Tránh tình trạng “lách luật”
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về đầu tư ra nước ngoài theo hướng ngăn chặn đầu tư bất động sản tại nước ngoài để mua quốc tịch, chống rửa tiền và các cá nhân lợi dụng để tẩu tán tài sản. Xung quanh vấn đề này, dư luận cho rằng: việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết, song để tránh tình trạng “lách luật”, một trong những giải pháp cần ưu tiên là xây dựng hạ tầng công nghệ thật tốt trong lĩnh vực ngân hàng để có công cụ kiểm soát được dòng tiền, khoanh vùng giao dịch trái phép.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về đầu tư ra nước ngoài theo hướng ngăn chặn đầu tư bất động sản tại nước ngoài để mua quốc tịch, chống rửa tiền và các cá nhân lợi dụng để tẩu tán tài sản. Xung quanh vấn đề này, dư luận cho rằng việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết.
Cụ thể, dự thảo nghị định đã bổ sung điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành nghề kinh doanh bất động sản theo hướng chỉ nhà đầu tư là doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp mới được phép đầu tư. Như vậy, mọi cá nhân không được phép đầu tư lĩnh vực này ở nước ngoài để tránh tình trạng cá nhân đầu tư bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh.
Lý giải việc bổ sung quy định mới này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ năm 2015 đến nay, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã có chuyển biến đáng kể, số lượng dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước và có vốn nhà nước giảm mạnh, trong khi các doanh nghiệp tư nhân và các cá nhân tham gia đầu tư ra nước ngoài ngày càng nhiều.
Xét về lợi ích đối với quốc gia, hoạt động đầu tư ra nước ngoài góp phần gia tăng ngoại tệ cho đất nước thông qua lợi nhuận chuyển về của các dự án, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đóng góp vào việc củng cố và phát triển quan hệ ngoại giao, an ninh, quốc phòng. Pháp luật hiện hành không có quy định hạn chế đối với cá nhân đầu tư ra nước ngoài, tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết, phải hạn chế để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, cũng như hạn chế rủi ro về pháp lý và an ninh.
Theo các chuyên gia luật, việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết, phù hợp và thống nhất với các luật trong nước về cán bộ, công chức, lực lượng công an, quân đội; bảo đảm cá nhân khi đầu tư ra nước ngoài đã có đầy đủ tư cách pháp lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Quy định nêu trên cũng giúp hạn chế các trường hợp cá nhân đang có vấn đề ràng buộc trong nước khi đầu tư ra nước ngoài để hạn chế những rủi ro có thể có như tẩu tán tài sản…
Song chỉ nên cấm cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan… đầu tư, kinh doanh bất động sản ở nước ngoài, bởi đây chính là đối tượng cần quản lý chặt để phòng chống tham nhũng. Còn cá nhân có tiền để kinh doanh, miễn là nguồn tiền hợp pháp, chân chính, chứng minh được nguồn gốc thì không thể cấm.
Mặt khác, để tránh tình trạng “lách luật”, nhất là khi các hoạt động chuyển tiền hiện nay rất tinh vi, có thể thực hiện qua nhiều kênh như liên doanh, liên kết rồi chuyển tiền trong liên doanh; nhờ đối tác hoặc cá nhân khác chuyển tiền… thì giải pháp cần ưu tiên là phải xây dựng hạ tầng công nghệ thật tốt trong lĩnh vực ngân hàng để có công cụ kiểm soát được dòng tiền, khoanh vùng giao dịch trái phép.
Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát về vấn đề này để hạn chế các trường hợp đầu tư bất động sản ra nước ngoài không vì mục đích sản xuất - kinh doanh mà nhằm động cơ khác.