Grab góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường thương mại điện tử
Việc các hãng gọi xe, sau một thời gian ban đầu tập trung vào mảng cốt lõi, chuyển hướng sang các mảng kinh doanh khác không phải là câu chuyện mới. Khi đã xây dựng xong đội ngũ tài xế và một nền tảng khách hàng đủ lớn, những doanh nghiệp này sẽ cạnh tranh với những đối thủ “truyền thống” trong ngành. Với quy mô thị trường lớn, nhiều tiềm năng cùng việc gia tăng lượng nhà bán hàng trên nền tảng của mình, Grab kỳ vọng mở ra một sân chơi thương mại điện tử sôi động tại Việt Nam.

Quy mô thị trường lớn và nhiều tiềm năng là lợi thế để Grap "lấn sân" sang thương mại điện tử. Nguồn: ITN
Quy mô thị trường lớn và nhiều tiềm năng
Thống kê cho thấy, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng thương mại điện tử đứng ở top 3 của Đông Nam Á. Với tốc độ tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015 trở lại đây, nhiều dự báo cho rằng năm 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử của nước ta có khả năng lên tới 15 tỉ USD. Quy mô thị trường và tiềm năng lớn khiến nhiều doanh nghiệp lấn sân sang thị trường thương mại điện tử, nhưng Grab có đặc thù riêng khi đã xây dựng được hệ sinh thái nhất định và thương mại điện tử như một nhánh tất yếu để trở thành “siêu ứng dụng”.
Thống kê của Sách trắng Thương mại Điện tử cho thấy người dùng mua sắm trên website giảm mạnh từ 74% năm 2018 xuống còn 52% năm 2019. Ngược lại, người dùng mua qua ứng dụng tăng từ 52% lên 57%, tức mua qua các ứng dụng đã vượt mua trên website. Đây là một lợi thế lớn cho những ứng dụng trên điện thoại thông minh như Grab.
Mới đây, hãng này cũng tung ra dịch vụ GrabMart (dịch vụ mua và giao đồ hàng ngày tới nhà theo nhu cầu thông qua ứng dụng Grab) tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Bên cạnh các mặt hàng tươi sống truyền thống, trên GrabMart đã có nhóm hàng gia dụng, thực phẩm bổ sung, mỹ phẩm, đồ dùng trẻ em... Hiện Grab đang hợp tác với các siêu thị lớn như Big C, Co.op Food, Cheers, Lotte Mart và nhiều cửa hàng nhỏ khác để mở rộng thêm các nhà cung cấp.

Chiếm nhiều ưu thế
Grab hiện đang liên kết với Moca - ứng dụng ví điện tử được dùng để thanh toán trực tuyến các dịch vụ mà không cần tiền mặt. Do đó, Grab có những công cụ mạnh mẽ ở cả giao hàng lẫn thanh toán, hai yếu tố cực kỳ quan trọng trong thương mại điện tử. Grab cũng có sẵn một đội ngũ giao hàng đông đảo. Các tài xế Grab đã quen với thanh toán trực tuyến lẫn thanh toán bằng tiền mặt, hay phương thức giao hàng - thu tiền (COD). Khi mở rộng thêm các đối tác cung cấp hàng hoá, rõ ràng nền tảng này có nhiều lợi thế để phát triển kênh mua sắm trực tuyến.
Thực tế cho thấy, một trong những khâu trọng yếu của một sàn thương mại điện tử là giao hàng. Các sàn thương mại điện tử nhỏ lẻ, có thể tự giao hoặc phải thuê giao hàng thông qua các nhóm vận chuyển, công ty vận chuyển chuyên nghiệp, thậm chí là sử dụng các ứng dụng gọi xe để chuyển hàng. Còn đối với các sàn thương mại điện tử lớn đều có đội ngũ giao hàng riêng hoặc liên kết với đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp. Ngoài sự quan tâm đến giá cả và chất lượng, người tiêu dùng rất quan tâm đến việc giao hàng có nhanh và rẻ không. Grap đã tận dụng được điều này và đánh trúng tâm lý của khách hàng khi có một đội ngũ chuyên chở hùng hậu, có khắp mọi ngõ ngách và giao với chi phí thấp. Do đó, việc vận chuyển hàng hóa có thể thực hiện ngay khi khách mua hàng xong, bất kể thứ 7 hay chủ nhật, thậm chí cả ban đêm, đáp ứng mọi nhu cầu của người mua.
Trước đó, vào năm 2018, GrabPay - phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả khi sử dụng các dịch vụ trên ứng dụng Grab được kích hoạt. GrabPay hoạt động như một ví điện tử thông thường đầy tiện ích với đầy đủ tính năng thanh toán, mua hàng, chuyển tiền, trong khi đó các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada và Tiki đều chưa có công cụ thanh toán riêng, ví của Shopee tính năng cũng rất hạn chế.
Trong bối cảnh dịch bệnh, Grab công bố Chương trình Hỗ trợ tăng trưởng cho doanh nghiệp nhỏ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tại Đông Nam Á thích nghi với trạng thái bình thường mới hậu Covid- 19. Chương trình bao gồm các công cụ và sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp đang kinh doanh trực tiếp dễ dàng chuyển sang kinh doanh trực tuyến, đồng thời giúp những đối tác đang hoạt động trên nền tảng Grab tăng mức hiển thị và có thể điều chỉnh hoạt động vận hành phù hợp với nền kinh tế đang chuyển đổi số nhanh chóng. Chương trình nổi bật là nền tảng GrabMerchant tại 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đây là một nền tảng tự phục vụ gồm “tất cả trong một” để các chủ doanh nghiệp có thể phát triển tập khách hàng trên nền tảng trực tuyến, tối ưu hóa vận hành, đồng thời kiểm soát chi phí. Có thể nói, GrabMerchant giống như một mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh thương mại điện tử của Grab khi Grab đã có sẵn đội ngũ giao hàng và công cụ thanh toán từ lâu.
Theo Công ty truyền thông Dealstreetasia, những người kinh doanh mảng đồ ăn (F&B) vốn trước đây dùng GrabFood sẽ dần chuyển sang GrabMerchant, tích hợp cũng những người kinh doanh thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu (GrabMart) và các thương nhân dùng GrabPay. Số liệu của Grab cho biết, 120.000 người dùng tham gia vào các nền tảng trên trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 5 năm nay.
Tuy vậy, lợi thế của Grab còn nằm ở việc mở ra nhiều hình thức kinh doanh mới. Ví dụ, Grab có thể cung cấp hàng hoá, nguyên vật liệu đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho họ nợ tiền thanh toán trong một thời gian nhất định. Hoặc có thể cho người dùng mua sắm hàng hoá, dịch vụ trên Grab đến cuối tháng mới trả tiền mà không phải trả lãi.