Tránh chuyển từ thái cực này sang thái cực khác

Ý Nhi 13/02/2020 07:21

Đưa ra cách tiếp cận mới trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trần Công Phàn cho rằng, cần phân tích nguyên nhân người lớn phạm tội với trẻ em và giải pháp đấu tranh, phòng chống tội phạm người lớn với trẻ em.

Những con số biết nói…

Báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy, giai đoạn 1.1.2015 - 30.6.2019, toàn quốc đã phát hiện 7.824 vụ xâm hại trẻ em, với 8.588 đối tượng xâm hại. Số trẻ em bị xâm hại là 8.091 em. So với giai đoạn 2011 - 2014 thì số trẻ em bị xâm hại đã tăng 880 trẻ em. Đối tượng xâm hại trẻ em cũng rất đa dạng, phức tạp, ở nhiều độ tuổi, trình độ, nghề nghiệp khác nhau và quan hệ với trẻ em ở các mức độ khác nhau. Phổ biến nhất là người quen, hàng xóm của nạn nhân, chiếm 59,4%. Đối tượng phổ biến thứ hai chính là những người có quan hệ huyết thống, cận huyết thống với nạn nhân như cha đẻ, cha dượng, ông, chú, bác, cậu, người thân trong gia đình nạn nhân, chiếm 21,3%. Đối tượng phổ biến thứ ba là giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục chiếm 6,2%. Ngoài ra, còn có 12% đối tượng là người lạ, người tình cờ gặp nạn nhân và phát sinh hành vi xâm hại trẻ em.

Con số nêu trên, theo Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trần Công Phàn là những con số biết nói. Chúng ta nhắc đến trẻ em là nhắc đến gia đình, nhà trường, vậy nhưng chính những người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em lại đang phạm tội với trẻ em. Phải chăng chúng ta cần tìm nguyên nhân ở khía cạnh: người lớn phạm tội với trẻ em? Và giải pháp đấu tranh, phòng, chống tội phạm người lớn với trẻ em. Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng, việc sử dụng rượu bia, văn hóa mạng và sự thoái hóa về đạo đức đang có tác động lớn đến những hành vi phạm tội của người lớn với trẻ em. Nhất là khi những con số được thống kê chỉ là những trường hợp đã được đưa ra xem xét, xử lý, còn rất nhiều “tảng băng chìm”, những số liệu ẩn, mà chúng ta chưa phát hiện ra, chưa xử lý được.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại cuộc làm việc về phòng, chống xâm hại trẻ em Ảnh: Hoàng Ngọc
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại cuộc làm việc về phòng, chống xâm hại trẻ em 
Ảnh: Hoàng Ngọc

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành

Đồng ý rằng, mối quan hệ trong nhiều gia đình đang thiếu tính bền vững, tình trạng cha mẹ ly hôn, ly thân gia tăng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật dễ bị xâm hại hơn. Đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra rằng, sự du nhập lối sống thực dụng, những trang web đen, game online, phim ảnh ngoài luồng kích động, bạo lực, khiêu dâm cũng phần nào làm gia tăng tình trạng xâm hại trẻ em. Hơn nữa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa chỉ rõ, lâu nay trong công tác tuyên truyền, chúng ta chỉ chú trọng dạy trẻ em đề phòng với người lạ, chứ không ai dạy trẻ đề phòng với người thân trong gia đình. Trong khi đó, nhiều vụ án xâm hại trẻ em lại do chính người thân gây ra. Đây là điều đáng báo động trong xã hội, rất nhiều người bức xúc và lên án.

Tuy nhiên, tuyên truyền về phòng, chống tội phạm người lớn với trẻ em cũng cần tránh chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa lưu ý, đừng vì một số vụ án trong xã hội mà điển hình hóa vấn đề, làm đảo lộn giá trị gia đình. Từ nghìn đời nay, giá trị trong gia đình là ông bà, cha mẹ yêu thương con, cháu; con, cháu quý trọng ông bà, cha mẹ. Tình cảm giữa người cha với người con cũng rất thiêng liêng. Do vậy, tuyên truyền cần cân bằng giữa các thái cực, xác định rõ nhận thức của trẻ em vẫn còn non trẻ, thì phải chú trọng vào trách nhiệm của người lớn, nêu cao trách nhiệm của người bà, người mẹ, người chị; chú trọng các biện pháp phòng, ngừa cho trẻ em.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, ở những nơi Đoàn giám sát đến làm việc, vì điều kiện kinh tế khó khăn, bố mẹ đều phải công tác xa nhà, nên một số trẻ em bị chính người thân xâm hại, trong hoàn cảnh này, phải tính giải pháp giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống cho người dân. Khi bố mẹ không phải ly hương thì trẻ em cũng được chăm sóc bảo vệ tốt hơn. Giải pháp này, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải bàn, nên chăng phát triển khu công nghiệp ngay tại địa phương để bố mẹ có thời gian chăm sóc con cái.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần nâng cao nhận thức từ các cấp, các ngành đến gia đình, nhà trường, những người trực tiếp làm nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Thực tế là, khi giám sát tại một trường học, trực tiếp hỏi các thầy, cô giáo về trách nhiệm của nhà trường đối với bảo vệ trẻ em như thế nào thì các thầy, cô giáo cũng không trả lời được.

Trách nhiệm bảo vệ trẻ em là của người lớn, ở hai môi trường gần gũi nhất với trẻ em là gia đình và nhà trường thì phải xây dựng cho được hai môi trường đó an toàn, lành mạnh, nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em - đây cũng là quan điểm chung của Đoàn giám sát của Quốc hội.

Ý Nhi