Mặt bằng cho thuê tiếp tục ế ẩm
Lệnh giãn cách xã hội đã được nới lỏng hơn nửa tháng nhưng các mặt bằng cho thuê vẫn trong tình trạng ế ẩm. Giới chuyên gia nhận định, sau bất động sản du lịch, phân khúc bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch Covid-19. Dự báo trong quý II, thị trường này tiếp tục ảm đạm và nếu có hồi phục được cũng chỉ ở mức 60 - 70%.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 293,9 nghìn tỷ đồng, giảm 20,5% so với tháng 3 và giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt 1.520 nghìn tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11,9%), nếu loại trừ yếu tố giá giảm 9,6%; trong đó ngoại trừ doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng nhẹ 0,4% do hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng, còn lại doanh thu các dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành và dịch vụ khác đều giảm mạnh do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thực hiện giãn cách xã hội.
![]() Nhiều cửa hàng trên phố Hàng Gai đồng loạt đóng cửa |
Tình hình kinh doanh ế ẩm khiến thị trường mặt bằng kinh cho thuê rơi vào tình trạng trầm lắng ngay cả khi lệnh giãn cách xã hội đã được nới lỏng. Sở hữu một mặt bằng cho thuê trên phố Hàng Cân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), anh Thái Quốc Bảo cho biết sau khi kết thúc giãn cách xã hội có một số khách đến hỏi thuê và đề nghị giảm giá 50 - 60%. “Trong bối cảnh dịch bệnh, chủ mặt bằng như chúng tôi gặp nhiều khó khăn, mức giá khách mong muốn lại quá thấp nên hai bên chưa đạt được thỏa thuận”, anh Bảo nói.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường bất động sản CBRE Việt Nam, để kích thích thị trường, một số chủ sở hữu mặt bằng kinh doanh đã có chính sách giảm giá cho thuê. Cụ thể, trong quý I và cả tháng 4, nhiều chủ đầu tư, chủ nhà đã sẵn sàng hỗ trợ từ 20 - 50% tiền thuê mặt bằng tùy thuộc vào vị trí và diện tích. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn một số chủ sở hữu mặt bằng chỉ có thể giảm cơ bản từ 10 - 30% giá thuê chứ không thể nhiều hơn như mong muốn của đa số khách thuê là từ 50 - 60% và cũng có những trường hợp không chịu giảm hay hỗ trợ người thuê.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng tác động của dịch Covid-19 đến phân khúc bất động sản cho thuê, trong đó có mặt bằng kinh doanh sẽ kéo dài và nếu có hồi phục thì cũng chỉ đạt được từ 60 - 70% so với trước. Tương tự, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cũng dự đoán thị trường cho thuê mặt bằng kinh doanh có thể bớt ảm đạm hơn khi dịch bệnh qua đi nhưng sẽ không thể quay lại như thời điểm trước dịch.
Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) Nguyễn Văn Đính, chủ sở hữu mặt bằng cho thuê là đối tượng được Nhà nước trao quyền sử dụng đất theo luật và phải có nghĩa vụ phải trả tiền sử dụng đất, thuê đất hàng năm cho Nhà nước. Chính phủ đã có một số chính sách hỗ trợ cho đối tượng này như giãn thời hạn nộp thuế VAT và tiền thuê đất… tuy nhiên chừng đó chưa đủ để tháo gỡ khó khăn cho những đối tượng đầu tư vào bất động sản cho thuê. Nếu muốn tồn tại qua dịch bệnh, chủ sở hữu mặt bằng cho thuê cần phải chia sẻ khó khăn của người thuê, phải có động thái giảm hoặc giãn tiền cho người thuê.
Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, chủ sở hữu mặt bằng cho thuê cần linh động giảm giá cho người thuê, ngược lại, người thuê cần có trách nhiệm trong việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, thanh khoản kịp thời tiền thuê nhà. “Muốn nhanh chóng vượt qua khó khăn, các bên phải tìm được tiếng nói chung”, ông Doanh nhấn mạnh.