Xử lý vi phạm hành lang an toàn công trình thủy lợi

BẠCH YẾN 15/05/2020 09:25

Khi mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm, mùa mưa cũng đang đến gần, kết quả giám sát của HĐND tỉnh Đắk Nông mới đây về việc chấp hành pháp luật trong quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng các công trình thủy lợi giai đoạn 2011 - 2017 trên địa bàn đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, nhất là việc chấp hành pháp luật về hành lang an toàn công trình, quy hoạch thủy lợi trên địa bàn.

Theo báo cáo của ngành chức năng, tính đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt 9 dự án quy hoạch về lĩnh vực thủy lợi và triển khai thực hiện quy hoạch thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tổng số công trình nâng cấp, sửa chữa theo quy hoạch chi tiết tại các huyện, thị xã giai đoạn đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt là 70 công trình; 41 công trình phê duyệt xây dựng mới. Giai đoạn 2020 - 2030, toàn tỉnh có 25 công trình sửa chữa và 152 công trình xây dựng mới được phê duyệt. Giai đoạn 2011 - 2017, toàn tỉnh đã đầu tư, sửa chữa nâng cấp theo quy hoạch được 67/111 công trình theo danh mục đã đăng ký đến năm 2020.

Tuy nhiên, qua giám sát, HĐND tỉnh Đắk Nông đã chỉ ra việc chấp hành pháp luật về hành lang an toàn công trình, quy hoạch thủy lợi bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, do công tác quy hoạch hệ thống thủy lợi thiếu tính dự báo, nguồn vốn triển khai dự án sau quy hoạch hạn chế nên tình trạng phát sinh khi đầu tư so với quy hoạch ban đầu xảy ra phổ biến như đội vốn đầu tư, biến động về nhu cầu tưới tiêu, lấn chiếm quy hoạch… Đặc biệt, một số công trình thủy lợi quy hoạch chưa tính đến các yếu tố kinh tế dài hơi, tác động của biến đổi khí hậu cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nên sau khi đầu tư không phát huy tác dụng, dẫn đến lãng phí.

Trong khi đó, nguồn vốn hàng năm đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình hiện có chưa được quan tâm đúng mức, nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng, làm giảm khả năng tưới tiêu so với thiết kế. Rất nhiều công trình sau khi đầu tư, đưa vào sử dụng có chất lượng kém, hiệu quả kinh tế thấp; tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn công trình để trồng trọt, chăn nuôi chưa được xử lý dứt điểm.

Thực trạng này đặt ra yêu cầu với Sở NN - PTNT, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi, trước hết cần làm rõ khả năng đáp ứng nguồn nước tưới tiêu của các công trình thủy lợi trên địa bàn cho diện tích đất nông nghiệp hiện nay. Trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu trong quy hoạch, quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi thời gian tới. Ngành chức năng cũng cần rà soát kỹ những dự án đã quy hoạch nhưng do biến động về cơ cấu, diện tích cây trồng để điều chỉnh, hoặc đưa ra khỏi quy hoạch nếu xét thấy công trình không mang nhiều lợi ích kinh tế như ban đầu. Đây cũng là nội dung được nhấn mạnh trong buổi làm việc của Đoàn giám sát HĐND tỉnh với Sở NN - PTNT, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông về nội dung này.

Kết quả giám sát của HĐND tỉnh cũng chỉ ra yêu cầu trách nhiệm của các địa phương: Cần quan tâm hơn đến việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan sớm khắc phục, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp để nâng cao hiệu quả sử dụng. Đặc biệt, quan tâm hơn đến công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là trong mùa mưa lũ, tránh sạt lở, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản và sản xuất của người dân; kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang an toàn tại các công trình thủy lợi.

BẠCH YẾN