Không gian của ký ức

Ngọc Phương 06/11/2020 07:14

Trong suốt chiều dài lịch sử, ký ức của nhiều cá nhân được bồi đắp, cộng hưởng trở thành ký ức của cộng đồng, dân tộc, là một phần di sản văn hóa Việt Nam. Trên hành trình đi tìm ký ức để kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, làm sao để các câu chuyện xưa trở thành thông điệp đó có giá trị sâu sắc, lan tỏa đến thế hệ sau là điều mà các chuyên gia, người làm văn hóa trăn trở.

Mảnh ghép trong bức tranh lịch sử

Tại sân trước Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang trưng bày chiếc máy bay MiG-21 số hiệu 4324 với 14 ngôi sao đỏ của Đoàn không quân sao đỏ. Hiện vật - bảo vật quốc gia này không chỉ là ký ức của quân đội, của không quân Việt Nam, mà còn là ký ức của toàn dân tộc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Đó là minh chứng cho sự chiến thắng, nhưng cũng nhắc nhớ thời kỳ đầy đau thương của Việt Nam, Hà Nội ...

Bảo tàng lưu giữ và trao truyền ký ức Ảnh: Ng. Phương
Bảo tàng lưu giữ và trao truyền ký ức
Ảnh: Ng. Phương

TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, chia sẻ: “Mỗi lần bước vào Bảo tàng, nhìn thấy máy bay ấy, tôi lại cảm thấy tự hào, và nhớ đến anh tôi, liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Túc, người lái máy bay MiG-17, trận đầu của Không quân Việt Nam đánh thắng ở Hàm Rồng. Dù điều đó cũng là ký ức đau khổ của chị tôi, khi ấy mới 26 tuổi với 2 đứa con thơ... nhưng nhờ có những hy sinh như vậy mà chúng ta có cuộc sống yên bình ngày hôm nay”.

Ký ức của từng cá nhân, khi hợp lại trở thành ký ức của gia đình, dòng họ, của dân tộc. Với các bảo tàng, đây là phần quan trọng của lịch sử. Thượng tá Vũ Lê Huy - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng: Nếu mỗi bảo tàng thuộc loại hình lịch sử xã hội được coi như một “cuốn sử sống”, thì mỗi tài liệu, hiện vật là một phần tạo nên mảnh ghép đa màu sắc trong bức tranh lịch sử. Những câu chuyện lịch sử đó không hoàn toàn tạo nên bởi bài viết, văn bản, thước phim, mà phần nhiều được ghi chép từ câu chuyện của các nhân chứng, những người chứng kiến, tham gia vào các sự kiện lịch sử, cũng như tham gia vào quá trình mà hiện vật lịch sử đó là minh chứng cho sự kiện cho nhân vật, thời kỳ lịch sử.

Nói về di sản ký ức, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Hải Vân tự hào là người được chọn gắn với nghề nghiệp này. Dù vất vả, khó khăn, nhưng “chúng tôi yêu công việc này, bởi nó làm nên giá trị bản thân mình, cho tương lai, cho xã hội. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sinh sau đẻ muộn trong hệ thống bảo tàng, nhưng tiếp bước kinh nghiệm của đồng nghiệp, hơn 30 năm qua, chúng tôi đi đến những nơi xa nhất, nghèo khó nhất, để tiếp cận tư liệu. Hàng nghìn tư liệu mà cán bộ chúng tôi được nghe, được ghi lại, chép lại, sẽ là tài sản ký ức của chúng ta”.

Còn theo Đại tá Vũ Danh Cương - Giám đốc Bảo tàng Phòng không - Không quân, di sản ký ức của bộ đội phòng không - không quân có ký ức của cá nhân, tập thể, có ký ức gắn với từng trận đánh, chiến dịch, cả chặng đường kháng chiến, giai đoạn lịch sử... Chính vì thế, từ năm 2010, Bảo tàng có chương trình Bảo tồn nhân chứng, lưu giữ thông tin về cựu chiến binh, có các câu chuyện về lịch sử, khoa học quân sự, tình cảm của chiến sĩ... cho mai sau.

Tạo sức sống cho di sản ký ức

Là những thông tin được vật thể hóa thành văn bản, tư liệu, văn tự, chứa đựng lịch sử văn hóa, giá trị di sản của dân tộc, di sản ký ức là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa Việt Nam. Những năm gần đây, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản ký ức đã được quan tâm. Theo TS. Vũ Minh Hương - nguyên Cục trưởng Cục Văn thư, Lưu trữ Nhà nước, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Cách đây 20 năm, thế giới đã quan tâm đến vấn đề này, cụ thể là UNESCO đã khởi xướng chương trình Ký ức thế giới. Ở Việt Nam, đến nay đã có 7 di sản tư liệu được vinh danh Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới cấp khu vực và thế giới, gồm: Mộc bản triều Nguyễn, 82 bia đá khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc, Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm, Mộc bản trường Phúc Giang, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; và Hoàng hoa sứ trình đồ.

Trao truyền ký ức để kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai Ảnh: Ng. Phương
Trao truyền ký ức để kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai
Ảnh: Ng. Phương

Tuy vậy, trên đất nước Việt Nam còn có rất nhiều di sản ký ức chưa được vinh danh. TS. Vũ Minh Hương ví dụ phần âm thanh như lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, hay Người đọc Tuyên ngôn độc lập trước Quảng trường Ba Đình có thể trở thành Di sản ký ức của khu vực và thế giới nếu chúng ta xây dựng hồ sơ, chứng minh đó là độc đáo, tiêu biểu, duy nhất gắn với vị anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới...

Bên cạnh đó, nhiều di sản ký ức chưa được lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị. Bà Phạm Khánh Ngân - Trưởng phòng Thông tin tư liệu, Cục Di sản văn hóa, cho biết: Chúng ta đang lãng phí di sản ký ức, nhiều nguồn tư liệu đang dần mất đi. Trước hiện trạng này, Cục đang đưa ra các văn bản chỉ đạo, chú trọng vào việc sưu tầm và lưu trữ, số hóa di sản tư liệu, để loại hình di sản này được lan tỏa trên toàn quốc.

Di sản ký ức luôn hiện hữu xung quanh chúng ta, trở thành một phần của lịch sử, và Bảo tàng là nơi lưu giữ nó. Theo bà Đường Ngọc Hà - Trưởng phòng Giáo dục Truyền thông Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trưởng ban Giáo dục Di sản CLB Phụ nữ với Di sản văn hóa, điều cần quan tâm là làm thế nào để nó không bị lãng quên. Dường như chúng ta vẫn đang vẽ bức tranh lịch sử bằng nét than chì, không thiếu nội dung, nhưng thiếu màu sắc sinh động. Nghe câu chuyện của những nhân chứng lịch sử, tôi rất xúc động. Nếu như những triển lãm tại bảo tàng, di tích cũng xúc động như vậy thì sẽ thu hút nhiều công chúng. Chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ, thay đổi công tác sưu tầm tư liệu, biến không gian trưng bày thành không gian của ký ức, kể câu chuyện của ký ức một cách hấp dẫn và truyền cảm nhất” - bà Đường Ngọc Hà khẳng định.

Ngọc Phương