Nhận thức về PPP

PGS. TS. Đặng Văn Thanh
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội Khóa XI
13/03/2020 08:28

Trong hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã triển khai mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) trong việc phát triển hạ tầng với một khung pháp lý chưa ổn định, có nhiều thay đổi và điều chỉnh. Mặc dù các dự án PPP đã có đóng góp đáng kể đối với phát triển hạ tầng, nhưng trên thực tế cũng nảy sinh nhiều vấn đề dẫn đến việc thực hiện các dự án PPP gặp nhiều trở ngại và mô hình PPP không được nhìn nhận một cách khách quan từ nhiều phía.

Nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thực hiện mạnh mẽ PPP trong thời gian tới, về nhận thức, cần xem PPP là phương thức góp phần quan trọng trong việc phát triển quốc gia. Việt Nam đã xác định hạ tầng là 1 trong 3 nút thắt trong việc phát triển đất nước, đồng thời PPP được xem là công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng. Vì vậy, PPP cần được xem xét ưu tiên trong việc bố trí nguồn lực, cũng như ủng hộ chính sách, pháp luật có liên quan và cam kết từ khu vực nhà nước để thực hiện các mục tiêu chiến lược của quốc gia. Đồng thời phải thấy hết tính phức tạp của các hình thức hợp tác, thấy hết những rủi ro và sự khó khăn trong bảo đảm lợi ích của các bên: Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân thụ hưởng dịch vụ công.

Một việc quan trọng là cần sớm xây dựng và ban hành Luật PPP. Dự thảo Luật PPP đang được xây dựng với nhiều nội dung đổi mới và được đệ trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm nay có thể được xem là một cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường thể chế pháp lý hiệu quả, ổn định và thuận lợi cho việc triển khai dự án theo mô hình này.

PPP được kỳ vọng sẽ xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, không chỉ giới hạn trong các mảng truyền thống như đường bộ, năng lượng, cấp nước... mà còn bao gồm những lĩnh vực tạo sự bứt phá lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng suất lao động và cải thiện cuộc sống người dân như dịch vụ công ứng dụng công nghệ thông tin, logistics, y tế, môi trường…

Bên cạnh đó, các dự án PPP cần được chuẩn bị nghiêm túc về phương án tài chính, yêu cầu đầu ra và phát huy tính sáng tạo cũng như chuyên môn của khu vực tư nhân, cấu trúc dự án bảo đảm rủi ro được chia sẻ một cách hợp lý. Các dự án cần được khuyến khích đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, đem lại hiệu quả cao nhất cho người sử dụng và tối ưu chi phí của Nhà nước. Bản chất PPP không phải là miễn phí, Nhà nước và người sử dụng sẽ trực tiếp hay gián tiếp phải chịu chi phí cho các công trình dịch vụ công do khu vực tư nhân thực hiện và cung cấp. Vì vậy, Nhà nước cần chuẩn bị nguồn lực tài chính để cùng khu vực tư nhân triển khai các dự án PPP.

Nhà nước cũng cần tập trung nghiên cứu lựa chọn các dự án tiềm năng, ưu tiên các dự án có tính thương mại cao để thực hiện theo mô hình PPP. Kèm theo đó là tăng cường năng lực về PPP cho cán bộ, công chức ở Trung ương và địa phương để trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ về dự án PPP; tăng cường tính minh bạch trong tất cả các khâu của dự án, bảo đảm công khai thông tin về dự án.

Song song với việc sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ từ các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính quốc tế đối với chương trình PPP tại Việt Nam, cũng cần tăng cường giám sát và kiểm soát các hợp đồng dự án trên nguyên tắc tôn trọng các thỏa thuận của Nhà nước và các nhà đầu tư, nhưng bảo đảm các bên thực hiện đầy đủ các cam kết và bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, của nhà đầu tư, của nhân dân.

Tiềm năng thị trường hạ tầng của Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá rất cao, nhưng do các rào cản đến nay sự tham gia của khu vực này rất hạn chế. Khi các rào cản được gỡ bỏ, các dự án PPP phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế. Ở đây cũng phải thấy nhiều tập đoàn tư nhân trong nước ngày càng mạnh lên về tiềm lực tài chính, công nghệ, xây dựng, kỹ năng quản lý và vận hành các dự án quy mô lớn. Các điều kiện này tạo cơ sở kỳ vọng một thế hệ nhà đầu tư PPP mới trong và ngoài nước chuyên nghiệp hơn và có năng lực tốt hơn để tham gia các dự án PPP trong thời gian tới.

PGS. TS. Đặng Văn Thanh <br/><i>Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội Khóa XI</i>