Quy hoạch phát triển các đô thị xứng tầm
Với mục tiêu xây dựng, quản lý và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, những năm qua tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp để phát triển đô thị. Là hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng với các đặc trưng rõ rệt, thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công hay thị xã Phổ Yên… đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế của một đô thị trung tâm, tạo tiền đề quan trọng trong việc xây dựng, phát triển tỉnh Thái Nguyên theo hướng văn minh, hiện đại.
Hoàn thiện quy hoạch để thu hút đầu tư
Nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung nguồn lực, giải pháp nhằm chuyển dịch đô thị hóa gắn với xây dựng đô thị, an sinh xã hội. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước, coi quy hoạch là điều kiện đầu tiên trong kêu gọi, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Nhiều quy hoạch đã và đang được đầu tư đồng bộ, phát triển mở rộng không gian theo hướng đa trung tâm, mở rộng không gian khu vực nội thị. Ông Bùi Quang Hưng, Trưởng phòng Phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Thái Nguyên cho biết, trong giai đoạn 2010 - 2020, TP Thái Nguyên đã được phát triển mở rộng thêm 5.243,8ha (sáp nhập thêm xã Sơn Cẩm; thị trấn Chùa Hang, xã Linh Sơn, xã Huống Thượng và xã Đồng Liên). TP Sông Công được phát triển mở rộng thêm xã Lương Sơn. Thị xã Phổ Yên phát triển mở rộng tập trung về phía Đông, thuộc đô thị công nghiệp, dịch vụ Yên Bình. Đối với cấp huyện, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) và thị trấn Đu (Phú Lương) đều được điều chỉnh không gian đô thị sang các xã lân cận, từng bước phát triển nâng loại đô thị, đáp ứng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa bàn.

Song song với việc phát triển mở rộng về không gian đô thị, việc chuyển đổi hành chính, dân số và phúc lợi đô thị cũng được tỉnh quan tâm thực hiện, cơ bản bảo đảm theo các yêu cầu, quy định. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị từng bước được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ theo các tiêu chí của từng đô thị, giữa các khu vực trong đô thị cả hiện hữu cũng như khu vực mở rộng.
Theo ông Bùi Quang Hưng, tất cả các đô thị thuộc tỉnh đều được tổ chức lập quy hoạch chung đô thị để quản lý thực hiện theo quy định, cụ thể đã tổ chức lập trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Thái Nguyên đến năm 2035, lập và phê duyệt quy hoạch chung thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên, rà soát điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị thuộc tỉnh. Tổ chức lập quy hoạch chung cho các đô thị mới dự kiến thành lập như đô thị Hóa Thượng, đô thị Thượng Đình, đô thị Yên Lãng theo đúng Chương trình phát triển đô thị của tỉnh. Đặc biệt chú trọng về thiết kế đô thị làm cơ sở để triển khai thực hiện các dự án phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, văn minh, có bản sắc riêng của từng đô thị.
Điều đáng mừng là các địa phương trong tỉnh cũng quan tâm thu hút các nguồn lực cho phát triển các khu đô thị mới; cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu đô thị hiện có; tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch thu hút các dự án đầu tư xây dựng đô thị.
Phấn đấu thành lập thêm 6 đô thị mới
Hiện nay tỉnh Thái Nguyên có khoảng trên 100 dự án khu đô thị, khu dân cư lớn nhỏ, đa dạng về tính chất, loại hình. Việc quản lý đầu tư, quản lý xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, quản lý nhà ở, kinh doanh bất động sản trong các dự án được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và ngày càng được nâng cao chất lượng, góp phần đáng kể trong việc cải tạo bộ mặt cho các đô thị của tỉnh, có thể kể đến như các đô thị mang tính kiểu mẫu như: Khu đô thị Thái Hưng, khu đô thị Hồ Xương Rồng, Khu nhà ở Cao Ngạn (Danko), Khu phố châu Âu bên bờ sông Cầu… Có thể thấy, các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang đang nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh sự phát triển theo hướng nâng dần chất lượng.
Ông Bùi Quang Hưng cho biết, hiện tổng số đô thị toàn tỉnh đạt 12 đô thị, trong có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 9 đô thị loại V. Tỉnh đang thực hiện các thủ tục để thành lập đô thị Hóa Thượng - huyện Đồng Hỷ, Điềm Thụy - huyện Phú Bình; trong thời gian tới, dự kiến thành lập các đô thị Yên Lãng và Cù Vân - huyện Đại Từ, Trung Hội - huyện Định Hóa, La Hiên Quang Sơn - huyện Đồng Hỷ và huyện Võ Nhai, nâng tổng số đô thị tỉnh Thái Nguyên lên thành 18 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục xác định công tác quy hoạch, phát triển đô thị là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, sẽ ưu tiên bố trí ngân sách và huy động có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để đầu tư phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh. Trong đó, tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống giao thông - vận tải, hệ thống thoát nước, các công trình văn hóa thể thao để khẳng định rõ vai trò trung tâm của vùng trung du miền núi phía Bắc. Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh giai đoạn 2012 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chú trọng, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
Trên cơ sở quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt, ông Hưng cho biết, Sở Xây dựng sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu đô thị, khu dân cư và các khu chức năng khác trong đô thị; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các xã nông thôn. Đi cùng đó là kiểm soát có hiệu quả quá trình phát triển đô thị, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch.