Chọn nhà đầu tư dự án PPP

Quỳnh Chi 29/05/2020 06:49

Dự luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trình Quốc hội thảo luận sáng qua đã dành riêng một chương quy định về lựa chọn nhà đầu tư với nhiều nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý.

Các quy định mới trong dự luật đã hóa giải được rất nhiều nỗi lo đã được các nhà lập pháp đặt ra tại Kỳ họp thứ Tám, đặc biệt là nỗi lo về việc lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư. Nhưng với những dự án nằm ngoài phạm vi này, các điều luật về lựa chọn nhà đầu tư vẫn chưa thể bảo đảm sẽ chọn được nhà đầu tư có khả năng thực hiện dự án PPP tốt nhất, hiệu quả nhất.

Dự luật dành một chương quy định về lựa chọn nhà đầu tư nhưng tiêu chí lựa chọn, theo đánh giá của ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lại rất chung chung. Chiếu theo các tiêu chí tại Điều 29 của dự luật thì bất kể một nhà đầu tư nào, nếu không vi phạm pháp luật đều có đủ tư cách để tham gia các dự án PPP. Trong khi đó, với các dự án PPP, mục tiêu của Nhà nước là rất rõ ràng: Thu hút, tranh thủ được nguồn lực tư nhân tham gia cùng với Nhà nước. Nguồn lực ở đây là vốn, là kinh nghiệm, là sự sáng tạo, là trình độ công nghệ... trong lĩnh vực đầu tư của dự án PPP. Những tiêu chí này càng cụ thể sẽ càng giúp Nhà nước “lọc” được những nhà đầu tư sáng giá.

Dự luật cũng quy định phải đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư. Đây là quan điểm đúng đắn, là giải pháp căn cơ giúp khắc phục tình trạng chỉ định thầu trong các dự án PPP và những hệ lụy tiêu cực mà nó gây ra đối với quản lý nhà nước, với hiệu quả dự án và dư luận xã hội trong giai đoạn vừa qua. Nhưng dự luật lại chỉ đưa ra một hình thức lựa chọn là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chứ không phải là đấu thầu dự án. Tranh luận với ban soạn thảo về quy định này, ĐBQH Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) chỉ rõ, nếu chúng ta đã xây dựng dự án và phê duyệt dự án mà chỉ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì sẽ không chọn được nhà đầu tư có thể đưa ra các giải pháp cạnh tranh với giá rẻ hơn, chi phí tốt hơn và hiệu quả hơn. Cùng quan điểm này, đại biểu Cường cho rằng, nếu đấu thầu chỉ là để lựa chọn nhà thầu, tức là người nào có năng lực tốt hơn để thực hiện dự án mà không quan tâm gì đến việc nhà thầu đó thực hiện dự án mang lại hiệu quả như thế nào thì không cần phải quy định việc đấu thầu chọn nhà đầu tư ở Chương III của dự luật nữa mà có thể áp dụng ngay quy định về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu trong Luật Đấu thầu.

“Đấu thầu dự án sẽ lựa chọn được nhà đầu tư cạnh tranh hơn, chi phí thấp hơn, có giải pháp công nghệ tốt hơn, giải pháp kinh doanh tốt hơn, thu hồi vốn nhanh hơn và bảo đảm hiệu quả dự án tốt hơn”. Nhấn mạnh điều này, từ góc nhìn của một doanh nhân, đại biểu Bình cũng chỉ rõ, khi đấu thầu dự án, chúng ta sẽ chốt được các thông số cơ bản của hợp đồng PPP là chi phí đầu tư, thời gian thu hồi vốn, giải pháp công nghệ gắn với dự án và hiệu quả của dự án. Nói cách khác, khi đấu thầu dự án, các điều kiện cơ bản trong hợp đồng PPP sẽ được bảo đảm một cách khách quan, minh bạch thông qua đấu thầu, đồng thời sẽ bảo đảm tính pháp lý chặt chẽ và an toàn hơn cho phía Nhà nước. “Khi chúng ta chọn được nhà thầu vượt trội như vậy thông qua đấu thầu công khai, minh bạch dự án thì đương nhiên cũng không cần phải quá quan tâm đến chuyện kiểm toán xem người ta đầu tư làm sao, vận hành thế nào. Như vậy, chúng ta vẫn tôn trọng khả năng của nhà đầu tư và bảo đảm hiệu quả đầu tư”, đại biểu Cường bổ sung.

Không nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến những khía cạnh trên đây của dự luật PPP tại phiên thảo luận. Nhưng phân tích và đề xuất của hai đại biểu Hà Nội sẽ góp phần rất quan trọng để giải quyết những vấn đề được tranh luận nhiều nhất - nhưng vẫn chưa ngã ngũ - trong phiên thảo luận sáng qua: Kiểm toán Nhà nước chỉ tập trung kiểm toán 4 nội dung được nêu trong Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý hay nhất định phải kiểm toán toàn bộ dự án PPP; có bảo đảm được tài sản nhà nước không bị thất thoát, đóng góp của người dân không bị vào túi riêng, không bị lợi ích nhóm chi phối hay không...

Quỳnh Chi