Nâng cao công suất và khả năng xét nghiệm

Dương Cầm 25/08/2020 06:37

Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch Covid-19 ở nước ta đang dần được kiểm soát tốt, với 9 bài học kinh nghiệm từ sự thành công bước đầu này. Trong đó, phải kể tới, công suất xét nghiệm đã được nâng lên rất nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn, khả năng xét nghiệm hoàn toàn đáp ứng tình huống dịch xảy ra trên diện rộng.

Cán mốc 1 triệu xét nghiệm PCR

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm tăng sau thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và một số địa phương, Bộ Y tế đã chỉ đạo và thực hiện tăng năng lực xét nghiệm cho toàn bộ ngành y tế. Thống kê từ Cục Y tế dự phòng, tính từ khi bùng nổ dịch Covid-19 đến 15h ngày 24.8, Việt Nam đã thực hiện được tổng cộng 1.009.145 xét nghiệm bằng phương pháp RealTime RT-PCR. Riêng trong ngày 24.8 đã thực hiện 11.698 mẫu.

Nâng cao công suất và khả năng xét nghiệm Covid-19 Nguồn: ITN
Nâng cao công suất và khả năng xét nghiệm Covid-19

Nguồn: ITN 

Nếu so sánh với các giai đoạn trước của dịch Covid-19 ở Việt Nam, có thể thấy công suất xét nghiệm được nâng lên rõ rệt. Trong giai đoạn từ 22.1 - 5.3, xét nghiệm được 3.094 mẫu, trung bình 70 mẫu/ngày. Trong giai đoạn từ 6.3 - 22.4, xét nghiệm được 182.109 mẫu, trung bình 3.874 mẫu/ngày. Trong giai đoạn từ 23.4 - 23.7, xét nghiệm được 237.815 mẫu, trung bình 2.631 mẫu/ngày. Trong giai đoạn từ 24.7 đến nay đã xét nghiệm được 485.215, trung bình khoảng 16.173 mẫu/ngày.

Được biết, trong tuần đầu tiên, mỗi ngày xét nghiệm 5.500 mẫu. Tuần thứ 2 trung bình mỗi ngày xét nghiệm 15.500 mẫu, gấp 2,7 lần so với tuần thứ 1. Tuần thứ 3 mỗi ngày xét nghiệm gần 25 nghìn mẫu, gấp gần 4 lần so với tuần thứ 1 và gấp 1,6 lần so với tuần thứ 2. Trong đó, tính đến ngày 20.8, Đà Nẵng xét nghiệm nhiều mẫu nhất (khoảng 86 nghìn mẫu), tiếp theo là TP Hồ Chí Minh và Quảng Nam.

Được đánh giá là địa phương có năng lực xét nghiệm nâng lên một bậc, đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chia sẻ, trước đây, khi chưa có dịch, chỉ xét nghiệm được vài trăm mẫu trong ngày, đến nay năng lực xét nghiệm của Quảng Nam đạt 4.500 mẫu/ngày.

Với tỉnh Hải Dương, từ ngày 24.8, tỉnh sẽ triển khai kế hoạch xét nghiệm sàng lọc Covid-19 đợt 2 bằng kỹ thuật ELISA - xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể, đối với những người trở về từ Đà Nẵng từ ngày 1.7 - 20.7, những người đến nhà hàng Thế giới bò tươi từ ngày 15.7 - 20.7, những người dân trong ổ dịch 36 Ngô Quyền từ 10 tuổi trở lên. Dự kiến có khoảng 2.000 mẫu xét nghiệm, trong đó 1.000 mẫu gửi lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; 1.000 mẫu còn lại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ cử cán bộ chuyển giao kỹ thuật tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh.

Thiết lập nhanh phòng xét nghiệm

Không chỉ nâng công suất xét nghiệm, việc thiết lập thêm phòng xét nghiệm cũng được ngành y tế đặc biệt chú trọng. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính tới ngày 20.8, cả nước có 123 phòng xét nghiệm có khả năng xét nghiệm bằng phương pháp RealTime-PCR với công suất tối đa hơn 46 nghìn mẫu/ngày. Trong số đó, có 71 phòng xét nghiệm khẳng định, công suất các phòng này là hơn 34 nghìn mẫu/ngày. Bộ Y tế cũng thành lập hệ thống hỗ trợ xét nghiệm tại 3 khu vực để giúp các địa phương nâng công suất xét nghiệm trong trường hợp cần thiết.

Thiết lập thêm phòng xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-COV-2. Nguồn: ITN
Thiết lập thêm phòng xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-COV-2.
Nguồn: ITN

Với thời gian ngắn kỷ lục, chỉ trong 1 tuần, tại Đà Nẵng đã thiết lập 2 phòng xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Theo đó, vào thời điểm căng thẳng ở Đà Nẵng, nhu cầu xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn rất lớn. Vì vậy, Bộ Y tế đã giao cho Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nhiệm vụ “chia lửa” với tiền tuyến bằng cách thiết lập nhanh các phòng xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 tại Đà Nẵng, để có thể đáp ứng nhu cầu xét nghiệm tại đây. Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh PGS. TS. Phan Trọng Lân đã chủ trì họp nhóm chuyên gia để phân công nhiệm vụ thiết lập nhanh các phòng xét nghiệm Covid-19 cho Đà Nẵng (hình thành mô hình phòng xét nghiệm Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh ngay tại chỗ) nhằm phát hiện nhanh và chính xác những ca bệnh để kịp thời cách ly và điều trị.

Với kinh nghiệm và mô hình sẵn có của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, nhóm đã thiết kế và cải tạo phòng xét nghiệm của Bệnh viện 199 (Bộ Công an) để bảo đảm an toàn sinh học và theo quy định của Bộ Y tế. Đơn vị cũng chi viện cấp tốc các trang thiết bị máy móc, sinh phẩm và vật tư vận chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng để có thể triển khai ngay việc xét nghiệm. Sau khi cơ sở vật chất đã hoàn thiện, nhóm chuyên gia đã khảo sát tình hình nhân sự, năng lực tại Bệnh viện 199, xây dựng chương trình và đào tạo về an toàn sinh học, phương pháp lấy mẫu, vận chuyển mẫu, phương pháp xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kĩ thuật Realtime PCR. Bên cạnh đó, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cùng nhân viên xét nghiệm của Bệnh viện 199 đã thực tập, lên kế hoạch xét nghiệm tổng thể và vận hành các quy trình cần thiết phục vụ công tác xét nghiệm.

Tương tự mô hình thiết lập phòng xét nghiệm triển khai tại Bệnh viện 199, đội công tác của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã triển khai Phòng xét nghiệm tại Bệnh viện C Đà Nẵng trong 48 giờ. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, đã kiểm tra 2 phòng xét nghiệm và đánh giá, cả 2 đều đủ năng lực khẳng định xét nghiệm chẩn đoán Covid-19.

Khẳng định việc nâng công suất xét nghiệm và thiết lập nhanh phòng xét nghiệm là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo Bộ Y tế lưu ý, công tác xét nghiệm phải được triển khai hiệu quả, đúng đối tượng, tránh bỏ sót và đáp ứng tình huống khi dịch xảy ra trên diện rộng.    

Dương Cầm

Dương Cầm