Chấm dứt tình trạng bức cung, nhục hình

Văn Thăng - Khánh Chi 07/05/2020 16:58

Vấn đề bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự. Nó để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân bị bức cung, nhục hình, đồng thời ảnh hưởng đến hình ảnh của các cơ quan tư pháp, mất niềm tin đối với nhân dân. Đây cũng là vấn đề ĐBQH tập trung thảo luận, phân tích và kiến nghị các giải pháp khắc phục triệt để tình trạng này.

Về nguyên nhân bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra
 
Nhất trí với nội dung nêu trong báo cáo, nguyên nhân của bức cung nhục hình chủ yếu là do yếu kém về trình độ nghiệp vụ, năng lực phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, tư tưởng nóng vội, bệnh thành tích của một số cán bộ điều tra. Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) cho rằng cần phân tích rõ hơn tư tưởng nóng vội là do đâu? Qua giám sát, đại biểu thấy tư tưởng nóng vội của cán bộ điều tra thường là trọng cung hơn trọng chứng cứ. Một phần là do sức ép của dư luận, do muốn nhanh chóng phá án tìm ra thủ phạm nên nóng vội dẫn đến một số trường hợp có hành vi bức cung, dùng nhục hình mà lẽ ra là phải xem xét toàn diện các chứng cứ khác. Mặt khác, do biên chế của cơ quan điều tra cũng chưa tương xứng với công việc cũng là một trong những nguyên nhân gây sức ép lên cán bộ điều tra. Theo đại biểu việc phân tích kỹ, khách quan những nguyên nhân cụ thể, trực tiếp có thể giúp đưa ra các biện pháp khắc phục phù hợp.
 
Bên cạnh trách nhiệm của cán bộ điều tra và cơ quan điều tra, Báo cáo cũng đánh giá tại các địa phương xảy ra một số vụ nhục hình có phần trách nhiệm của Viện Kiểm sát chưa sâu sát trong việc kiểm sát việc bắt, tạm giữ và luật sư chưa được tham gia tố tụng sớm. Theo đại biểu Nguyễn Tuyết Liên cần bổ sung trách nhiệm trên hết, trước hết là của kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa sâu sát. Đặc biệt chưa bảo đảm các hoạt động điều tra nhất là điều tra khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và việc xem xét các dấu vết khác... Mặt khác, Báo cáo cũng nêu trong 80% vụ án hình sự là chưa có luật sư tham gia thì dựa vào tiêu chí nào để đưa ra số liệu này? Do đó cần phải tách bạch các trường hợp này để phân tích số liệu cho phù hợp hơn?
 
Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên thống nhất với kiến nghị của QH xem xét, ra nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
 
Tìm giải pháp khắc phục triệt để
 
Việc bức cung, dùng nhục hình xảy ra rất ít, chỉ chiếm 0,0005 % các vụ án oan sai. Nếu so con số này so với nhiều nước trên thế giới thì tỷ lệ này của Việt Nam là thấp hơn rất nhiều ĐBQH, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho biết. Theo đại biểu dù ít cũng phải có biện pháp để chấm dứt hiện tượng này vì nó để lại hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các cá nhân bị bức cung, nhục hình, đồng thời ảnh hưởng đến các cơ quan tư pháp.
 
Khắc phục tình trạng bức cung, dùng nhục hình, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề cập đến khía cạnh quản lý là các cơ quan điều tra phải khẳng định quan điểm kiên quyết xử lý cán bộ điều tra sử dụng nhục hình với bị can; đồng thời luôn đặt việc xem xét xử lý trách nhiệm đối với Thủ trưởng Cơ quan điều tra để xảy ra sử dụng nhục hình theo quy định của pháp luật và quy tắc nghiệp vụ. Theo đó Đại biểu đề nghị cân nhắc lại một số vấn đề trong Báo cáo giám sát như “Việc xử lý đối với cán bộ vi phạm pháp luật (dùng nhục hình) có biểu hiện nương nhẹ”. Đại biểu cũng nêu quan điểm, Báo cáo đã không đúng khi cho rằng “một số trường hợp (dùng nhục hình) bị xử lý hình sự thì kết quả xét xử cũng thiếu nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội…”. Bởi, trên thực tế tất cả những cán bộ điều tra, cán bộ lãnh đạo chỉ huy liên đới trong các vụ dùng nhục hình vừa qua mà đại biểu được biết đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý hành chính, xử lý hình sự một cách nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. 
 
Chỉ ra các biện pháp để hạn chế, khắc phục hiện tượng bức cung, dùng nhục hình mà các cơ quan tư pháp Trung ương cũng đã triển khai trong ngành, đại biểu Nguyễn Tuyết Liên nêu cụ thể như đã tổ chức các hội thảo chuyên đề để nâng cao chất lượng điều tra, truy tố xét xử, chống oan sai, chống bức cung, nhục hình; rà soát các quy chế, quy trình, nghiệp vụ; giáo dục đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp; khắc phục những tư tưởng sợ sai chùn bước không dám trấn áp tội phạm và cũng đã kịp thời xử lý đối với cán bộ sai phạm, công khai xin lỗi và bồi thường kịp thời đối với các trường hợp oan sai.
 
Phân tích kỹ hơn nữa về nguyên nhân dẫn đến việc bức cung, dùng nhục hình, trên cơ sở đó để có những giải pháp khắc phục phù hợp, nhằm hạn chế, tiến tới chấm dứt hiện tượng này đại biểu Nguyễn Tuyết Liên nhấn mạnh.

Văn Thăng - Khánh Chi