Làn gió mới trên vùng đất chiến khu
Tự hào là vùng đất chiến khu - cái nôi của cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên không ngừng nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Nhiều tổ chức, cá nhân đã có những bước đi, cách làm sáng tạo, giúp Thái Nguyên trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Từ những làng mới Saemaul…
Chúng tôi đến xóm Tổ, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa vào những ngày sắc thu đang chớm. Từng là xóm nghèo nhất của xã Phượng Tiến, đường đất và đầy sỏi đá, trình độ dân trí thấp, kinh tế hộ chủ yếu là tự cung tự cấp, không có thu nhập ổn định nên đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Sự “thay da đổi thịt” của xóm Tổ bắt đầu từ khi xóm được tiếp nhận hỗ trợ từ Dự án xây dựng Làng thí điểm NTM của Quỹ toàn cầu hóa NTM Saemaul Undong Hàn Quốc (SGF) vào năm 2014, với mục tiêu cải thiện điều kiện hạ tầng, môi trường sống của các hộ dân và phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân trong thôn.

Quỹ SGF còn hỗ trợ xóm Tổ xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế, tiêu biểu như: Dự án đầu tư xây dựng 3 trại chăn nuôi thỏ, quy mô mỗi trại 700 - 800 con, cho thu nhập bình quân khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng; Dự án sản xuất miến dong cho ra sản phẩm miến sạch bằng nguyên liệu 100% tinh bột dong, tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trưởng xóm Bùi Văn Cường xúc động chia sẻ, sau nhiều năm thực hiện Phong trào Saemaul, không chỉ diện mạo xóm trở nên khang trang hơn mà mức thu nhập cũng được nâng lên từng ngày nhờ thay đổi tập quán, phương thức canh tác.
Cùng với xóm Tổ, xóm Phú Nam 1 (xã Phú Đô, huyện Phú Lương) là 2 xóm của tỉnh Thái Nguyên được quỹ SGF hỗ trợ xây dựng mô hình làng mới Saemaul - Hàn Quốc. Từ một bản làng heo hút, mưa lầy, nắng bụi, Phú Nam 1 đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phú Lương. Bí thư Chi bộ xóm Đàm Thị Châm cho biết, sự đổi thay của Phú Nam hôm nay nhờ vào sự hỗ trợ từ Chương trình xây dựng làng mới Saemaul - Hàn Quốc.
Chương trình được triển khai dựa vào đặc điểm sẵn có của địa phương là “Làng chuyên canh cây chè” trên diện tích gần 50ha. Chương trình đã hỗ trợ cho lãnh đạo xã, Bí thư Chi bộ và Trưởng xóm được tham gia khóa đào tạo, học tập Phong trào làng mới Saemaul Undong tại Hàn Quốc trong thời gian 2 tháng. Qua đó, học tập được sức mạnh từ sự đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu của người dân Hàn Quốc.
Trở về sau chuyến tham quan đó, chị Châm cùng với lãnh đạo xóm họp dân để thống nhất kế hoạch hành động. Việc xây dựng đường bê tông thôn xóm về các ngõ, hộ gia đình được đặt lên hàng đầu. Nhà nước đã đầu tư toàn bộ một tuyến đường trục chính từ xã về trung tâm xóm thì nay người dân phải đối ứng để nối dài huyết mạch về nhà, ra nương chè. Chỉ sau 1 năm, toàn bộ đường giao thông xóm Phú Nam 1 đã được hoàn thiện.
Công việc quan trọng tiếp theo là thống nhất toàn xóm chung một ý chí cải tạo, phát triển nương chè theo hướng chè VietGAP, chè hữu cơ. Theo đó, xóm đã thống nhất thành lập HTX Nông nghiệp thương mại và dịch vụ Saemaul Phú Nam 1. Đưa giống chè mới vào sản xuất theo quy trình VietGAP, không chỉ sản lượng mà chất lượng chè được nâng lên rõ rệt, nhờ đó giá chè cao hơn nhiều lần so với chè canh tác theo phương pháp cũ.
Chị Châm phấn khởi chia sẻ: “Môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân Phú Nam 1 ngày càng được nâng lên. Chúng tôi đã được công nhận làng nghề chè xuất sắc, được nhận danh hiệu xóm nông thôn mới tiêu biểu. Đó là thành quả rất đáng tự hào, cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục xây dựng Phú Nam 1 trở thành điểm đến trong các tour du lịch sinh thái trải nghiệm đồi chè hình mẫu tại địa phương”.
… đến mỗi xã một sản phẩm
Giống như mô hình Làng mới Seamaul, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng là một làn gió mới giúp nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Được triển khai từ năm 2019, đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có 25 sản phẩm đã được xếp hạng 3, 4 sao theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, có nhiều sản phẩm đặc thù của địa phương đã khẳng định được thương hiệu với thị trường trong nước, như: Thanh Hải trà, chè móc câu Hảo Đạt, miến dong Việt Cường...
Phong trào Làng mới Saemaul là một sáng kiến chính trị đưa ra vào ngày 22.4.1970 bởi Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee, nhằm hiện đại hóa kinh tế nông thôn Hàn Quốc. Tại Việt Nam, Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới Hàn Quốc (SGF) đã hỗ trợ xây dựng được 8 làng thí điểm theo mô hình Saemaul tại 5 tỉnh gồm: Ninh Thuận, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế và Hậu Giang. Điểm đặc biệt của mô hình này là tạo động lực để người dân đoàn kết, xây dựng các làng NTM với tinh thần “cần cù - tự lực - hợp tác”. Đó cũng chính là tinh thần mà các địa phương ở nước ta đang mong muốn phát huy trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM, hướng đến mục tiêu chung là nâng cao thu nhập, cải thiện toàn diện đời sống người dân.
Trong Chương trình OCOP, người dân đóng vai trò chính khi tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường, thúc đẩy nhanh quá trình liên kết, hợp tác giữa người nông dân và các HTX, doanh nghiệp. Đặc biệt, tham gia chương trình này, giá trị kinh tế của sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP và doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm đạt 3, 4 sao đều tăng.
Trò chuyện với chúng tôi, Giám đốc HTX miến Việt Cường, huyện Đồng Hỷ Nguyễn Văn Ba chia sẻ: Từ khi HTX được thành lập, các khâu sản xuất được thay bằng máy giúp giảm sức lao động, gia tăng năng suất, thu nhập và đầu ra ổn định. Năm 2019, sản phẩm Miến dong Việt Cường tham gia Chương trình OCOP và được đánh giá 4 sao. Nhờ đó, thương hiệu Miến dong Việt Cường được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến và tin dùng.
Đến nay, HTX mỗi năm cung cấp 500 tấn miến với doanh thu trên 10 tỷ đồng. Miến dong Việt Cường đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn và các đại lý phân phối trong cả nước. Anh Ba cũng cho biết, năm 2020, HTX mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm giàn máy phơi miến tự động và phát triển thêm một số sản phẩm miến mới. HTX mong muốn sản phẩm Miến dong Việt Cường sẽ sớm tham dự đánh giá sản phẩm OCOP của Trung ương để có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế.
Thực tế, Thái Nguyên là tỉnh có nhiều tiềm năng thực hiện Chương trình OCOP với 238 làng nghề truyền thống, trong đó có trên 200 làng nghề chè truyền thống nổi tiếng. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 19.000ha chè, trải rộng trên cả 9 huyện, thị với sản lượng hàng năm gần 200.000 tấn chè búp tươi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Lượng chia sẻ, với vị trí là tỉnh dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc trong phong trào xây dựng NTM, đến nay toàn tỉnh Thái Nguyên có 103 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 72%; 25 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Rà soát theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2017 - 2020, Thái Nguyên còn 11 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 29 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Đặc biệt, có 23 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt xóm NTM kiểu mẫu.
Ông Lượng tin tưởng: “Phong trào Làng mới Saemaul và Chương trình mỗi xã một sản phẩm đang có những đóng góp quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, thái độ, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Mong rằng, Thái Nguyên sẽ tiếp tục có những sáng kiến mang tính đột phá, góp phần thay đổi nhanh chóng hơn nữa bộ mặt nông thôn - bộ mặt miền quê mang đậm dấu ấn cách mạng”.