Giảm áp lực cho cả thầy và trò

Kiều Trang 05/06/2020 07:22

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT. Theo đánh giá của các giáo viên, việc giảm số lượng bài kiểm tra, đa dạng cách kiểm tra, đánh giá… vừa giúp giảm áp lực cho cả thầy và trò, vừa thể hiện được tinh thần vì sự tiến bộ của người học.

4 điểm mới nổi bật

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD - ĐT Sái Công Hồng cho biết, sau 9 năm thực hiện, Thông tư 58 đã bộc lộ một số hạn chế. Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong những năm gần đây, Bộ GD - ĐT đã chỉ đạo các địa phương đổi mới việc dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Vì vậy, việc sửa đổi Quy chế đánh giá, xếp loại của học sinh THCS và THPT là cần thiết và có thể áp dụng ngay trong năm học 2020 - 2021.

Theo ông Hồng, dự thảo Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT có 4 điểm mới nổi bật. Thứ nhất, tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng, tức kết hợp đánh giá bằng nhận xét và bằng điểm số. Việc này thực hiện ở hầu hết các môn học, trừ Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục. Thứ hai là đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá. Nếu trước đây chú trọng đánh giá bằng điểm số qua các bài kiểm tra thì nay có thêm hình thức hỏi - đáp, viết ngắn (trên giấy hoặc trên máy tính), thực hành, thuyết trình, sản phẩm học tập, sản phẩm thực hành... Thứ ba, dự thảo thống nhất số đầu điểm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ cho mỗi môn học, theo hướng giảm số đầu điểm so với quy định hiện hành. Môn nhiều nhất là có 6 đầu điểm. Thứ tư, tăng cường vai trò môn ngoại ngữ trong xét danh hiệu học sinh giỏi, mở rộng hơn đối tượng khen thưởng.

Bỏ xếp loại học sinh “yếu” ở môn phụ là hợp lý

Hiệu trưởng trường THCS Nhật Tân (Hà Nam) Dương Bình Trọng cho rằng, dự thảo Thông tư có nhiều nội dung mới phù hợp hơn với thực tế. Ví dụ, mỗi môn học có một điểm đánh giá giữa kỳ và một điểm đánh giá cuối kỳ, như vậy, điểm kiểm tra định kỳ giảm đi rất nhiều, góp phần giảm áp lực kiểm tra, điểm số cho học sinh và giảm áp lực công việc cho giáo viên. Hiệu trưởng trường THCS Nhật Tân cũng đánh giá cao sự đa dạng trong hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh, qua đó giúp phát triển năng lực, phẩm chất học sinh theo tinh thần đổi mới.

Các thầy, cô giáo Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cũng cho rằng, quy định “mỗi môn học có một điểm đánh giá giữa kỳ và một điểm đánh giá cuối kỳ” là phù hợp với xu hướng giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, với các bộ môn có nhiều kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) hoặc môn có hai phân môn (đại số, hình học), nếu chỉ thực hiện một bài kiểm tra giữa kỳ thì lượng kiến thức kiểm tra lại nhiều hơn so với kiểm tra 45 phút trước đây. Do đó, Bộ GD - ĐT cần nghiên cứu kỹ điểm này. Các thầy, cô giáo cũng đồng thuận với việc dùng ngoại ngữ là một trong 3 môn để xếp loại học lực của học sinh. Tuy nhiên cần điều chỉnh loại giỏi yêu cầu môn ngoại ngữ điểm trung bình là 7,5; loại khá là 6,5 vì điều kiện học tập vùng nông thôn còn khó khăn.

Theo đánh giá của cô Chu Thị Mỹ Lệ, giáo viên trường THCS Ba Đình (TP Hồ Chí Minh), cách kiểm tra, đánh giá mới thể hiện được tinh thần vì sự tiến bộ của người học. Tuy nhiên, việc đánh giá “cần rèn luyện thêm” (thay cho “yếu”) không mang nghĩa xác định rõ ràng, dự thảo Thông tư cần làm rõ học sinh xếp loại nào thì yêu cầu cần rèn luyện thêm.

Cô Đoàn Thị Liên, giáo viên trường THPT A Kim Bảng (Hà Nam) cũng cho rằng, việc bỏ xếp loại học sinh “yếu” ở một số môn phụ như Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật là hợp lý. Bởi ở trường phổ thông các môn học trên chỉ cần yêu cầu học sinh ở mức cơ bản. Nếu những môn đó yêu cầu học lực khá, giỏi thì các em phải học ở những trường năng khiếu đào tạo chuyên biệt.

Kiều Trang