Vững tin tiếp bước con đường cách mạng Hồ Chí Minh

TS Đặng Duy Báu 22/05/2020 10:48

Có thể nói, bước ngoặt quan trọng trên con đường cách mạng mà Hồ Chí Minh đã cất công tìm kiếm, đó là vào ngày 17.7.1919, Người bắt gặp trên báo Nhân đạo của Pháp “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin. Lúc đó ngồi một mình trong phòng mà sung sướng reo lên “Hỡi đồng bào bị đày đọa đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta. Đây là con đường giải phóng chúng ta”.

"... Đây là con đường giải phóng chúng ta"

Từ năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhiều phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau liên tiếp nổi lên, như phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi khởi xướng với khởi nghĩa Phan Đình Phùng; phong trào Đông Du của Phan Bội Châu; phong trào Cải cách của Phan Chu Trinh; khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám… nhưng lần lượt thất bại. Đó là vì thiếu một đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết. Nhiệm vụ lịch sử đặt ra là muốn giành độc lập dân tộc phải tìm được con đường cách mạng mới. Trước sự khủng hoảng về đường lối cách mạng, thì ngày 5.6.1911 người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) đã rời Bến Nhà Rồng, mang trong lòng khát vọng cháy bỏng tìm con đường để giải phóng dân tộc. Gần 10 năm bất chấp mọi hiểm nguy gian khổ trong cuộc hành trình qua nhiều châu lục để tìm hiểu, khảo sát phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân nhiều nước trên thế giới, Người đã bắt gặp được cách mạng vô sản Nga và chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong bối cảnh mà thế giới đang chìm đắm trong "bóng đêm" của chủ nghĩa thực dân, tuy Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi nhưng vừa phải đương đầu với sự chống phá của chủ nghĩa đế quốc lại vừa phải tìm tòi, sáng tạo con đường xây dựng xã hội mới, thì với khát vọng tìm đường cứu nước và với trí tuệ của một thiên tài, Nguyễn Ái Quốc đã nhìn ra: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ Việt kiều tại Pháp, năm 1946. (Nguồn: Tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ Việt kiều tại Pháp, năm 1946. (Nguồn: Tư liệu)

Từ đây, Nguyễn Ái Quốc kiên định một sự nghiệp mới mẻ mang tính thời đại. Với Luận cương của V.I.Lênin, hoạt động của Đệ Tam quốc tế và thực tiễn của Cách mạng tháng Mười, Người đã giác ngộ và quyết dấn thân vào con đường hoạt động chính trị. Người ủng hộ phe cánh tả trong Đại hội lần thứ 18 của Đảng xã hội Pháp họp ở thành Tua từ ngày 25-30.12.1920 và tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp. Từ một người yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế với lời phát biểu đanh thép tại Đại hội: “Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì?”.

Như vậy, con đường cứu nước mà Nguyễn Ái Quốc tìm kiếm đã được soi rõ bằng lý luận và kiểm nghiệm bằng thực tiễn. Người bắt tay vào việc tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng ngay trên địa bàn Paris. Đầu tiên là sự ra đời của Hội liên hiệp thuộc địa thành lập vào ngày 9.10.1921, tiếp đó 6 tháng sau ra đời cơ quan ngôn luận của Hội là tờ báo Le Parisa với số đầu tiên vào ngày 1.4.1922, Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập, chủ bút và tổ chức toàn bộ hoạt động của tờ báo. Cũng trong giai đoạn này, Nguyễn Ái Quốc đã tiên tri và khẳng định con đường cách mạng Việt Nam ở bài viết có tên “Đông Dương” đăng trên tạp chí Cộng sản số 14 năm 1921: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương dấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ mau đến. Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi. Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”.

Nhận thức và tin tưởng vào con đường cách mạng đã tìm ra Nguyễn Ái Quốc đã dày công nghiên cứu, phát triển lý luận giải phóng dân tộc trong kho tàng chủ nghĩa Mác-Lênin để truyền bá vào Việt Nam, xúc tiến chuẩn bị về chính trị tư tưởng, tổ chức và cán bộ cho việc thành lập một chính đảng cộng sản. Sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn đến hình thành các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Khởi đầu là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên vào năm 1925, nòng cốt là các chiến sĩ cách mạng được tiếp cận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc; tiếp đó lần lượt các tổ chức cộng sản ra đời. Tháng 6.1929 ở Bắc Kỳ thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, tháng 11.1929 ở Nam Kỳ thành lập An Nam cộng sản Đông Dương, đầu năm 1930 ở Trung Kỳ ra đời Đông Dương cộng sản liên đoàn. Như vậy là thời cơ cho việc thành lập một Đảng cộng sản ở Việt Nam đã đến. Ngày 3.2.1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, đại biểu ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam đã họp Hội nghị thống nhất thành một Đảng, lấy tến là Đảng cộng sản Việt Nam. Hội nghị thành lập Đảng đã thông qua các văn kiện do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, gồm: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế cộng sản và Đảng cộng sản Việt Nam gửi đến quốc dân đồng bào. Các văn kiện đã xác định đường lối và nhiệm vụ cách mạng là đánh đổ đế quốc phong kiến tay sai, lập ra chính phủ của nhân dân, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, nhân dân được ấm no hạnh phúc.

Với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, tổ chức chặt chẽ, thống nhất, Đảng của Nguyễn Ái Quốc đã trở thành ngọn cờ và tổ chức duy nhất đảm đương vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Qua phong trào cách mạng 1930-1931 đã khẳng định đường lối cách mạng Việt Nam do Đảng đề ra là đúng đắn, phù hợp và rút ra được những bài học quý báu về thời cơ cách mạng, tiếp tục phát động phong trào quần chúng đấu tranh trong các giai đoạn đòi tự do dân chủ 1930-1939; chuyển sang đấu tranh chống phát xít, chống chiến tranh, chống phản động thuộc địa. Thông qua quá trình đấu tranh ảnh hưởng của Đảng, lan rộng trong quần chúng, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng được củng cố, rèn luyện, thử thách. Đảng đã kịp thời thay đổi chiến lược, xác định rõ mục tiêu đánh đuổi Pháp, Nhật giành được độc lập tự do. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sự chiến đấu ngoan cường và hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, toàn dân tộc Việt Nam đã đứng lên làm Cách mạng tháng Tám xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, giành độc lập tự do, vươn lên làm chủ vận mệnh của mình, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở châu Á.

Giành được chính quyền, nhưng chính phủ cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức. Thực dân Pháp chưa chịu thất bại, một lần nữa trở lại xâm lược. Vào thời khắc đó, đất nước lâm vào tình thế “ngàn cân treo đầu sợi tóc”, phải đương đầu với “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng và theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đồng lòng “đem cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” quyết tâm chiến đấu với kẻ thù xâm lược. Bằng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, từ hai bàn tay không Việt Nam đã lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp giành thắng lợi, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Với chiến thắng này, Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng các dân tộc bị áp bức làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Thế nhưng, như là định mệnh của lịch sử, đánh đuổi thực dân Pháp xong thì đế quốc Mỹ nhảy vào phá hoại Hiệp định Geneva tiến hành xâm lược hòng chia cắt đất nước ta. Cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới đầy thử thách cam go với hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền đất nước: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Trước kẻ thù mới là đế quốc Mỹ, kẻ thù mà cả thế giới lúc đó ai cũng khiếp sợ, thì Việt Nam với quyết tâm “dù đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập tự do”, “không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chí Minh đã không quản hy sinh gian khổ, anh dũng chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng thời từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trải qua hơn 20 năm với đường lối đúng đắn và tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất, phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và sức mạnh thời đại, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi vẻ vang với chiến công lẫy lừng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 “đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào”; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta, góp phần làm thất bại một bước quan trọng của chủ nghĩa thực dân đổi mới trên toàn thế giới.

Kết tinh của đường lối cách mạng đúng đắn, tư duy vượt thời đại của Hồ Chí Minh

Tuy giành được thắng lợi hoàn toàn, nhưng đất nước lại lâm vào cuộc khủng hoảng kéo dài do tàn dư của chủ nghĩa thực dân để lại ở một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu, lại bị tàn phá qua nhiều năm chiến tranh, chất lên vai dân tộc Việt Nam một gánh nặng vô cùng lớn. Thêm vào đó là chính sách cấm vận bao vây về chính trị, kinh tế của các lực lượng thù địch, những biến động phức tạp của tình hình thế giới làm cho khó khăn thêm chồng chất. Nhưng rồi trước tình hình đó, với bản lĩnh, sự từng trải và sức sáng tạo của mình, Đảng đã đúc kết thực tiễn, tìm tòi hoạch định đường lối đổi mới. Ngày 13.1.1981, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 100-CT/TW về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, đến tháng 6.1985 Hội nghị Trung ương 8, khóa V đã thừa nhận sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, tháng 12.1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra đường lối Đổi mới toàn diện, từng bước đưa nước ta vượt qua khó khăn. Trong lúc sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đang giành được những kết quả bước đầu, thì điều không ngờ tới, từ sóng ngầm của những sai lầm, cộng thêm sự chống phá của kẻ thù, bão tố nổi lên làm Liên Xô, đất nước của Cách mạng tháng Mười, trụ cột của phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ, kéo theo sự tan rã của hệ thống, Việt Nam lại đứng trước thử thách tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng rồi, Đảng của Hồ Chí Minh với bản lĩnh vững vàng vẫn kiên định con đường cách mạng giữ vững độc lập dân tộc và tiến lên xã hội chủ nghĩa. Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho phương hướng phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Quá trình gần 36 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Đảng đã phát huy được sức mạnh của dân tộc, vừa tìm tòi vừa phát triển đưa cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên và lập nên kỳ tích mới. Từ trong nghèo nàn, lạc hậu, hai cuộc chiến tranh để lại hậu quả tiêu điều, lại bị bao vây cấm vận, đối phó với thù trong giặc ngoài… Việt Nam đã vượt qua, bừng sáng, đạt nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Chỉ trong 30 năm (1989 - 2019), quy mô nền kinh tế đất nước (GDP) tăng hơn 42 lần (từ 6,3 tỷ USD lên trên 260 tỷ USD); GDP bình quân đầu người tăng 32 lần (từ 86 USD lên 2.800 USD); lần đầu tiên xuất siêu trên 10 tỉ USD và có dự trữ ngoại hối trên 80 tỉ USD. Nền kinh tế thị trường phát triển nhanh nhưng vẫn giữ được định hướng XHCN. Đời sống tinh thần, vật chất của các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Độc lập dân tộc được giữ vững. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam có được hôm nay là kết tinh của đường lối cách mạng đúng đắn, bắt nguồn từ sự mới mẻ của tư duy vượt thời đại mà Hồ Chí Minh đã tìm ra, được Đảng của Người phát huy và sáng tạo trong quá trình cách mạng giành chính quyền, chiến đấu đánh thắng “hai đế quốc to”, vững bước tiến lên thực hiện sự nghiệp đổi mới chưa có tiền lệ, thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, đưa nước nhà đạt được những thành tựu ngày càng “to lớn hơn, đàng hoàng hơn”.

TS Đặng Duy Báu