Cân nhắc tội danh và hạn chế hình phạt tử hình

Tự Cường - Văn Thăng 06/05/2020 18:26

(ĐBNDO) - Hạn chế hình phạt tử hình với việc bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình trong luật hiện hành; không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm, cho ý kiến trong phiên thảo luận lần đầu tại Hội trường về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) ngày 16.6.

Về vấn đề hạn chế hình phạt tử hình, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này đã bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình, gồm: cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Đồng thời, dự thảo Bộ luật tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy được quy định tại Điều 194 của Bộ luật Hình sự hiện hành, thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn đối với các tội danh khác, trong đó có tội vận chuyển trái phép chất ma túy, thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
 
Bày tỏ đồng tình cao với chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khi xây dựng, sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này, song ĐBQH Trần Thị Dung cho rằng, việc bỏ hình phạt tử hình với tội danh nào cần phải được cân nhắc, đánh giá một cách đầy đủ vừa bảo đảm tính nhân đạo của nhà nước ta với những người phạm tội, đồng thời bảo đảm hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
 
Đại biểu đề cập, về tội vận chuyển trái phép chất ma túy quy định tại điều 251 của Dự thảo Bộ luật, tại Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XII cũng đã thảo luận về việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này, song chưa được sự đồng tình của ĐBQH. Khi đó, chỉ có gần 44,4% ĐBQH đồng tình nên vẫn giữ khung hình phạt cao nhất là tử hình. Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, nhiều vụ án các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn, thủ đoạn tinh vi, cấu kết chặt chẽ và thường trang bị vũ khí sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng. Đã có rất nhiều gương hy sinh của cán bộ, chiến sỹ công an biên phòng trong cuộc chiến khốc liệt này. Từ những phân tích này, đại biểu đề nghị tiếp tục quy định hình phạt tử hình đối với tội danh này.
 
Đây cũng là ý kiến của ĐBQH Tô Văn Tám, đại biểu đề nghị chưa nên bỏ tử hình đối với tội danh này. Đại biểu phân tích, người vận chuyển ma túy là người nghèo, bị dụ dỗ, lừa phỉnh đi vận chuyển; nhưng cũng có thể là những người chuyên nghiệp trong vận chuyển ma túy, hình thành những đường dây vận chuyển với khối lượng lớn, gây thương vong cho lực lượng chức năng của chúng ta. Đối với những đối tượng này cần phải áp dụng hình phạt cao nhất của Bộ luật Hình sự. Còn đối với người vận chuyển trái phép chất ma túy là người nghèo bị dụ dỗ, lừa phỉnh thì có thể xem xét các yếu tố giảm nhẹ. Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu phát biểu tại Hội trường trong buổi sáng hôm nay.
 
Tán thành với chủ trương hạn chế án tử hình, đề cao tính nhân đạo trong việc xử lý hình sự nói chung, trong thi hành án tử hình nói riêng, song đại biểu Tô Văn Tám cho rằng cần rà soát, đánh giá thật thấu đáo một số tội danh được đưa ra khỏi án tử hình như các tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người; tội phạm chiến tranh. Theo đại biểu, đây là những tội phạm hết sức nguy hiểm và gây hậu quả to lớn. Một cuộc chiến tranh gây ra thiệt hại vô cùng to lớn về người, tài sản. Hơn nữa, đây cũng là vấn đề mang yếu tố chính trị, khi mà chúng ta đã, đang và sẽ tham gia có trách nhiệm vào việc giữ gìn hòa bình, an ninh thế giới. Một quyết định như vậy được coi như là một tuyên bố chính trị của Nhà nước ta đối với việc giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc theo hướng chưa loại bỏ hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này.
 
Về quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình, khoản 2 điều 39 dự thảo Bộ luật quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; khoản 3 quy định không thi hành án tử hình nếu người bị kết án từ 70 tuổi trở lên.
 
Cho rằng quy định này thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với người đến độ tuổi thượng thọ- đối tượng được hưởng chế độ chúc thọ, mừng thọ của Nhà nước; được đặc cách hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Song, ĐBQH Trương Thái Hiền nêu ý kiến, thực tế cho thấy, người ở độ tuổi 70 hiện nay sức sống còn rất khỏe, là tấm gương để con cháu noi gương, thế mà họ phạm tội, thậm chí là phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong đời sống xã hội. Đại biểu đề phải áp dụng và thi hành án tử hình đối với người có độ tuổi 70 vi phạm pháp luật hình sự đặc biệt nghiêm trọng.
 
Về nội dung này, ĐBQH Trần Thị Dung bày tỏ đồng tình với đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp tại Báo cáo thẩm tra. Theo đó, trong thực tế, nhiều người ở độ tuổi này vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm. Nếu quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 70 tuổi trở lên có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng phạt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Mặt khác, theo đại biểu, người 70 tuổi trở lên trong đời sống hiện nay vẫn đủ sức khỏe, đủ năng lực để thực hiện hành vi phạm tội. Đại biểu đặt vấn đề, tại sao lại được miễn trừ án tử hình và như vậy có bảo đảm nguyên tắc hiến định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật theo khoản 1, điều 16 Hiến pháp hay không?
 
Tuy nhiên, ĐBQH Thích Bảo Nghiêm bày tỏ thống nhất với quy định không áp dụng hình phạt tử hình với người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng, người 70 tuổi trở lên. Đại biểu cho rằng, các quy định này phù hợp với truyền thống khoan dung của người Việt Nam. Ngoài ra, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân không giảm án.

Tự Cường - Văn Thăng