Quy định hay không quy định khái niệm?

Nhật An 23/02/2020 08:23

Pháp luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số nước cho thấy, có nước quy định khái niệm văn bản quy phạm pháp luật và có nước không. Về cơ bản, đa số các nước không quy định khái niệm văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ liệt kê hình thức văn bản và viện dẫn quy định của Hiến pháp về thẩm quyền ban hành văn bản.

Phân biệt với văn bản hành chính thông thường

Với những nước quy định khái niệm văn bản quy phạm pháp luật, nhìn chung, luật đưa ra ba tiêu chí xác định văn bản quy phạm pháp luật là: Văn bản pháp luật là văn bản chứa đựng quy tắc chung; do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc thông qua; có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần.

Nhằm làm rõ hơn quy định về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật, một số nước bổ sung tiêu chí phân biệt giữa văn bản quy phạm pháp luật với văn bản hành chính thông thường. Cụ thể, Cộng hòa Kyrgyzstan quy định, văn bản quy phạm pháp luật là những mệnh lệnh bắt buộc mang tính tạm thời hoặc thường xuyên và được áp dụng nhiều lần. Bulgaria quy định, văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng cho một số lượng không xác định và không hạn chế các đối tượng. Theo quy định của CHDCND Lào, văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương hoặc địa phương soạn thảo, thông qua, công bố.

Ở Anh, các luật lớn được trình Nghị viện thông qua dưới dạng các dự luật. Một khi các dự luật được tiến hành qua tất cả các giai đoạn của quy trình xem xét, phê chuẩn, chúng trở thành Đạo luật của Quốc hội. Đạo luật của Quốc hội thường trao quyền cho các Bộ trưởng đưa ra các mệnh lệnh, quy tắc hoặc quy định chi tiết hơn bằng các công cụ theo luật định (còn gọi là văn bản pháp quy). Phạm vi của các quyền hạn này khác nhau rất nhiều, từ kỹ thuật (ví dụ, thay đổi ngày mà các điều khoản khác nhau của Đạo luật có hiệu lực, thay đổi mức phạt hoặc hình phạt cho hành vi phạm tội hoặc đưa ra các điều khoản do hậu quả và chuyển tiếp) đến những quyền hạn rộng hơn như quy định chi tiết các điều khoản khung trong đạo luật. Thông thường, đạo luật chỉ chứa khung khổ pháp lý rộng và văn bản pháp quy cung cấp các chi tiết cần thiết, được coi là quá phức tạp để đưa vào đạo luật. Pháp luật thứ cấp cũng có thể được sử dụng để sửa đổi, cập nhật hoặc thi hành luật chính hiện hành. Văn bản pháp quy chủ yếu được điều chỉnh bởi Đạo luật Văn bản pháp quy năm 1946, thay thế hệ thống các quy tắc và lệnh theo luật định được điều chỉnh bởi Đạo luật Xuất bản Quy tắc năm 1893.

Theo Đạo luật Văn bản pháp quy năm 1947 của Mỹ, văn bản pháp quy được định nghĩa là “mệnh lệnh, quy định, quy tắc, khung khổ pháp luật được thực hiện khi thực hành quyền lực theo quy định”. Theo luật của Mỹ, khái niệm “quy định” và “quy tắc” thường được sử dụng thay cho nhau. Bên cạnh đó, theo định nghĩa trong Luật Thủ tục hành chính năm 1946, “quy tắc” được định nghĩa là “toàn bộ hoặc một phần tuyên bố của một cơ quan có tính áp dụng chung hoặc áp dụng cho một nhóm đối tượng và có hiệu lực trong tương lai được xây dựng để thực hiện, diễn giải hoặc mô tả luật hoặc chính sách nào đó”.

Về cơ bản, đa số các nước không quy định khái niệm văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ liệt kê hình thức văn bản và viện dẫn quy định của Hiến pháp về thẩm quyền ban hành văn bản. Một số nước quy định thẩm quyền ban hành văn bản cho cơ quan lập pháp và cơ quan này có thể ủy quyền cho cơ quan hành pháp ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan tư pháp không ban hành văn bản mà chủ yếu thực hiện giải thích pháp luật, xử lý xung đột về thẩm quyền ban hành văn bản.

Đơn giản trong quy định hình thức văn bản pháp luật

Đa số các nước quy định hình thức văn bản pháp luật tương đối đơn giản. Đối với văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước Trung ương ban hành, hầu như các nước chỉ quy định từ 3 - 4 hình thức văn bản như Hiến pháp, luật, nghị định hoặc quy chế, quy tắc, nếu có thông tư thì chỉ có tính chất hướng dẫn, ít đặt ra các quy phạm mới. Địa phương cũng chỉ ban hành 1 - 2 hình thức văn bản.

Một số nước quy định khá nhiều hình thức văn bản do các chủ thể khác nhau ban hành. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Cộng hòa Kyrgyzstan gồm Hiến pháp, Luật, quy định của Quốc hội, Lệnh của Tổng thống, quy định của Chính phủ, quyết định của các bộ và các cơ quan hành chính, các quyết định của chính quyền địa phương và cơ quan tự quản địa phương.

Luật ban hành văn bản Cộng hòa Azerbaijan quy định hệ thống văn bản pháp luật gồm quyết định của Tòa án Hiến pháp; quyết định, hướng dẫn và chỉ thị của Ủy ban Bầu cử Trung ương; quyết định của các cơ quan chính quyền địa phương và các cơ quan chính quyền vùng lãnh thổ tự trị; quyết định của Ngân hàng Quốc gia; quyết định của Hội đồng Phát thanh và Truyền hình quốc gia; quyết định của Hội đồng Tư pháp và pháp luật.

Cá biệt, Luật Ban hành văn bản của nước Cộng hòa Gruzia quy định hệ thống văn bản pháp luật rất phức tạp, do nhiều chủ thể có thẩm quyền ban hành gồm: Hiến pháp, Luật; thỏa thuận, hiệp ước quốc tế của Gruzia; pháp lệnh, sắc lệnh của Tổng thống; nghị quyết của Quốc hội; nghị quyết của Ủy ban Điều tiết Quốc gia về Năng lượng; nghị quyết của Ủy ban Quản lý Truyền thông và Bưu chính Quốc gia; lệnh của Giám đốc Cơ quan Đấu thầu Nhà nước; lệnh của Giám đốc Cơ quan Điều tiết tài nguyên dầu khí; lệnh của Bộ trưởng hoặc của người đứng đầu các cơ quan hành pháp khác của Chính phủ; nghị quyết của Ủy ban Tiêu chuẩn Kế toán; Nghị quyết của Hội đồng Thảo luận thuộc Hội đồng Hoạt động Kiểm toán; nghị quyết của Ủy ban Bầu cử Trung ương; lệnh của Giám đốc Cơ quan Chống độc quyền Nhà nước; lệnh của giám đốc Cơ quan Giám sát Nhà nước về Bảo hiểm.

Nhật Bản không có luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước này gồm: Hiến pháp, các luật chuyên ngành như Luật Quốc hội, Luật Chính phủ..., các nghị định, thông tư hướng dẫn.

Nhật An