Giải khát - chuyện của một thời

Tùy bút của Vũ Thị Tuyết Nhung 23/08/2020 09:31

Chắc là trên nền cảm hứng ấy, nghệ sĩ xiếc Tâm Chính mới sáng tạo ra tiết mục uốn dẻo “Cô hàng giải khát” đoạt luôn huy chương vàng. Nhưng nếu người đời cứ nhìn vào tiết mục “Cô hàng giải khát” xiếc mà hình dung cô hàng giải khát thật thì sai bét...

Bây giờ nói đến nước giải khát, thật là kể không hết nổi hàng trăm thứ. Tủ lạnh mỗi nhà thật không khác gì quán giải khát hay thậm chí là siêu thị thu nhỏ. Mà tuyệt nhiên chẳng ai nhắc đến những thứ nước giải khát "thần thánh" vốn là mơ ước của một thời.

Có lẽ lứa trẻ thế kỷ XXI ở Hà Nội không bao giờ có thể tưởng tượng nổi rằng cái thời bao cấp, chiến tranh, có cốc nước chanh đường để uống thì coi như được trao thưởng. Hoặc là phải sinh bệnh ốm lê, mới được ăn phở, uống nước cam. Đấy là những gia đình có điều kiện. Còn không, các bà mẹ nghèo cũng phải cố kiếm lạng đường chợ đen pha cốc vitamin C hòa lẫn mấy viên B1 giải khát, tẩm bổ cho con.

Nhà tôi hồi sau cải tạo tư sản tư doanh có mở cửa hàng sửa chữa, buôn bán phụ tùng xe đạp xích lô xe thồ. Khách đông đúc suốt ngày. Sớm chiều hai buổi, mẹ tôi đều ủ hai ấm chè tươi nước xanh biếc để đãi khách. Nhưng cũng có khi mưa bão hay lũ lụt, tàu hỏa từ mạn ngược về nhỡ chuyến, chè xanh ngoài chợ không có thì mẹ tôi sẽ hãm nước lá vối khô, hay nụ vối, hoặc chè hạt mua ở chợ Hàng Bè. Thích nhất là có khi gặp bà khách hàng mạn Hưng Yên, Bắc Ninh sang cất hàng đem cho một tay nải nụ vối tươi hái từ cây nhà trồng. Mẹ tôi mừng lắm, đem chia nhỏ biếu mấy nhà họ hàng trong phố cổ và tãi ra gầm phản nhà dưới để hãm nụ vối tươi được vài ba ngày. 

Nước nụ vối đã vừa đẹp lại vừa thơm. Màu nước vàng hanh hanh, trong vắt, ngọt dịu. Chỗ nụ vối còn lại, mẹ đem rải ra vài ba cái mẹt tre đem phơi trên gác thượng mấy nắng cho thật khô, rồi đem cất vào mấy chiếc vỏ hộp sữa Guy-gô đặt vào chạn trên, để dùng dần những khi nhỡ bữa chè tươi. Với mẹ tôi, chè tươi vẫn là thứ nước uống tốt nhất, hợp giọng nhất, đáng để chung thủy đến cuối đời. Chứ chè mạn Hà Giang hay chè Thái Nguyên khô thời ấy rất hiếm. Một vài năm, bà lại giở ra ướp trà Thái Nguyên với hoa nhài Ngọc Hà hay ướp trà mạn Hà Giang với hoa sen Tây Hồ để đem biếu thông gia và khách quý cũng như dâng cúng trên ban thờ những ngày giỗ Tết. Chứ mà chè khô gói giấy vuông Ba Đình hay thậm chí Hồng Đào của mậu dịch bán theo phiếu hàng tết, mẹ tôi chê hết. "Uống phí mồm", hễ có thì chỉ đem đi cho mà thôi.    

Thế nên, nếu nhà có khách quý, thật quý, mẹ mới trịnh trọng lôi chai nước cốt mơ ngâm hay dâu ngâm, sấu ngâm cất kỹ đem rót đôi ba thìa đặc sánh, thơm lựng, hòa vào lưng cốc nước lọc đun sôi đựng trong những chiếc vỏ chai rượu mậu dịch Tết dành dụm được, trên có nắp bồ đài bằng giấy vở cũ dán lại hình chóp nón, rồi bê ra mời khách. Thế là nhất. Làm gì có viên đá lạnh nào. Thời ấy Hà Nội chỉ lác đác có mấy nhà cán bộ đi Liên Xô về mang được cái tủ lạnh Saratov mỗi khi cắm điện kêu òng ọc như xe công nông. Mãi đến sau giải phóng, Hà Nội mới xuất hiện những chiếc tủ lạnh do các hãng tư bản sản xuất, do người ngoài Bắc vào thăm họ hàng trong Nam đem ra. Còn trước đó, chủ nhật đến, nếu nhà nấu nồi chè hay pha chai siro lựu mậu dịch, thì bà mẹ sẽ sai đứa con nhỏ chạy ra cổng nhà máy nước đá trên phố Trần Quang Khải xếp hàng mua mấy hào nước đá mậu dịch. Nhìn những khối đá nửa đục nửa trong nặng hàng tạ công nhân quăng đầy trên vỉa hè, móc sắt kéo lê chất lên xe phủ bao tải mang đi mà chẳng hề biết sợ bẩn. Bê chậu đá về đến nhà có khi tan mất đến 1/3. Vẫn thích mê. 

Thứ nước giải khát mà tôi ấn tượng nhất trong tuổi thơ chính là nước chanh ga mậu dịch, mua từ cửa hàng ăn uống giải khát cuối phố Lương Ngọc Quyến, đựng trong một chiếc xoong nhôm sóng sánh đá viên. Cả nhà cùng uống. Sung sướng phả phê. Đây có lẽ là sự thâm nhập đầu tiên của dạng nước giải khát chế biến kiểu công nghiệp vào thị trường Hà Nội đó chăng?         

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Nhưng khu phố cổ ngày ấy, những năm thuộc thập niên 70 của thế kỷ trước cũng vẫn còn những hàng nước giải khát đẩy xe hoặc bán tại chỗ của người Tàu như Bát bảo lường xà hay nước gạo rang, nước mía ép, mang hương vị thơm ngon khá đặc biệt. Nhất là hàng chè đỗ đen đá mang tên Cắm Sìn phố Mã Mây thì dù mùa hè hay mùa đông vẫn cứ đông khách nườm nượp. Chè ngọt đậm, đỗ nhừ tơi, thêm chút dừa sợi bùi ngậy, mấy miếng thạch găng sậm sựt, thêm tý dầu chuối thơm nức. Nhà tôi cố công đun nấu kiểu gì cũng chả được như thế. Cho đến sự kiện Hoa kiều về nước năm 1978 thì những hàng ăn uống, nước non của họ biến mất dần.

Những năm đầu thập niên 1980, các loại nhu yếu phẩm, đường kính vẫn được bán theo tem phiếu. Ra giêng mẹ tôi đã bảo với dì tôi:

- Nấu chè với làm mứt tết hết sạch đường trắng, đường vàng rồi. Từ tháng này dì nó để dành phiếu đường để ngâm mơ với ngâm dâu nhé!

Tháng Ba âm lịch, sau những làn mưa bụi miên man, rặng bàng trước phố đã xòe ra những chùm lá xanh nõn. Trên chợ Bắc Qua cạnh cầu Long Biên đã ùn ùn những sảo dâu ta tím đỏ và những sảo mơ hanh hanh ánh vàng còn vương những cuống lá tươi xanh. Dì tôi làm gần đấy, thi thoảng nghe tiếng tàu xình xịch về ga, lại chạy vội ra chợ. Soi xét chán, ngày này qua ngày khác. Kỳ đến bao giờ mua được mẻ dâu chín đỏ mà không giập nát, mẻ mơ chín tới mới hanh hanh vàng mà có một chấm son trên má, đích thị là mơ chùa Hương, mã tươi, quả nhỏ, hạt nhỏ, nhiều thịt, dì mới ưng ý.

Thời ấy, các cửa hàng ăn uống mậu dịch thường bán nước chanh đường và si rô cam, lựu, dâu. Nhược điểm của nước giải khát mậu dịch là thường pha loãng toẹt. Ưu điểm là thường có đá lạnh viên thả vào, nên rất hấp dẫn thực khách nhỏ tuổi. Nhưng bố mẹ tôi thường cấm uống những thứ nước đó, không phải do sợ tốn tiền, vì rẻ lắm, mà cái chính là sợ bẩn. Chỉ những khi ngành ăn uống mở hội thi hay có đoàn kiểm tra thì cửa hàng mậu dịch sẽ được trang hoàng cờ hoa rực rỡ, các cô phục vụ mặc áo mới, đeo tạp dề mới, thì vào uống các loại nước ngọt và si rô mới chuẩn vị, mới an tâm. Các cô mậu dịch viên có thể chồng hai khay cốc lên nhau mà miệng vẫn cười hoa nở đi như bay như lướt. Chả bù những ngày bán hàng thường nhật, đi lại loảng xoảng, mặt mũi cau có. 

Chắc là trên nền cảm hứng ấy, nghệ sĩ xiếc Tâm Chính mới sáng tạo ra tiết mục uốn dẻo “Cô hàng giải khát” đoạt luôn huy chương vàng. Nhưng nếu người đời cứ nhìn vào tiết mục “Cô hàng giải khát” xiếc mà hình dung cô hàng giải khát thật thì sai bét, sai bét!

Món đồ giải khát được đám trẻ em Hà Nội ưa thích nhất có lẽ là kem. Lúc không có tiền ăn kem thì cũng quanh quẩn ở đâu đó nhặt que kem về rửa sạch, vót tròn làm que tính. Bên cạnh đó, trên các đường phố còn có những hàng kem bán rong do các chú bé nhà nghèo đeo những thùng kem to tướng, rao lảnh lót, lảnh lót. Cuối năm học được giấy khen, các cô bé cậu bé Hà Nội sẽ được bố mẹ cho đi ăn kem cốc ở hiệu Thủy Tạ, Bốn Mùa. Hãnh diện tự hào lắm khi vừa ngồi ngắm cảnh hồ Gươm vừa cầm chiếc thìa dài bé xíu chậm rãi xúc từng tý kem.

Thời ấy, phố Hà Nội đã thưa dần hình bóng những bà hàng áo nâu khăn vấn đi bán nước chè xanh và nước vối với tiếng rao bình dị:

- Ai chè xanh nước vối đi! Ai chè xanh nước vối nào!

Sau ngày thống nhất đất nước, Hà Nội mới xuất hiện nhiều dần những quán chè chén vỉa hè thu hút rất đông người qua lại, chủ yếu là đàn ông. Sau thời kỳ xóa bỏ cơ chế bao cấp, chất lượng chè chén được nâng cấp dần. Nhất hạng là chè móc câu Thái Nguyên loại “một tôm hai lá”. Khách khứa ngồi trên những chiếc ghế con con, trò chuyện rất sôi nổi đủ các đề tài từ trong nước ra thế giới. Cụm từ: “Thông tấn xã vỉa hè” chắc là cũng hình thành từ những năm ấy.

Nói đến những món nước giải khát Hà Nội thời bao cấp, không thể không nhắc đến những quán bia hơi mậu dịch xếp hàng vòng trong vòng ngoài ở các điểm như Cổ Tân, Đường Thành, Phố Huế. Bia 3 hào 1 cốc giữ giá khá lâu. Đấy là chốn tụ hội đủ mặt các văn nghệ sĩ trí thức cho đến cánh lao động bình dân. Cái cụm từ mai mỉa “bia kèm lạc” ra đời đích thị là từ những quán bia mậu dịch như thế.

Khi đi lấy chồng, tôi vẫn giữ lệ mỗi năm đều ngâm mơ, ngâm dâu, ngâm sấu, ngâm quất để dành. Bình to lọ nhỏ ngổn ngang khắp nhà, Nhưng rồi không hiểu sao, khách khứa đến cứ dần chả mấy mặn mà với những thứ nước hoa quả ngâm kỳ công vô cùng ấy. Hôm rồi dọn tủ bếp, cô giúp việc lôi ra một đống bình lọ. Tôi phải mở nắp từng bình xem kỹ và ngửi thử để phân loại các thứ nước hoa quả. Vì chúng đều đã ngả mầu sẫm tối. Bên ngoài một số bình lọ, thấy vẫn còn bút tích ông xã đề trên những mảnh giấy trắng dán chặt: “Rượu Mơ mật ong”, "Cốt táo Mèo mật ong”, "Chanh đào mật ong”… Thế là lại ngồi thần ra nhớ người vừa khuất...

Tùy bút của Vũ Thị Tuyết Nhung