Cần thiết Sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008
Chiều ngày 4.5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và thông tin dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh: Qua 12 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.
![]() Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện chủ trì buổi họp báo |
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ 2008 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần thiết phải được xem xét sửa đổi toàn bộ để phù hợp với thực tiễn, đặc biệt Việt Nam đã tham gia công ước Viên nên những quy định trong công ước cần được đưa vào sửa Luật để phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, về kết cấu hạ tầng, tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị hiện còn quá thấp so với quy định; chưa có khung pháp lý với các phương tiện công nghệ mới, phương tiện giao thông thông minh; vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; vẫn còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa một số loại hình vận tải…
Cũng theo ông Huyện, mục tiêu của việc xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ, Dự thảo Luật xây dựng các quy định để đảm bảo công khai, minh bạch, phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thúc đẩy giao thông đường bộ phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, an toàn, thuận tiện, nhanh chóng và thân thiện với môi trường.
Đơn cử như về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Dự thảo bổ sung đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ, quy định về đường giao thông nông thôn để phù hợp với Chương trình quốc gia về xây dựng Nông thôn mới theo Nghị quyết 26, khóa X của Trung ương; thẩm quyền điều chỉnh các hệ thống đường bộ; điều chỉnh, bổ sung các nội dung nhằm xác định rõ phạm vi bảo vệ đất và quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để đồng bộ với quy định của Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, theo hướng quản lý và khai thác có hiệu quả tài nguyên đất; điều chỉnh các quy định về đầu tư, khai thác, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng trong đó các nội dung, cơ chế chính sách về đầu tư phát triển, quản lý vận hành và bảo trì đường cao tốc nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển hệ thống đường cao tốc và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông.
![]() Sử dụng công nghệ hàn các đinh neo thép và bê tông siêu tính năng UHPC sửa chữa mặt cầu Thăng Long |
Đồng thời, sửa đổi, làm rõ quy định về nguồn tài chính cho đầu tư, quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ do Nhà nước đầu tư, trong đó phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước gồm: phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký lưu hành, phí sử dụng đường bộ thu đối với phương tiện sử dụng đường bộ cao tốc có các đường song hành…
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được soạn thảo trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, bao gồm 6 nội dung: Quy tắc giao thông đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm 150 điều dự kiến sẽ trình tại kỳ họp thứ 10, QH Khóa XIV.
Cũng tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện thông tin về chọn công nghệ và kế hoạch sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Theo đó, thời gian dự kiến khởi công sửa chữa trong tháng 7 và hoàn thành trong quý IV.2020.