Đập tan “cánh cửa thép” của địch

Đại tá Tô Xuân Hinh 27/04/2020 07:07

Ngày 14.4.1975, thể theo nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước, Bộ Chính trị họp bàn, đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, từ 5 hướng quân ta rầm rập tiến về Sài Gòn. Trong đoàn quân ấy, Sư đoàn 320A, thuộc Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) của Đại tá Tô Xuân Hinh được giao nhiệm vụ góp một mũi tiến công trên hướng Tây Bắc Sài Gòn, đập tan căn cứ Đồng Dù (Củ Chi), nơi được ví là “cánh cửa thép” của nội đô.

Bao vây cô lập Sài Gòn

Ngay sau khi Bộ Tư lệnh Quân đoàn chính thức giao nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, đơn vị tôi khẩn trương hành quân từ bờ sông Sài Gòn xuống nam Bến Súc vào ngày 23.4.1975. Chỉ sau một đêm, toàn bộ Sư đoàn 320A đã vào vị trí tập kết chuẩn bị triển khai phương án tác chiến.

Đại tá Tô Xuân Hinh, cùng bà Lê Thị Sương (Năm Sương) - Trung đội trưởng Du kích Củ Chi (thứ 2 từ phải sang), người có công bắt giữ Chuẩn tướng Lý Tòng Bá ngày 30.4.1975, tại Lễ khánh thành Nhà bia tưởng niệm chiến thắng căn cứ Đồng Dù ngày 26.4.2019
Đại tá Tô Xuân Hinh, cùng bà Lê Thị Sương (Năm Sương) - Trung đội trưởng Du kích Củ Chi (thứ 2 từ phải sang), người có công bắt giữ Chuẩn tướng Lý Tòng Bá ngày 30.4.1975, tại Lễ khánh thành Nhà bia tưởng niệm chiến thắng căn cứ Đồng Dù ngày 26.4.2019
17 giờ ngày 26.4.1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn. Từ 4 hướng, 5 cánh quân lớn của ta đồng loạt tiến công vào tuyến phòng thủ ngoại vi Sài Gòn. Chiều 28.4, trong lễ xuất quân bên bờ sông Sài Gòn, chúng tôi rưng rưng nhìn lên lá cờ quang vinh mang 8 chữ vàng truyền thống “Đoàn kết - Nghiêm túc - Dũng cảm - Chiến thắng” tung bay trong nắng gió Củ Chi. Chính ủy Sư đoàn Bùi Huy Bổng cảm động trao lá cờ quang vinh ấy cho Tiểu đoàn 1, đơn vị đảm nhiệm hướng đột kích chủ yếu của Trung đoàn 48 trong trận đánh căn cứ Đồng Dù.

Đại đội 11 của tôi thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48, cùng các đơn vị tham gia chiến dịch được lệnh hành quân vào trận địa Đồng Dù với quyết tâm tiêu diệt chủ lực địch, làm chủ các căn cứ và mục tiêu quan trọng, bao vây cô lập triệt để Sài Gòn, tạo thế có lợi để thực hành tổng tiến công vào nội đô. Trước sức mạnh tiến công thần tốc của quân giải phóng, đêm 28.4, Bộ Tư lệnh Chiến dịch ra lệnh cho các cánh quân đồng loạt tiến công vào sáng ngày hôm sau (29.4). Quân đoàn 3 đảm nhiệm hướng tiến công phía Tây Bắc Sài Gòn. Mục tiêu then chốt là đập tan tuyến phòng thủ của địch ở căn cứ Đồng Dù, nơi được quân đội Việt Nam Cộng hòa ví như “cánh cửa thép” mà ta phải phá bỏ để thọc sâu vào nội đô.

Sư đoàn 320A đánh chiếm căn cứ Đồng Dù ngày 29.4.1975 Ảnh: TL
Sư đoàn 320A đánh chiếm căn cứ Đồng Dù ngày 29.4.1975 Ảnh: TL

Tấn công sào huyệt địch

Đồng Dù là căn cứ hỗn hợp quy mô lớn, cách trung tâm Sài Gòn khoảng 30km về phía Tây Bắc. Đây vốn là hang ổ của Sư đoàn 25 Mỹ (Tia chớp nhiệt đới) được xây dựng hình bầu dục, chu vi gần 8.500m, xung quanh là vùng trắng bằng phẳng trống trải. Lực lượng địch trong căn cứ Đồng Dù lúc này gồm có Bộ Tư lệnh Sư đoàn 25, Ban Chỉ huy Trung đoàn 50, Tiểu đoàn 2 bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo hỗn hợp, 1 chi đoàn xe tăng và hậu cứ Trung đoàn 10 thiết giáp, các tiểu đoàn công binh, thông tin, vận tải, quân y, tiếp vận, chỉ huy căn cứ Củ Chi, trường huấn luyện hạ sĩ quan, binh sĩ. Tổng quân số khoảng 3.000 tên, với trang bị đầy đủ xe tăng, xe bọc thép, súng các loại và khẩu pháo lớn, bên ngoài là nhiều lớp rào kẽm gai cùng với hệ thống lô cốt và các bãi mìn được bố trí dày đặc. Do vậy, Chuẩn tướng Lý Tòng Bá (Sư đoàn trưởng Sư đoàn 25) hô hào và bắt quân lính “tử thủ” đến cùng.

Lực lượng tham gia tiến công căn cứ Đồng Dù của ta gồm Sư đoàn 320A được tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo 155mm, Trung đoàn Phòng không 593 do Sư đoàn trưởng Bùi Đình Hòe và Chính ủy Sư đoàn Bùi Huy Bổng chỉ huy. Bộ Tư lệnh Quân đoàn cử Đại tá Nguyễn Kim Tuấn - Phó Tư lệnh trực tiếp xuống Sở chỉ huy Sư đoàn 320A. Về hướng tiến công, Bộ Tư lệnh Sư đoàn xác định hai hướng. Hướng tiến công chủ yếu Tây Bắc có Trung đoàn 48 do Trung đoàn trưởng Lê Quang Bình và Chính ủy Đinh Hữu Tấn chỉ huy. Hướng tiến công thứ yếu Tây Nam, Trung đoàn 9 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Ân chỉ huy. Quá trình tiến công, các hướng được sự chi viện của pháo binh Sư đoàn.

Đúng 5 giờ 30 ngày 29.4, pháo binh Sư đoàn 320A đồng loạt tiến công căn cứ Đồng Dù và kéo dài suốt 2 giờ. Trên hướng tiến công chủ yếu, chiến sự diễn ra ác liệt ngay từ những phút đầu. Trong tiếng gầm rú của đạn pháo, xe tăng, pháo phòng không cổ động, bộ binh nổ mìn định hướng, đánh bộc phá liên tục, mở được nhiều lớp hàng rào.

Tại cửa mở số 1 và số 2, khi địch tập kích hỏa lực cùng xe tăng bắn chặn dữ dội, tôi vẫn không thể quên được hình ảnh kiên cường của đồng đội mình. Đó là lúc bộc phá viên Nguyễn Khắc Bảo và Nguyễn Văn Linh hy sinh khi hàng rào cuối cùng bị phá tung. Trước đó, thời điểm Đại đội 11 mới mở thông 5 hàng rào, còn 2 hàng rào trong cùng bị xe tăng địch phản kích, ngăn chặn. Không chút do dự, xạ thủ Nguyễn Tiến Ngọ đứng thẳng dậy ngắm bắn B41, tiêu diệt xe tăng địch trong căn cứ. Đại đội trưởng Đại đội 11 Nguyễn Công Bạ bị thương không thể làm nhiệm vụ. Tôi khi đó là Chính trị viên tiếp tục chỉ huy đại đội xông pha ôm bộc phá mở tiếp hai hàng rào cuối cùng. Cửa mở thông, đơn vị đánh chiếm lô cốt đầu cầu, tiếp tục cùng các đơn vị của Trung đoàn 48 tiến công đánh chiếm trung tâm căn cứ Đồng Dù...

“Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”

Đến 9 giờ ngày 29.4, qua đài trinh sát kỹ thuật chúng tôi nắm được tin Lý Tòng Bá ra lệnh cho Trung đoàn 46 quân đội Việt Nam Cộng hòa ở Trảng Bàng, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 50) ở Xóm Mới và một chi đội xe tăng ở Củ Chi cứu nguy cho Đồng Dù. Biết được âm mưu mới của địch, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320A quyết định tập trung lực lượng trên hướng chính do Trung đoàn 48 đảm trách, đưa Tiểu đoàn 2 cùng 8 xe tăng thọc sâu tiêu diệt Sở chỉ huy Sư đoàn 25 quân đội Việt Nam Cộng hòa và xốc lại đội hình Trung đoàn 9, ngăn chặn quân địch tăng viện. Thực hiện ý định chiến đấu mới, lực lượng của ta do xe tăng phối hợp với bộ binh lần lượt đánh chiếm khu vực hậu cứ Trung đoàn 46, khu truyền tin, nhà máy điện, đập tan những ổ đề kháng trên đường tiến công.

Đến 10 giờ 30 phút, chúng tôi chủ động đánh chiếm và làm chủ Sở Chỉ huy Sư đoàn 25 quân đội Việt Nam Cộng hòa, Lý Tòng Bá và Ban Tham mưu bỏ chạy. Thừa thế tiến công, các hướng, mũi chiến đấu tiếp tục tiêu diệt trận địa pháo, Sở Chỉ huy Trung đoàn 50, khu thiết giáp và sân bay, đồng thời đánh tan lực lượng phản kích của địch. Đến 11 giờ ngày 29.4.1975, Sư đoàn 320A làm chủ hoàn toàn căn cứ Đồng Dù. Lá cờ mang 8 chữ vàng và lá cờ quân giải phóng được chiến sĩ Đại đội 11 phất cao trên nóc hầm Chuẩn tướng Lý Tòng Bá.

Như vậy, chỉ trong 5 giờ “tả xung hữu đột”, người trước ngã, người sau tiến, chúng tôi đã đập tan toàn bộ Sư đoàn 25 của quân đội Việt Nam Cộng hòa ở căn cứ Đồng Dù. Ngày hôm sau (30.4), được nhân dân Củ Chi giúp đỡ, Chuẩn tướng Lý Tòng Bá và Đại tá Trần Thắng Chức (Sư đoàn phó), cùng một số sĩ quan tham mưu Sư đoàn 25 đã bị bắt giữ. Chiến công này không chỉ nói lên ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến sĩ sư đoàn trong chiến dịch mang tên Bác, góp phần đập tan “cánh cửa thép” phòng ngự phía Tây Bắc Sài Gòn, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng binh chủng hợp thành của Quân đoàn 3 thọc sâu vào nội đô, kết hợp cùng các cánh quân khác đánh chiếm các mục tiêu chiến lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hồng Hà ghi

___________

* Đại tá Tô Xuân Hinh từng giữ cương vị Phó Chỉ huy trưởng, Phó Tham mưu trưởng Tỉnh đội Thái Bình; Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu III; Giảng viên cao cấp Học viện Quốc phòng.

Đại tá Tô Xuân Hinh