Lạc quan có mức độ - nỗ lực phải tột độ

Quỳnh Chi 16/05/2020 12:01

Có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020 hay không là câu hỏi đã được đặt ra từ đầu tháng 2 năm nay, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp và ngày càng trở nên “nóng” hơn theo mức độ càn quét của đại dịch này trên phạm vi toàn cầu. Đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng là bởi các dự toán thu, chi ngân sách, các chỉ số kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, đầu tư phát triển... đều đang được xây dựng trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,8%.

Tại phiên họp sáng qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo hai kịch bản tăng trưởng mà theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một kịch bản xấu và một kịch bản tốt hơn. Trong đó, kịch bản tốt hơn là thời gian nước ta đã cơ bản khống chế, kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với nước ta trong quý III năm nay thì GDP dự kiến đạt khoảng 4,4 - 5,2%. Kịch bản xấu là thời gian nước ta đã cơ bản khống chế, kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với nước ta trong quý IV năm nay thì GDP dự kiến đạt khoảng 3,6 - 4,4%. Cả hai kịch bản này theo đánh giá của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn là “khá lạc quan”.

Trong báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng khẳng định “yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan”; đồng thời, đưa ra dự kiến các chỉ tiêu cần điều chỉnh gồm: GDP tăng khoảng 4,5% và nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn đến 5,4%; tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4%; tổng thu ngân sách nhà nước giảm 163 nghìn tỷ đồng so với dự toán; bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP; tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP.

Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh việc Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn và dài hạn; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế, nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh những nội dung, chỉ tiêu thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Dù vậy, “hiện nay, Chính phủ chưa đặt vấn đề xin điều chỉnh các mục tiêu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Đến thời điểm này, dịch bệnh Covid -19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Dự báo làn sóng thứ hai của dịch bệnh sẽ tới vào mùa thu đông năm nay và thậm chí có thể còn kéo dài hơn. Nói cách khác, chúng ta sẽ còn “dập dình trong nước” ít nhất là cho tới khi tìm được vaccine đẩy lùi Covid-19. Vậy nên, việc Chính phủ chưa trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu CPI, nợ công, bội chi ngân sách, thu ngân sách... - dù đã tính toán và dự liệu được mức độ cần điều chỉnh - cũng là một lựa chọn để Chính phủ có thể chủ động và linh hoạt hơn trong điều hành cụ thể. Sau phiên họp sáng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất, Chính phủ sẽ xây dựng thêm một kịch bản nữa - trong trường hợp làn sóng thứ hai của dịch bệnh Covid-19 kéo và trình Quốc hội xem xét, thống nhất ngay tại Kỳ họp thứ Chín tới về một số nguyên tắc trong điều hành để tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ.

Dù không đặt vấn đề điều chỉnh các mục tiêu cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm nay thì điều quan trọng nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh tại phiên họp là, Chính phủ phải "hết sức tỉnh táo, lạc quan có mức độ nhưng nỗ lực, phấn đấu phải tột độ”, “những gì thấy từ nguy có thể biến thành cơ được thì phải tận dụng tối đa”.

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ phải vừa phản ứng chính sách nhanh hơn, linh hoạt hơn để bảo đảm thích ứng với những tác động khó lường của dịch bệnh, nhưng đồng thời cũng phải hết sức cẩn trọng đối với “liều lượng” và những tác động trong dài hạn của các giải pháp được lựa chọn. Phải tiếp tục rà soát và tính toán thận trọng, chặt chẽ các chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư, tín dụng nhằm kích thích sản xuất, khắc phục hậu quả của dịch bệnh Covid-19, phục hồi kinh tế không chỉ về liều lượng chính sách, khả năng thực tế của doanh nghiệp và nền kinh tế, nguồn lực quốc gia mà còn cả thời điểm thực hiện. Các chính sách này cũng không thể chỉ xem xét một cách đơn lẻ mà phải đặt trong một chỉnh thể thống nhất với cái nhìn dài hạn, cần khơi ở đâu, kích chỗ nào, liên kết, hỗ trợ nhau ra sao.

Cùng với đó, Chính phủ cũng phải dốc sức xử lý những tồn tại, yếu kém đã hiện hữu trong nền kinh tế lâu nay, tạo ra chuyển biến thực sự, đặc biệt là những điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân, triển khai nhanh các dự án đầu tư công... bởi chính những điều này sẽ tạo ra động lực và nhân lên sức mạnh nội sinh để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.

Quỳnh Chi