World War Z và dòng phim về đại dịch

Nguyễn Mạnh Hà 12/04/2020 08:23

Có nên xem phim về dịch bệnh trong mùa dịch Covid-19? Nếu phim thực sự hay thì dù đề tài gì cũng nên xem khi nào có thể. Cách ly chính là dịp lý tưởng để rà soát lại những bộ phim hay về bệnh dịch. Ngoài giải trí, biết đâu sẽ có những bài học để áp dụng ngay vào đời.

Người hùng chống lại zombie

Khi dịch bệnh xảy ra, đương nhiên các bác sĩ sẽ trở thành người hùng. Cũng như vậy, trong những phim về dịch bệnh gần với hiện thực, mà tiêu biểu là Contagion (2011). Còn lại, để tăng phần hấp dẫn, phim đại dịch đều phải pha trộn những yếu tố ly kỳ của phim hành động, kinh dị. Đặc biệt, zombie (xác sống) là chiêu thức bảo đảm câu khách, lại không khó làm. Đặc biệt, zombie khi cần có thể sống rất dai, bảo đảm mọi nhiệm vụ mà phim giao phó.

World War Z (2013) của đạo diễn Marc Forster, được bảo chứng bởi tên tuổi Brad Pitt trong vai thanh tra Gerry Lane. Kinh phí làm phim lên tới hơn 250 triệu đô, thu về hơn gấp đôi, nhưng vẫn chưa ăn thua so với I Am Legend (2007). Phim này bỏ vốn hẳn là ít hơn vì có đến 2/3 phim chỉ cần đến mỗi Will Smith- vai Robert Neville, nhà virus học của Quân đội Mỹ, và một con chó. Phim kinh phí cao không có nghĩa là nhiều đại cảnh hoành tráng mà quan trọng là sẽ thông minh hơn trong cài cắm tình tiết (chắc thuê được nhiều người giỏi hơn). Và nói chung thường có một kịch bản gốc chắc chắn dựa trên tiểu thuyết.

Kinh phí cao thường đồng nghĩa với bắn ít đạn hơn, phát nào trúng phát đó chứ không phung phí tới mức khó chịu như Carriers (hoàn toàn không hợp lý trong hoàn cảnh đại dịch zombie); nhiều chi tiết đời và sáng tạo hơn, chẳng hạn Gerry đơn giản lấy cuốn tạp chí thời trang cuốn vào tay làm đồ bảo hộ chống zombie cắn; cũng không máy móc theo kiểu cứ thấy zombie là chỉ có giết (như 28 days later, 28 weeks later) mà vẫn có cách cứu sống nếu cắt bỏ ngay được chỗ cắn. Zombie trong I Am Legend vẫn còn thông minh đến mức tổ chức chống trả lại chứ không chỉ biết lao đầu vào chỗ chết. Hoặc có những phim zombie chính là người hùng như The Girl With All The Gifts. Cô bé nhân vật chính trong phim này là con của zombie nhưng lại kế thừa được trí tuệ của con người nên trở thành người mở ra một thời đại mới, trong đó sạch bóng loài người.

Nếu zombie là có thật, đương nhiên thế giới loài người sẽ tận diệt, vì bọn này thường phát bệnh rất nhanh (trong vòng 20 giây, bằng thời gian rửa tay tối thiểu để tránh Covid-19). Cá biệt, Cargo (Australia) hay Maggie (Mỹ) kịch bản được xây dựng trên thời gian ủ bệnh lên tới vài ngày. Điểm chung của hai phim này, “người hùng” giản dị là ông bố. Trong Maggie, vai của Arnold Schwarzenegger ở lại với con gái đến cùng, bất chấp nguy cơ bị cắn cổ. Ngược lại, ông bố trong Cargo chỉ có 48h trước khi phát bệnh để tìm cho con gái đang ẵm ngửa chốn nương thân an toàn.

Dịch trong Carriers cũng có thời gian ủ bệnh dài tương tự nhưng xem ra lại dễ lây hơn - qua cả đường máu, nước bọt và không khí. Cho nên xem cực khó chịu khi các nhân vật cứ áp sát với nguồn bệnh mà khẩu trang lúc đeo lúc không. Tất nhiên nếu xem trước thời Covid-19, sẽ không có cảm giác đó. Cũng như rất buồn cười khi một đại dịch kinh hoàng như trong World War Z mà chính phủ chỉ yêu cầu người dân khóa cửa trong nhà có 1 tuần.

Cảnh phim “World War Z”
Cảnh phim “World War Z”

Từ phim đến đời

Có thể thấy người Israel trong World War Z không hề chủ quan. Thậm chí biết thông tin trước nên họ đã xây cả một bức tường để chặn zombie (giống giải pháp của Anh trong Doomsday). Thực tế cho thấy việc cầu nguyện tập thể nói chung không phát huy tác dụng, mà lại trở thành phương tiện cho Covid-19 lan truyền. Thì trong World War Z, chính việc cầu nguyện, hát hò tập thể gây tiếng ồn bên này bức tường đã kích động zombie phía bên kia khiến tình thế đảo ngược. Bởi khi đó Jerusalem vẫn chưa biết thông tin: zombie bị đánh thức bởi các tiếng động mạnh. Còn người Mỹ đã kịp đi khắp thế giới thu thập thông tin để tìm ra đáp án cho mình.

Gần đây, mọi người hay nói tới phương pháp miễn dịch cộng đồng dường như được một số nước châu Âu sử dụng để né Covid-19. Thì đúng là các phim của Anh như Doomsday hay 28 weeks later - cũng toàn để cho mọi việc diễn ra tự nhiên. Zombie nếu giết không xuể thì khoanh vùng để cho tự cắn nhau, ai miễn dịch và may mắn thì còn. Trong phim Tây Ba Nha The Last Days, con người cứ bước ra ngoài trời là chết. Đâm ra họ chỉ còn cách cố thủ trong các không gian kín, chờ đến khi nào dịch tự tan. Các nhân vật chính chỉ cần yêu thương nhau hết mực là đủ.

Nhân vật ma cà rồng chuyên săn người trong Daybreakers khi được hỏi thích làm người hay làm ma cà rồng hơn thì chọn ma cà rồng và nói: “Nếu ở thế giới loài người, tôi chẳng là gì cả”. Vì vậy, nếu muốn làm nhân vật chính trong các phim dịch bệnh, hãy trở thành các nhà dịch tễ học, virus học, bác sĩ, đồng thời biết sử dụng vũ khí và lái máy bay trực thăng như trong Outbreak (1995).

Những phim bệnh dịch mà không có các nhân vật anh hùng có thực lực kiểu như vậy, xác định sẽ ít có khả năng miêu tả cả một quá trình hình thành, diễn biến, kết thúc của dịch bệnh. Mà chỉ thiên về khai thác những lát cắt hành xử của con người trong bối cảnh dịch bệnh. Và dễ sẽ đi vào lạm dụng các cảnh kinh dị để thu hút người xem.

World War Z “chơi tất tay” khi để cho bác sĩ chết ngay khi mới vào trận, dồn tất cả trách nhiệm lên vai điều tra viên Liên Hợp Quốc của Brad Pitt. Và phương thuốc chống lại bệnh dịch cũng gần với lý thuyết vaccine dù không hẳn. Một cách giải quyết thông minh và vì thế thú vị. “Lấy độc trị độc” cũng là phương châm để giải quyết đại dịch ma cà rồng trong Daybreakers (2009). Phim do anh em nhà Spierig đạo diễn và viết kịch bản cũng thuộc dạng thông minh với vai chính ma cà rồng “hoàn lương” dành cho Ethan Hawke.

Nguyễn Mạnh Hà