Thống nhất nhận thức về thỏa thuận quốc tế
ĐBQH Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh)
Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế đưa ra khái niệm thỏa thuận quốc tế để phân biệt với Điều ước quốc tế được điều chỉnh bởi Luật Điều ước quốc tế năm 2016 trên cơ sở có kế thừa và phát triển hơn so với Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007. Theo đó, thỏa thuận quốc tế là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài, không làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, phân biệt này không có nhiều ý nghĩa về thực tiễn theo luật pháp quốc tế hiện đại cũng như nhận thức chung về thỏa thuận quốc tế của nhiều nước trên thế giới trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay. Bởi, về nguyên tắc đã là cam kết quốc tế thì đều có sự ràng buộc trong quan hệ quốc tế giữa các chủ thể tham gia kết ước và đều cần tuân thủ nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda).

Ảnh: Quang Khánh |
Thực tiễn pháp lý quốc tế cho thấy, không thể nói một thỏa thuận quốc tế được ký kết giữa các lãnh đạo quốc gia lại không phát sinh quyền, nghĩa vụ quốc gia trong quan hệ quốc tế, và càng không thể cho rằng thỏa thuận quốc tế trong trường hợp này lại có hiệu quả thấp hơn điều ước quốc tế. Các thỏa thuận quốc tế do chủ thể có thẩm quyền ký kết phù hợp với quy định của pháp luật quốc gia được coi là hành vi quốc gia và phản ánh chính sách quốc gia.
Điều quan trọng ở đây không phải đưa ra khái niệm để phân biệt, mà là sự thống nhất trong nhận thức. Theo đó, điều ước quốc tế hay thỏa thuận quốc tế là những công cụ khác nhau trong quan hệ quốc tế. Đồng thời, phải xác định rõ việc sử dụng công cụ thỏa thuận quốc tế nhằm mục tiêu gì. Từ đó, xây dựng khung pháp luật phù hợp cho việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, thiết kế cơ chế thực thi phù hợp, bảo đảm hiệu quả thực hiện các thỏa thuận quốc tế, phù hợp với đặc điểm, điều kiện quốc gia.
Thực tế ở nước ta cho thấy, có chủ thể ký kết vẫn coi thỏa thuận quốc tế không phát sinh quyền và nghĩa vụ. Do đó, không ít thỏa thuận quốc tế được ký mang tính ngoại giao, ý tưởng, ý định, chưa thực chất, chưa gắn với cơ chế thực thi, bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ nội dung đã cam kết. Trong khi bên ký kết nước ngoài luôn có nhận thức, đã ký kết, đã cam kết là phải thực thi và vì vậy rất quan tâm đến hiệu quả thực tế của việc thực hiện các cam kết trong các thỏa thuận quốc tế. Đây là rào cản lớn về mặt thống nhất nhận thức giữa các chủ thể cần được tháo gỡ bằng các công cụ luật pháp. Có như vậy mới có thể nâng cao hiệu quả, lòng tin và chỉ số uy tín của quốc gia khi xây dựng, ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế.
Kết quả tổng kết các thỏa thuận quốc tế được ký thời gian qua ở Việt Nam cho thấy mới chỉ thống kê được về mặt chủ thể, số lượng và lĩnh vực ký kết, chưa phân loại, sắp xếp các quyền, thống kê hệ thống nghĩa vụ khác nhau theo lĩnh vực và cấp ký thỏa thuận quốc tế để so sánh, đánh giá tính khả thi, hiệu quả, những bất cập trong thực hiện các quyền, nghĩa vụ của từng loại chủ thể trong các thỏa thuận quốc tế đã ký. Do đó, chưa thể có đầy đủ thông tin để luận chứng cho việc nên mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế xuống đến cấp nào, nhất là ở dưới cấp tỉnh, từ đó đề ra giải pháp pháp lý, chính sách pháp luật phù hợp cho giai đoạn tới.