Hà Nội trong thơ ca
Có một Hà Nội trong âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh… và còn có một Hà Nội trong thơ muôn hình muôn vẻ, ghi lại những đổi thay của kinh đô xưa tới thành phố hiện đại. Hiện nay, lực lượng các nhà sáng tác trẻ đã tạo sức sống mới cho thi ca Thủ đô, tuy nhiên, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, cần có thêm tiếng nói mang dấu ấn.
Sức sống kỳ diệu và mãnh liệt
Phát biểu tại Hội thảo “Thơ Hà Nội: Sức sống mới sau 45 năm thống nhất đất nước” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày 10.6 vừa qua, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cho rằng, thơ viết về mảnh đất Rồng bay lên huyền thoại, từ xưa đến nay luôn thấm đẫm một sức sống kỳ diệu và mãnh liệt. Điều đó có thể thấy trong những câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong “Thăng Long Thành hoài cổ”, hay “Thăng Long 1” của đại thi hào Nguyễn Du; trong các bài thơ tuyệt đẹp của các thi sĩ Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Quang Dũng… như những tượng đài khắc họa một Thủ đô kháng chiến. Sang giai đoạn mới sau 1975, thơ Hà Nội mang sức sống mới với các tác phẩm “Em ơi Hà Nội phố” của Phan Vũ, “Hà Nội phố” của Nguyễn Việt Chiến; “Thăng Long” của Đỗ Trung Lai... "Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, những tên gọi thiêng liêng và thân thương đó mãi ngân nga trong trái tim mỗi chúng ta" - nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nói.
Kế tiếp các bậc đàn anh, các nhà thơ trẻ hôm nay vẫn tràn đầy hào hứng khi viết về Thủ đô mến yêu. Những năm gần đây, thơ Hà Nội đã có thêm lực lượng trẻ khá hùng hậu, với số lượng nhà thơ không ngừng được bổ sung vào dòng chảy của văn học Thủ đô, các ấn phẩm thơ ngày càng ra đời nhiều hơn, viết về Hà Nội đầy tươi mới. Sự ra đời của internet, nhất là mạng xã hội, đã giúp thơ ca nhanh chóng đến với độc giả hơn. Chưa bao giờ việc truyền tải tác phẩm của mình đến người đọc nhanh chóng như bây giờ… cho thấy đời sống sôi nổi của thi ca Hà Nội.
Trong dòng chảy của thơ ca Việt Nam đương đại, thơ Hà Nội đã góp mặt không ít tác giả và tác phẩm tiêu biểu. Điều này cũng tạo nên diện mạo phong phú và đa dạng cho văn học Thủ đô, đáp ứng nhu cầu của độc giả hôm nay. Theo nhà thơ Đặng Thiên Sơn, thơ trẻ Hà Nội đã tạo được sự đa thanh đa sắc trong sáng tạo nghệ thuật. Điều này được chứng minh qua phong cách sáng tạo cũng như đề tài mà các nhà thơ lựa chọn. Với các trang viết phảng phất hình ảnh Hà Nội, họ được kỳ vọng là lớp kế cận tạo nên những áng thơ mới hay, đẹp và giá trị về thành phố.

Chưa có nhiều bài thơ hay và toát lên hồn cốt của Hà Nội |
Hy vọng về “làn sóng mới”
Thơ Hà Nội đã có sức sống mới, nhưng sức sống ấy liệu có lâu bền không? Đây là băn khoăn của nhiều người, khi các bài thơ thật hay và toát lên được hồn cốt của Hà Nội không nhiều. Có nhiều nguyên nhân, song theo nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nguyên nhân chính vẫn là “Hà Nội chưa được nhìn thật sự bằng con mắt thơ. Bởi vậy, thơ của các bạn trẻ có thể tươi mới đời sống hôm nay nhưng lại thiếu đi sự trầm mặc của thời gian và lịch sử. Vấn đề là ở chỗ - không có cái mới nào tự dưng từ trên trời rơi xuống. Cái mới, sức sống mới phải được gieo trồng và nảy mầm từ chính mảnh đất nghìn năm văn hiến”.
Còn theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Thơ đương đại hôm nay đã xuất hiện không ít tác giả cách tân thơ với các khuynh hướng tìm tòi rất náo nhiệt. Bước đầu, họ cũng đã ghi được dấu ấn khi vượt qua sự đơn điệu, nhàm chán của những cung bậc thơ cũ. Nhưng trong số nhà cách tân đầy nhiệt huyết này, ở một số cây bút, nhiều khi tài năng, phẩm chất thi sĩ không theo kịp phẩm chất đổi mới, nên có thể những bài thơ “non lép” của họ mới chỉ dừng lại ở mức có dấu hiệu của tìm tòi mà chưa làm nên sự khác biệt của một phong cách thơ mới được khẳng định bởi tài năng thơ đích thực”.
Về nội dung, chủ yếu các tác giả đi vào bản thể, cá nhân, chia sẻ những nỗi buồn riêng tư lặp đi lặp lại. Không ít người đã thoát ly đời sống cộng đồng, khai thác quá sâu vào những mất mát, nỗi buồn cá nhân, biến thơ mình thành một thứ độc thoại nội tâm với những câu chữ cầu kỳ, bí hiểm, không có tiếng nói chia sẻ với cộng đồng, nên khó tìm được sự cộng hưởng, ít có khả năng lan tỏa. Thực tế, khoảng chục năm qua, thơ trẻ Hà Nội vẫn chưa thực sự có tên tuổi nào bứt phá để tạo thành điểm nhấn trên văn đàn, hay gây được sự quan tâm của công chúng. Gần đây, thơ Hà Nội cũng không được xướng tên trong các giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam…
Hy vọng sẽ có “làn sóng mới” làm thay đổi diện mạo thơ cả về hình thức nghệ thuật và tinh thần sáng tạo, các nhà nghiên cứu cho rằng, để thơ hôm nay đến được với người đọc, điều căn cốt ở mỗi nhà thơ là tài năng, phẩm chất thi sĩ, dựa trên sự cảm nhận và phát hiện tinh tế khi cầm bút viết về Hà Nội. Tác giả Đặng Thiên Sơn cho rằng: “Thơ ca có nhiều thể loại, có nhiều khuynh hướng, có nhiều lựa chọn khác nhau nhưng tựu trung chỉ có thơ hay và thơ dở. Thơ hay sẽ ở lại cùng thời gian. Thơ dở sẽ nhanh chóng biến mất trên thi đàn… Từ trước tới nay, những tập thơ hay của nhà thơ nổi tiếng phải phản ánh được thời đại họ đang sống. Sáng tạo nghệ thuật phải là tiếng nói thống thiết về thời đại đó. Muốn đi xa, muốn nổi lên thì chúng ta phải bước ra khỏi cái buồn tủn mủn, khỏi những u sầu cá nhân, khỏi những vần vè sáo rỗng”.