Người lao động cầm cố sổ bảo hiểm xã hội

MINH QUỐC 14/05/2020 10:34

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, vừa qua, tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) một số địa phương như Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Đắk Nông… xuất hiện tình trạng cá nhân người lao động đem sổ BHXH cầm cố tại các hiệu cầm đồ, ngân hàng, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ mới.

Thực tế, tại các địa phương có khu công nghiệp, khu kinh tế, nơi tập trung đông lực lượng công nhân, thời qua đã xảy ra hiện tượng công khai mua bán, cầm cố sổ BHXH. Theo tìm hiểu, một số người lao động không có công việc ổn định, thường xuyên thay đổi nơi làm việc hoặc khó khăn về kinh tế, cần một khoản tiền gấp, đã chuyển nhượng, “bán lúa non” sổ BHXH. Có cung ắt có cầu, nhiều cá nhân đã nắm bắt nhu cầu này, mua lại sổ BHXH với giá rẻ rồi làm thủ tục thanh toán chế độ một lần để kiếm lời. Cũng có một số cá nhân, tổ chức nhận cầm cố sổ BHXH để cho vay với lãi suất cao.

Pháp luật hiện hành quy định, trường hợp người lao động cầm cố sổ BHXH rồi đến cơ quan BHXH khai man là mất, xin cấp sổ mới, nếu bị phát hiện sẽ xử phạt vi phạm hành chính với hành vi kê khai không đúng sự thật. Mặt khác, BHXH là trụ cột của chính sách an sinh xã hội, bảo đảm lợi ích của người lao động khi hết tuổi lao động hoặc có rủi ro. Nếu người lao động bán sổ BHXH, khi bắt đầu một công việc mới sẽ phải đóng lại BHXH từ đầu, khi đó rất khó đủ điều kiện để được hưởng lương hưu, dẫn đến thiệt thòi khi tuổi cao, sức yếu, chưa kể tạo thêm gánh nặng an sinh cho cộng đồng.

Cá nhân, tổ chức nhận cầm cố sổ BHXH cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, hệ lụy. Trước hết, pháp luật về BHXH không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian người lao động tham gia BHXH, khi xảy ra tranh chấp sẽ chịu thua thiệt. Đối với hình thức mua bán sổ BHXH, hiện các cá nhân lợi dụng hình thức ủy quyền nhận số tiền thanh toán BHXH để mua sổ với giá rẻ, sau đó tiến hành các thủ tục nhận tiền BHXH kiếm lời, nếu cơ quan chức năng chấn chỉnh các quy định về ủy quyền nhận tiền BHXH chặt chẽ, thì cuốn sổ rất có thể sẽ vô giá trị.

Chưa kể, hình thức cầm cố sổ BHXH để cho vay nặng lãi cũng tiềm ẩn hệ lụy cho người lao động. Sổ BHXH đang được coi là vật “bảo chứng” để người lao động được vay một khoản tiền. Tuy nhiên, những khoản vay này mặc nhiên chịu lãi suất cao “cắt cổ”. Một khi không trả được sẽ chịu cảnh “lãi mẹ đẻ lãi con”, bị đe dọa hoặc bị xử bằng thứ “luật rừng”...

Việc mua bán, cầm cố sổ BHXH ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động và người nhận mua, cầm cố sổ BHXH. Cử tri cho rằng, cần phải chấm dứt tình trạng này bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đi đôi với siết chặt các quy định về thanh toán BHXH. Ngoài ra, các cấp công đoàn cũng cần có hình thức hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho người lao động gặp khó khăn về kinh tế, tránh để người lao động cầm cố sổ BHXH, vay nặng lãi...

MINH QUỐC