Ngăn chặn trục lợi trong đấu giá đất

HẢI PHONG 18/05/2020 17:09

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Luật Đấu giá tài sản, Nghị định 62 ngày 16.5.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản đã nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Chủ trương xã hội hóa được đẩy mạnh, vai trò quản lý của Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động bán đấu giá tài sản tiếp tục được tăng cường. Nhờ đó, hoạt động bán đấu giá tài sản, đặc biệt là bán đấu giá đất có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tăng nguồn thu ngân sách địa phương. Qua theo dõi, quy trình tổ chức thực hiện bán đấu giá đất, đa phần UBND các huyện đã lựa chọn các tổ chức bán đấu giá có uy tín, đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ đấu giá viên có kinh nghiệm, việc bán đấu giá tài sản thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục.

Tuy nhiên, công tác bán đấu giá tài sản, nhất là đấu giá đất còn bộc lộ nhiều hạn chế, tạo kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng tham gia để trục lợi. Trong nhiều lần TXCT với đại biểu HĐND các cấp, cử tri đã đề nghị tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý nghiêm tình trạng “cò đất”, ‘‘xã hội đen’’ thông đồng, dìm giá, gây ra nhiều hệ lụy, làm mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến đời sống của người dân, doanh nghiệp. Đơn cử, mới đây nhất là vụ việc lộn xộn trong quá trình đấu giá đất vào ngày 8.11.2018 tại UBND xã Thạch Bằng (huyện Lộc Hà), do Công ty TNHH bán đấu giá tài sản số 1 Hà Tĩnh (trụ sở tại số 278 Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) tổ chức, đặt ra nghi vấn có hay không tình trạng sử dụng “cò” và “xã hội đen” trong đấu giá đất?

Về nội dung cử tri đặt ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng sử dụng “cò” và “xã hội đen” trong đấu giá đất, đấu thầu dự án. Cụ thể, Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những nội dung của Luật Đấu giá tài sản và các văn vản, hướng dẫn liên quan; tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ giám sát thực hiện việc bán đấu giá đất trên địa bàn nhằm giám sát quá trình đấu giá đất theo đúng trình tự, thủ tục quy định; trường hợp phát hiện sai phạm, yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định…

Bên cạnh đó, Công an tỉnh cần chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, thị xã tăng cường nắm tình hình, bảo đảm an ninh trật tự tại các buổi đấu giá; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá đất, đấu thầu dự án. ‘‘Còn đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND tỉnh yêu cầu phải lựa chọn các tổ chức bán đấu giá có uy tín, chuyên nghiệp để thực hiện việc bán đấu giá; kiên quyết không ký với các tổ chức bán đấu giá có nhiều sai phạm. Đồng thời, cần phối hợp với các sở, ngành tăng cường giám sát, thực hiện các giải pháp nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản, nhất là tình trạng đe dọa, chèn ép, cản trở khách hàng tham gia đấu giá’’, ông Sơn cho biết.

Thực tế, tình trạng “cò” và “xã hội đen” thổi giá tại các phiên đấu giá đất đang là vấn đề nhức nhối xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua, câu chuyện sử dụng “cò” và “xã hội đen” trong đấu giá đất, đấu thầu dự án tại Hà Tĩnh không phải là trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, để không trở thành điểm ‘‘nóng’’ khiến người dân và cử tri bức xúc, các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh cần vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này.

HẢI PHONG