Ý dân là quyết định

Thanh Chi thực hiện 07/05/2020 16:52

Chiều qua, 3.6, QH đã thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Trưng cầu ý dân - một trong những dự án luật quan trọng, bảo đảm thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của người dân. Cho rằng, việc trưng cầu ý dân là hoàn toàn phù hợp với bản chất dân chủ của Nhà nước ta, ĐBQH NGUYỄN BÁ THUYỀN (LÂM ĐỒNG) cũng nhấn mạnh, một việc khi đã được đưa ra trưng cầu ý dân thì kết quả trưng cầu ý dân phải mang tính quyết định. Đây là nguyên tắc đặc biệt quan trọng, phải được khẳng định ngay trong Luật.

- Ông có suy nghĩ như thế nào về Dự án Luật Trưng cầu ý dân?

- Từ bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 đã có nội dung quy định về trưng cầu ý dân và quyền biểu quyết của nhân dân. Nhưng trưng cầu dân ý mới chỉ dừng lại ở tuyên bố mang tính chính trị trong Hiến pháp chứ thực tế, đến nay, chúng ta vẫn chưa có một thể chế pháp lý cụ thể, rõ ràng về trưng cầu ý dân. Hiến pháp năm 1946 và các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, 2013 đều có quy định về trưng cầu ý dân. Đặc biệt là, Hiến pháp năm 2013 đã có khá nhiều điều khoản quy định về trưng cầu ý dân tại Điều 29, khoản 15 Điều 70, khoản 13 Điều 74, khoản 4 Điều 120; đồng thời, quy định về quyền dân chủ trực tiếp tại khoản 1 Điều 2 và Điều 6. Điều 29 Hiến pháp 2013 xác định rõ: Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Bên cạnh đó, Văn kiện Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24.5.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 cũng chỉ rõ: mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước; ban hành luật về trưng cầu ý dân.

Lần này, với việc xây dựng Dự án Luật Trưng cầu ý dân, chúng ta thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về trưng cầu ý dân, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Việc xây dựng Dự án Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.

Thực ra, từ trước đến nay, chúng ta cũng đã tiến hành lấy ý kiến nhân dân về một số vấn đề. Nhưng thực tiễn cuộc sống, công tác quản lý, điều hành, phát triển đất nước nảy sinh nhiều vấn đề về quốc kế dân sinh, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới quyền và lợi ích cơ bản của quốc gia, mà người dân cần được tham gia một cách trực tiếp, chủ động, tích cực, đông đảo và quyết định các công việc của Nhà nước và xã hội. Việc trưng cầu ý dân là hoàn toàn phù hợp với bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phát biểu tại Hội trường Ảnh: Q. Khánh
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phát biểu tại Hội trường
 Ảnh: Q. Khánh

- Dự thảo Luật trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp này đã đưa ra các nguyên tắc chung về trưng cầu ý dân, song, một số ý kiến cũng e ngại các nguyên tắc này chưa thể bảo đảm cho việc thực hiện trưng cầu ý dân trong thực tế, thưa ông?

- Dự án Luật Trưng cầu ý dân đã được chuẩn bị công phu. Cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, tham khảo ý kiến của các chuyên gia và kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này. Hồ sơ Dự án Luật trình QH đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về nội dung, Dự thảo Luật đã nêu được những nguyên tắc cơ bản trong trưng cầu ý dân là: đề cao quyền lực của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, bảo đảm để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, để thực hiện được các nguyên tắc chung này thì tôi cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể các điều kiện và tiêu chí trưng cầu ý dân. Cách nhanh nhất để việc trưng cầu ý dân được thực hiện trên thực tế là ngay trong Dự thảo Luật phải làm rõ được các vấn đề này. Tiếc rằng, đây vẫn là những ẩn số trong Dự thảo Luật.

- Vậy theo ông, những điều kiện, tiêu chí đó nên như thế nào?

Dự thảo Luật cần xác định các chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân là ai? Cần bao nhiêu phần trăm tổng số ĐBQH đồng ý thì được đề xuất vấn đề trưng cầu ý dân? Hiện nay, Dự thảo Luật trình 2 phương án về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân để QH cho ý kiến. Theo phương án 1, UBTVQH, Chủ tịch Nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Phương án 2 mở rộng hơn so với phương án 1, theo đó, bổ sung thêm chủ thể có quyền sáng kiến pháp luật cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Với cả hai phương án này, quy định về các chủ thể được quyền đề nghị trưng cầu dân ý đã đủ bao quát chưa? Quan điểm của tôi là, nên mở rộng các chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, bởi mục tiêu ban hành Luật Trưng cầu ý dân là nhằm phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp. Ở một số nước trên thế giới, người ta quy định phải thu thập được bao nhiêu chữ ký của nhân dân thì vấn đề kiến nghị mới được đem ra trưng cầu ý dân, chứ không phải quyền kiến nghị chỉ tập trung vào một vài chủ thể được quy định như trong Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, xác định được các chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân rồi, nhưng để những chủ thể đó đứng ra thu thập ý kiến nhân dân và đề xuất vấn đề cần phải trưng cầu ý dân thì cần có cơ chế gì? Điều kiện bảo đảm gì? Trình tự, thủ tục ra sao? Dự thảo Luật chưa nêu rõ, bởi vậy chỗ này cũng cần được QH bàn kỹ.

Để có cơ sở cho các chủ thể đề nghị và QH quyết định trưng cầu ý dân, tôi cho rằng, Dự thảo Luật cần bổ sung các điều kiện và tiêu chí đối với vấn đề được đề nghị trưng cầu ý dân. Bởi lẽ, nội dung đưa ra trưng cầu ý dân có ý nghĩa quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền làm chủ của người dân trong tham gia vào các công việc của Nhà nước. Vì vậy, phải có tiêu chí để xác định được những vấn đề nào phải trưng cầu ý dân, nếu không sẽ rất khó thực hiện trong thực tế. Ví dụ, ở Anh, sắp tới Chính phủ sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về việc có tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu không? Hay vừa rồi, Ireland đã trưng cầu ý dân về việc có tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh không? Những cuộc trưng cầu ý dân này không chỉ liên quan đến quyền, lợi ích của quốc gia mà còn liên quan đến quyền, lợi ích của chính người dân nên phải có sự đồng thuận cao trong xã hội.

- Một nội dung quan trọng bảo đảm tính khả thi của việc trưng cầu ý dân được nhiều ĐBQH đặt ra là, giá trị pháp lý của kết quả trưng cầu ý dân. Theo ông, có cần thiết phải luật hóa vấn đề này?

Theo tôi, một nguyên tắc đặc biệt quan trọng của trưng cầu ý dân là kết quả trưng cầu ý dân phải thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Vừa qua, chúng ta tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và trước đó là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhưng trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân là hai việc khác nhau. Kết quả lấy ý kiến nhân dân chỉ mang tính chất tham khảo để giúp QH có thể đưa ra quyết định đúng đắn. Còn một vấn đề khi đã được đưa ra trưng cầu ý dân là để nhân dân trực tiếp bỏ phiếu quyết định. Vì vậy,  kết quả trưng cầu ý dân phải mang tính quyết định. Điều này cần phải được khẳng định rõ trong Luật.  

- Xin cám ơn ông!

Thanh Chi <i>thực hiện</i>