Vietnam Airlines cần gói cứu trợ của cổ đông Nhà nước

Trung Hiếu 05/11/2020 06:56

Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đang trông chờ dòng tiền từ Chính phủ với tư cách là cổ đông lớn nhất (nắm giữ 86% cổ phần) để có thể phục hồi “sức khỏe” và sải cánh bay cao. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Chính phủ “bơm vốn” chính là thể hiện hành động trách nhiệm với những doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, vốn là trụ cột trong nền kinh tế.

Không xin ngân sách mà sẽ vay và trả

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cảnh báo ngành hàng không sẽ "đốt" 77 tỷ USD tiền mặt trong nửa cuối năm 2020 (tương đương gần 13 tỷ USD/tháng hoặc 300.000 USD/phút), bất chấp việc khai thác lại đang được khởi động. Du lịch hàng không phục hồi chậm sẽ khiến ngành này tiếp tục tốn trung bình 5 - 6 tỷ USD mỗi tháng vào năm 2021.

Giai đoạn 2015 - 2019, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines đạt hiệu quả cao nhất kể từ khi thành lập và nộp ngân sách nhà nước 30.471 tỷ đồng.

IATA ước tính rằng mặc dù đã cắt giảm chi phí hơn 50% trong quý II.2020, ngành này vẫn mất 51 tỷ USD tiền mặt do doanh thu giảm gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Các hãng hàng không dự kiến sẽ sử dụng thêm 77 tỷ USD tiền mặt của họ trong nửa cuối năm nay và thêm 60 - 70 tỷ USD vào năm 2021. Ngành công nghiệp dự kiến sẽ không có biến chuyển khả quan cho đến năm 2022.

Nhấn mạnh các hãng hàng không đang đối mặt với những thách thức sống còn vì dịch Covid-19, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines dẫn dự báo của IATA, theo đó các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu khoảng 4 tỷ USD, trong đó Vietnam Airlines mất 2 tỷ USD. “Cuối năm 2019, hãng có lượng tiền dữ trự khoảng 4.000 tỷ đồng. Thế nhưng, dịch Covid-19 ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các kế hoạch trả nợ vay ngắn và dài hạn. Các biện pháp ứng phó trong thời gian qua đã giúp hãng tiết kiệm, tiết giảm hơn 5.000 tỷ đồng chi phí”, ông Thành cho hay.

Tuy thị trường nội địa đang dần được khôi phục, song Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền cho biết doanh thu bình quân vẫn giảm 50%. Lý do là các hãng đều đang giảm giá vé nhằm kích cầu du lịch trong nước khi chưa bay được quốc tế. Theo ông Hiền, bức tranh hiệu quả của ngành hàng không vẫn giữ nguyên tới cuối năm và sẽ kéo dài nếu Nhà nước không có chính sách “giải cứu”.

Vietnam Airlines đã có báo cáo kiến nghị Chính phủ hỗ trợ với tư cách là chủ sở hữu của hãng (vốn Nhà nước chiếm tới 86%). Theo đó, hãng đề nghị vay tối thiểu 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, thời gian vay ít nhất là 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ.

Hãng cũng kiến nghị phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, Nhà nước sử dụng các nguồn vốn nhà nước hoặc giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)/doanh nghiệp nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của nhà nước, quy mô phát hành cân đối với phương án vay để bảo đảm 12.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021 - 2025.

“Hãng không xin từ ngân sách nhà nước mà muốn vay và sẽ trả. Việc Nhà nước hỗ trợ cho Vietnam Airlines chính là hỗ trợ "con mình" vì Nhà nước đang sở hữu 86% vốn tại đơn vị. Điều này cũng giống như với các hãng khác phải xin hỗ trợ từ cổ đông”, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines so sánh.

Chờ trách nhiệm hành động của Nhà nước

Ông Alexandre de Juniac, Tổng Giám đốc và Giám đốc điều hành của IATA nhìn nhận, cuộc khủng hoảng của ngành hàng không sâu và dài hơn bất kỳ ai có thể tưởng tượng. Các chương trình hỗ trợ ban đầu đang dần cạn kiệt, nếu không được thay thế hoặc mở rộng thì hậu quả sẽ rất thảm khốc.

Cho đến nay, Chính phủ nhiều nước đã hỗ trợ lần 2, lần 3 cho ngành hàng không với tổng số tiền khoảng 160 tỷ USD, bao gồm viện trợ trực tiếp, trợ cấp tiền lương, giảm thuế doanh nghiệp và thuế nhiên liệu…  

China Eastern Airlines - 1 trong 3 hãng hàng không thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc, mới đây được “rót” thêm 31 tỷ nhân dân tệ (4,6 tỷ USD) từ 3 công ty thuộc sở hữu nhà nước nhằm vượt qua giai đoạn chật vật với ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ hai.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Vietnam Airlines là hãng bay bị tác động sâu nặng nhưng cũng là nhân tố phục hồi nhanh nhất. Vietnam Airlines không phải đi “xin” Chính phủ hỗ trợ hay "giải cứu" mà Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu phải có hành động cũng như trách nhiệm với các biện pháp hoặc chính sách tháo gỡ. Dẫn kinh nghiệm quốc tế, ông Cung cho rằng các nước đang làm nhiều hơn và nhanh hơn Việt Nam và họ đồng thời thực hiện 2 vai trò: Nhà quản lý và nhà đầu tư.

Nhà nước không đủ tiền để cứu tất cả doanh nghiệp mà phải cứu những doanh nghiệp có tính đặc biệt, ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ bày tỏ quan điểm. Theo ông, ở đây phải hiểu là Chính phủ cứu nền kinh tế chứ không phải cứu doanh nghiệp Vietnam Airlines.

Cùng quan điểm này, ông Vũ Bằng, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng trách nhiệm của chủ sở hữu là phải thống nhất với các ngân hàng cho vay tái cấp vốn, có thể có kết hợp các khoản vay từ nhiều ngân hàng để cùng Nhà nước tăng thêm nguồn tài chính giúp hãng này vượt qua khó khăn. Mặt khác, Nhà nước cũng phải tính toán việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi để cơ cấu vốn chủ sở hữu vẫn giữ nhưng không nắm quá nhiều.

Trung Hiếu