệu của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phục vụ cho du lịch là một việc làm vô cùng quan trọng, cấp bách mà chúng ta phải làm. Sau đó là những phần mềm ứng dụng để biến những hoạt động trải nghiệm của du khách được tương tác trên nền tảng ứng dụng công nghệ, từ đó khách du lịch có thể tiếp cận một cách dễ dàng hơn. Đó là những nội dung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong giai đoạn tới mà ngành du lịch phải tiếp cận.

Những phần mềm ứng dụng thông minh, hợp lý, hiệu quả sẽ thắng trong cạnh tranh. Như vậy, rất nhiều ý tưởng sáng tạo đang manh nha, đang ấp ủ sẽ xuất hiện trong thời gian tới thông qua ứng dụng công nghệ.

- Xin cảm ơn ông!

Hương Sen