Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tiếp tục gia tăng
Sáng 3.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp đã tiến hành Phiên họp toàn thể thứ 13 dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.
Tham dự Phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải; đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp…
![]() Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì Phiên họp |
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết: Tình hình tội phạm về trật tự xã hội tuy đã được kiềm chế, giảm về số vụ nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Toàn quốc xảy ra 39.776 vụ phạm pháp hình sự, đáng chú ý là xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo. Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra nhiều, nhất là tội dâm ô và giao cấu với trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội; xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người dưới hình thức mang thai hộ, mua bán bào thai.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội, sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm thu phí BOT. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả còn diễn biến phức tạp. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến, hoạt động xả thải vượt quy chuẩn tại các khu, cụm công nghiệp, chuyển giao, xử lý chất thải rắn công nghiệp…
Đại diện cho nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cũng chỉ ra nhiều biểu hiện phức tạp về tội phạm, trật tự an toàn xã hội như vẫn xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo; đặc biệt có nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị ảo giác vì sử dụng ma túy tổng hợp gây ra, gây lo lắng trong nhân dân. Số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý nhiều hơn so với cùng kỳ; tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều nơi, nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. Công tác quản lý người nước ngoài, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, nhiều đối tượng người nước ngoài lợi dụng địa bàn nước ta để phạm tội lừa đảo; tổ chức đánh bạc qua mạng, có vụ đông tới hàng trăm người, mua bán, vận chuyển ma túy với khối lượng rất lớn…
Ghi nhận các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, nhưng Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Pha cũng cho rằng, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực chưa tương xứng với tình hình thực tế… Việc phát hiện các hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng còn nhiều hạn chế, có vụ làm xăng giả với quy mô lớn, tiêu thụ trên nhiều địa phương, kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới bị phát hiện xử lý. Tình trạng xả thải nước thải công nghiệp chưa qua xử lý; tình trạng nhập khẩu rác thải có chứa chất độc hại với môi trường... diễn ra ở nhiều nơi nhưng việc xử lý hình sự thuộc lĩnh vực môi trường còn rất thấp so với số vi phạm phát hiện được (chiếm 1,4%). Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm mới đạt 84,8%…
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ cần sớm khắc phục những hạn chế và tiếp tục đánh giá kết quả thực hiện các kiến nghị của QH, UBTVQH, Ủy ban Tư pháp và ĐBQH đã nêu tại các Kỳ họp trước. Đồng thời, đề nghị Chính phủ trong thời gian tới tiếp tục có những biện pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực lĩnh vực trật tự xây dựng, thương mại, giao thông, công nghệ thông tin... để hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm pháp luật, tội phạm trên các lĩnh vực này; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý đối với người nước ngoài nhập cảnh, cư trú tại nước ta, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật để xử lý…