Tìm lại “thanh xuân” cho sân khấu
Những năm gần đây, sân khấu Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung rơi vào tình trạng khủng hoảng. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất, theo những người trong nghề, là không có nhiều vở diễn hay, mang hơi thở thời đại.
Thiếu kịch bản
Sân khấu đã qua thời hoàng kim, không còn đông khán giả, hiếm thấy mọi người xôn xao vì có vở mới ra đời, một tác phẩm của nhà hát hay đoàn nghệ thuật dàn dựng được cả nước biết đến và đón đợi. Khán giả quay lưng với nghệ thuật sân khấu, dù nhà hát, rạp hiện đại, tiện nghi, sang trọng và thoải mái, nhưng vẫn không bán được vé. Lý giải tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, sân khấu hiện có “làn sóng” khôi phục, dựng lại những kịch bản cũ cách đây hàng chục năm; tìm đến đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, huyền thoại, vì các đề tài này dễ “vào chèo, tuồng, cải lương, kịch dân ca” khi ca, múa, diễn và các nghệ sĩ đỡ mất công tìm tòi, thử nghiệm. Sân khấu còn thiếu những sáng tạo mới mang tính đột phá, thiếu vở diễn có chiều sâu tư tưởng lớn, mang tầm thời đại…
Lịch sử sân khấu nhân loại, tuy có thời kỳ lịch sử với những khuynh hướng sáng tạo phong phú, đa dạng, nhưng phải thừa nhận rằng, cội nguồn của nó vẫn là tác giả mở đường bằng những kịch bản. “Muốn có vở diễn hay, trước hết phải có kịch bản tốt. Tất nhiên, đứa con tinh thần của tác giả còn phải nhờ cậy tài năng của đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, âm nhạc trong êkíp sáng tạo, nhưng kịch bản được ví như gạo, thành phần chính của nồi cơm, nếu gạo tám xoan, nồi cơm sẽ thơm dẻo, còn gạo hẩm, gạo mốc, chắc cơm chẳng ra gì...” - NSƯT Nguyễn Đăng Tiến chia sẻ. Là người chuyên viết cho múa rối, ông nhận thấy kịch bản viết cho sân khấu rối hiện nay cực kỳ khan hiếm. Thời kỳ 1980 - 1990 có nhiều tác giả tên tuổi tham gia viết cho rối, nhưng hiện tại hầu như rối bị lãng quên…
Không chỉ múa rối, đây là tình trạng chung của sân khấu truyền thông nước ta hiện nay. Theo nhà viết kịch Cao Minh, sân khấu cách mạng Việt Nam, tính từ năm 1954 đến nay đã hơn nửa thế kỷ, thế nhưng về cơ bản vẫn là một nền sân khấu “ăn đong” kịch bản, tuy rằng đã có hơn một thập kỷ của thế kỷ trước sân khấu rất tưng bừng trong sự đón đợi của xã hội, đặc biệt là sân khấu Thủ đô, và có sự xuất hiện của khá nhiều tác giả kịch bản, điển hình và rực rỡ nhất là nhà thơ, nhà viết kịch tài năng Lưu Quang Vũ. Hàng năm Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam vẫn đều đặn tổ chức trại sáng tác kịch bản sân khấu, nhưng các nhà hát vẫn “đói” kịch bản hay, cho dù nhà hát nào cũng nhận được hàng chồng kịch bản sân khấu gửi đến. Và, cũng không phải đến giờ vấn đề này mới được mang ra bàn thảo...
Có thể thấy, dù đã có những tác phẩm mang đề tài hiện đại với hình tượng con người mới, nhưng so với nhu cầu của khán giả thì sân khấu hiện nay còn có khoảng cách khá xa, kể cả về số lượng và chất lượng. Nhiều tác phẩm chưa mang tinh thần dấn thân, đắm mình vào dòng chảy cuộc sống, xa rời đời sống và mối quan tâm của khán giả hôm nay.
![]() |
Trẻ hóa tác giả sân khấu
Khi sân khấu đứng trước sự cạnh tranh, lấn át của nhiều loại hình giải trí hiện đại, thì việc tìm một hướng đi để tồn tại và phát triển, thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, thiếu khán giả là điều cấp thiết đặt ra. Nhà viết kịch - NSND Ngọc Thụ cho rằng: Sân khấu phải chuyển trạng thái, bởi những tác phẩm biểu diễn rực rỡ một thời là thành tựu, kỷ niệm đẹp được định vị trong phòng truyền thống, trong bảo tàng hoặc những bài giảng cho học sinh, sinh viên trên giảng đường thì đúng hơn, đem ra “nhai lại” không phù hợp yêu cầu của ngày hôm nay, cộng thêm những sản phẩm của thời kỹ thuật số, băng hình công nghệ hiện đại làm thành dòng lũ dâng cao, làm sao sân khấu cạnh tranh nổi.
Biên kịch, đạo diễn Hoàng Thanh Du nhận định: So sánh với các bộ môn nghệ thuật khác đang phát triển rực rỡ thì thực tế sân khấu có khác. Tác giả và đạo diễn trẻ thiếu, hầu như ít tác giả biên kịch dưới 60 tuổi, trong khi các môn nghệ thuật khác có nhiều công trình nghệ thuật, điện ảnh có tác giả trẻ là biên kịch, đạo diễn dưới 40 tuổi. Để có thể đổi mới, giúp sân khấu tồn tại và phát triển, nhất thiết phải trẻ hóa tác giả, tạo sân chơi sáng tạo cho người trẻ có tài năng.
Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề quan trọng là phải đánh giá đúng thực trạng đội ngũ tác giả trẻ hiện nay, và có giải pháp cơ bản nhất để khắc phục, giải quyết được sự thiếu hụt trầm trọng tài năng trẻ trong sáng tạo kịch bản. “Cần xây dựng có hệ thống, đào tạo bài bản tác giả viết kịch bản, để có những tác giả sân khấu tài năng, thông qua tác phẩm của mình để chuyển tải những thông điệp của cuộc sống, tư tưởng của thời đại; và xa hơn nữa là chất nhân văn muôn thuở của con người. Chính tác giả luôn đi đầu trong sự cách tân, đổi mới của sân khấu” - nhà viết kịch Cao Minh góp ý. Bên cạnh đó, nên chăng Nhà nước có kế hoạch tổ chức hội diễn, hội thi, liên hoan cho tác giả, đạo diễn trẻ (có quy định về tuổi); đánh giá đúng mực và trao giải cao cho các vở viết về đề tài đương đại…
Trẻ hóa trong nghệ thuật là một sự thể bất khả kháng. Nếu không có hình thức thích hợp nhằm tạo nên đội ngũ nhà viết kịch bản sân khấu trẻ có tài, có tâm, có tầm, cho hôm nay và những năm tiếp theo; chắc chắn sân khấu Việt Nam, mà trung tâm là sân khấu Thủ đô, vẫn sẽ trong tình trạng “ăn đong” về kịch bản, thiếu sức sống và khó thu hút khán giả.