Toàn cầu hóa bị thách thức

Linh Anh 09/03/2020 08:11

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh đang làm sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu nội địa, du lịch, liên kết sản xuất và thương mại, gián đoạn cung ứng và ảnh hưởng sức khỏe của người dân trên toàn thế giới. Không chỉ gây ảnh hưởng đến toàn cầu hóa mà thiệt hại kinh tế do nó gây ra cần phải được đối phó kịp thời.

Nhiều biện pháp giảm thiểu thiệt hại

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra 3 kịch bản về kinh tế thế giới dưới tác động của dịch bệnh Covid-19. Ở kịch bản xấu nhất, kinh tế thế giới có thể bị thiệt hại 347 tỷ USD, tương đương với 0,1 - 0,4%. Các nền kinh tế châu Á bị thiệt hại hơn cả, trong đó Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại 103 tỷ USD, hay 0,8% GDP của nước này, và phần còn lại của châu lục sẽ mất 22 tỷ USD, tương đương 0,2% GDP. Trong khi đó ở Nhật Bản, nơi sẽ tổ chức Olympic Tokyo dự kiến vào diễn ra vào 24.7 - 9.8 tới, thiệt hại kinh tế liên quan đến dịch Covid-19 có thể lên tới 1,4% GDP nếu sự kiện này bị hủy bỏ.

Trước những tác động tiêu cực đối với kinh tế, nhiều quốc gia đã phải nhanh chóng đưa ra chính sách để nỗ lực giảm thiểu thiệt hại. Hôm qua, 8.3, Hàn Quốc đã công bố gói kích thích 11.700 tỷ won (tương đương 9,8 tỷ USD) để bảo vệ nền kinh tế, ngăn chặn dịch bệnh ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và làm suy yếu tiêu dùng. Dự kiến, Quốc hội sẽ sớm thông qua gói này để bảo vệ các lĩnh vực dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như nhóm lao động làm việc tự do. Nhật Bản dự kiến tuần này sẽ công bố đợt 2 các biện pháp giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế do dịch Covid-19, trong đó trọng tâm cũng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng phó với tình trạng thiếu hụt tài chính. Đức không phải ngoại lệ khi Chính phủ nước này mới đây ưu tiên hỗ trợ tài chính cho các công ty vừa và nhỏ, tránh sa thải hàng loạt nhân công. Bên cạnh đó, liên minh cầm quyền còn cân nhắc giảm thuế cho các doanh nghiệp, đồng thời đưa ra chính sách khuyến khích lĩnh vực tư nhân tăng đầu tư.

Trong khi đó, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa khẩn cấp hạ 0,5% lãi suất tham chiếu, về quanh mức 1 - 1,25%. Mục đích là duy trì ổn định giá và tối đa hóa việc làm cho người dân, tạo cú hích cho nền kinh tế. Indonesia thì đang hoàn tất gói kích thích kinh tế thứ hai nhằm giảm bớt các quy định xuất nhập khẩu khi chuỗi cung ứng bị đình trệ. Được biết, gói này sẽ lớn hơn so với gói kích thích đầu tiên có tổng giá trị 10,3 nghìn tỷ rupiah (725 triệu USD), được công bố vào 2 tuần trước nhằm hỗ trợ hoạt động tiêu dùng và du lịch.

Chính quyền đặc khu hành chính Macau sẽ cấp cho mỗi người dân thẻ tiêu dùng trị giá 3.000 pataca (khoảng 380 USD) có hiệu lực trong 3 tháng nhằm thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ngoài ra, cư dân định cư lâu năm cũng sẽ nhận phiếu mua hàng 600 pataca chỉ để mua các sản phẩm y tế. Đây là biện pháp giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sống sót trong đại dịch.

Các định chế tài chính quốc tế cũng có nhiều bước đi hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã công bố ngân sách 12 tỷ USD hỗ trợ các nước ứng phó với tác động kinh tế và hệ thống y tế do dịch này gây ra. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẵn sàng cấp các khoản vốn vay lãi suất cực thấp cho doanh nghiệp trong khối. Mới đây nhất, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết tiến hành các biện pháp tài khóa và tiền tệ nếu cần.

Giết chết toàn cầu hóa?

Theo FP, dịch cúm ở Tây Ban Nha từng báo trước sự sụp đổ của làn sóng toàn cầu hóa hiện đại đầu tiên. Vì vậy nhiều người tự hỏi, sau một thế kỷ, virus Corona có thể gây ra hậu quả tương tự?
Thực tế khi lây lan nhanh chóng ra khắp thế giới, Covid-19 đã xâm phạm vào hệ thống toàn cầu hóa tuần hoàn, làm giảm đáng kể dòng tiền, hàng hóa và con người trên bình diện quốc tế. Thực vậy, nó đã “lây nhiễm” vào các chuỗi cung ứng toàn cầu kết nối các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Các nhà sản xuất phụ thuộc vào nguồn cung ứng linh kiện ở các nước xa xôi từng suy nghĩ lại về việc tham gia vào dây chuyền lắp ráp toàn cầu vì lý do thuế quan, chi phí vận chuyển hay tỷ lệ tự động hóa tăng lên. Nay, những gián đoạn kinh tế do Covid-19 gây ra càng khiến suy nghĩ đó trở nên thôi thúc hơn.

Con người sẽ không còn di chuyển nhiều như trước. Các dịch vụ hàng không, đến và đi ở những điểm nóng về dịch Covid-19 như Hàn Quốc, Italy, đã bị hủy bỏ. Giá vé máy bay giảm mạnh ở nhiều nơi. Ngành công nghiệp du thuyền cũng gặp hạn sau khi một loạt du khách bị nhiễm virus ở một vài du thuyền lớn. Các thị trường chứng khoán đã có một đợt giảm giá mạnh trong tuần cuối cùng của tháng 2. Cụ thể, thị trường chứng khoán thế giới đã đi tong 6.000 tỷ USD giá trị, cho thấy điều tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính của một thập kỷ trước. Bất chấp sự can thiệp của các ngân hàng trung ương, biến động thị trường vẫn tiếp tục.

Có vẻ hơi khó tin là sự lây lan của Covid-19 có thể đảo ngược quỹ đạo kinh tế kéo dài hơn một thế kỷ. Nhưng sự bùng phát của nó đang có sự trùng hợp với những cuộc tấn công vào toàn cầu hóa kinh tế từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn như, các nhà môi trường vốn từ lâu đã tỏ ra hoài nghi về tăng trưởng không bị hạn chế của kinh tế toàn cầu. Mối đe dọa của biến đổi khí hậu đã củng cố những hoài nghi này và biến nó thành đề tài tranh luận chính thống. Trong khi đó, sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng tồi tệ cũng đặt ra câu hỏi về khả năng toàn cầu hóa kinh tế có thể giúp tất cả các nước cùng phát triển.

Cuối cùng là, đà hội nhập chậm lại của kinh tế toàn cầu trong thập kỷ qua cho thấy thế giới có thể đã đi qua thời cao điểm của toàn cầu hóa. Thêm vào  những thách thức mang tính hệ thống kể trên là chủ nghĩa dân túy chính trị đang trỗi dậy. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thách thức thương mại tự do bằng cách cách áp thuế đối với các đồng minh và đối thủ như nhau, đồng thời rút khỏi các thỏa thuận thương mại lớn, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận giai đoạn I, song hầu hết các mức thuế vẫn được áp dụng.
Trong khi đó, Vương quốc Anh cuối cùng đã dứt áo khỏi Liên minh châu Âu cuối tháng 1 vừa qua. Đây cũng chính là một chiến thắng của những người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Các khẩu hiệu như Nước Mỹ trên hết, Brazil trên hết đang được một số lãnh đạo thế giới ưa chuộng…

Những diễn biến đó không có nghĩa là toàn cầu hóa đã chết. Nhưng thành thực mà nói, nó bị thách thức rất nhiều, nhất là khi trước đó đã bị lung lay bởi một loạt cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các đại dịch như cúm Hong Kong, thậm chí là bóng ma của Y2K (sự cố có thể gây tê liệt hệ thống máy tính toàn cầu vì không phân biệt được năm 1999 với năm 2000)...

Với dịch Covid-19 lần này, sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc thiết lập các quy tắc mới về lộ trình kinh tế, môi trường và chăm sóc y tế, đang tạo ra cơn bão làm rối loạn quốc tế. Như thế, toàn cầu hóa chắc chắn sẽ bị giáng thêm một đòn thật chí mạng.

Linh Anh