Cẩn trọng với bệnh trầm cảm thời dịch Covid-19

Hải Yến 24/04/2020 08:52

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2020, trầm cảm sẽ là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người, chỉ sau tim mạch. Đặc biệt, với tốc độ phát triển và áp lực của cuộc sống hiện đại cùng với những ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19, khiến cho căn bệnh trầm cảm ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng, nhất là với giới trẻ.

Trầm cảm có xu hướng trẻ hóa

Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) Nguyễn Doãn Phương cho biết, tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số mắc rối loạn tâm thần, trong đó, tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Trầm cảm là một loại bệnh mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải và ở trên mọi đối tượng; đặc biệt là những đối tượng gặp nhiều áp lực trong cuộc sống, trong công việc, trong các mối quan hệ gia đình. Trầm cảm để lại những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người mắc bệnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, một nửa các bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14 nhưng phần lớn đều không được phát hiện hay điều trị. Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8 - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu cụ thể với 202 trẻ em, có 22,8% số trẻ em trầm cảm; 23,7% số trẻ muốn tự tử; 10,4% tâm thần; 4% tự kỷ và 2,5% lo âu.

Theo ước tính tại Việt Nam, có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Điều đó khiến một bộ phận còn lại tìm kiếm và sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy để “tự chữa”, xoa dịu các dấu hiệu của rối loạn tâm thần dẫn đến bệnh tình ngày càng nặng, thậm chí gây nguy hiểm với xã hội.

Tại TP Hồ Chí Minh, thống kê mới đây cho thấy, 6% dân số bị bệnh trầm cảm. Nếu trước kia, người mắc trầm cảm đa phần nằm trong độ tuổi từ 60 - 65 tuổi, thì hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15 - 27 tuổi. Nữ giới bị trầm cảm nhiều hơn nam giới. Trung bình cứ 2 bệnh nhân nữ mới có 1 bệnh nhân nam bị trầm cảm. Tại các cơ sở y tế chuyên khoa, số lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20 - 30% mỗi năm.

Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Tâm lý học Trung Quốc thực hiện vào cuối tháng 3.2020, có 18.000 người được chẩn đoán hội chứng lo lắng liên quan đến sự bùng phát dịch Covid-19, hơn 5.000 người được đánh giá rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý; trong đó, có 21,5% có biểu hiện rối loạn rõ rệt. Trong một cuộc thăm dò của Hiệp hội Tâm thần Mỹ tiến hành từ tháng 3 cũng chỉ ra rằng, gần một nửa số người Mỹ lo lắng về khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 và 62% lo lắng về người thân bị bệnh.

Chống trầm cảm do Covid-19

Tốc độ phát triển của cuộc sống hiện đại khiến áp lực công việc gia tăng, bộ não làm việc quá tải, cảm giác cô độc, quá lệ thuộc vào mạng xã hội cũng khiến tỷ lệ người bị mắc bệnh tâm lý ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Đại dịch Covid-19 bùng phát cũng tác động không nhỏ tới sức khỏe tâm thần, trong đó, có chứng trầm cảm và rối loạn lo âu.

Cần nâng cao kiến thức và giảm định kiến của người dân về bệnh trầm cảm và các phương pháp điều trị
Cần nâng cao kiến thức và giảm định kiến của người dân về bệnh trầm cảm và các phương pháp điều trị

Tại buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Vượt qua stress trong mùa dịch” diễn ra sáng 23.4, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn cho biết, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ đã áp dụng một loạt những biện pháp để ngăn ngừa, phòng, chống dịch như giãn cách xã hội, trẻ em không tới trường, nhân viên công sở cũng làm việc trực tuyến ở nhà khiến thói quen sinh hoạt hàng ngày thay đổi theo, cùng với đó là những lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình, sự căng thẳng khi bị mất việc làm, mất ngủ, cũng dễ gây ra stress, trầm cảm, lo âu.

Mặt khác, theo các chuyên gia, dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến bệnh nhân trầm cảm nhưng trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, một số bệnh viện bị phong tỏa, chỉ tiếp nhận bệnh nhân nội trú nên người bệnh không thể đi khám trực tiếp để nhận tư vấn cụ thể từ phía các bác sĩ. Vì vậy, họ phải tự tìm cách khống chế bệnh tình của mình. Theo đại diện Phòng Tham vấn tâm lý, Trung tâm Đào tạo và Phát triển cộng đồng Đông Nam Á tại Hà Nội, thông qua các buổi tư vấn online ở trung tâm, có thể thấy, trầm cảm đang có xu hướng gia tăng. Trước đây, trung bình 1 ngày có khoảng 4 - 5 trường hợp liên hệ và gọi điện tư vấn nhưng nay do tác động của dịch Covid-19, số ca gọi xin tư vấn tăng đột biến, trung bình một ngày có từ 15 - 17 ca.

Để đối phó với chứng trầm cảm, chuyên gia tham vấn tâm lý Trung tâm phát triển cộng đồng Đông Nam Á đưa ra lời khuyên, trong giai đoạn này, cùng với việc kết nối với bạn bè và các thành viên trong gia đình, người dân nên tăng cường các hoạt động thể chất tại nhà, ăn uống hợp lý, khoa học; ngủ đúng và đủ giấc. Hạn chế những suy nghĩ tiêu cực bằng biện pháp như thiền và nên kế hoạch cho hoạt động của từng ngày, tuần, tháng. Mặt khác, xem chống dịch như một cơ hội để đăng ký những khóa học trực tuyến, làm vườn hoặc học công thức mới.

Đồng thời, cần nâng cao kiến thức và giảm định kiến của người dân về bệnh trầm cảm; có các phương pháp điều trị bệnh trầm cảm, để bệnh có thể được phát hiện và điều trị sớm. Nâng cao việc chẩn đoán, chất lượng khám, chữa bệnh trong ngành tâm thần và trị liệu tâm lý cũng như trang bị kiến thức về các rối loạn tâm lý tâm thần và các biện pháp trị liệu cho các bác sỹ, kể cả các bác sỹ ở những chuyên ngành khác cũng rất cần thiết, nhằm phát hiện và điều trị sớm cho bệnh nhân trầm cảm, giảm hậu quả lâu dài có thể gây ra cho người bệnh, gia đình và xã hội.

Hải Yến