“At Eternity’s Gate” - Cô độc kiểu Van Gogh
Sắc màu vàng kim rực rỡ bao trùm lấy bộ phim, cách di chuyển máy quay rung lắc mờ ảo (như được phản chiếu qua ánh mắt cô độc lạc lõng của Vincent), những cú máy cận cảnh đặt cố định như muốn lột tả sự kỳ diệu trong diễn xuất của Willem Dafoe khi hóa thân vào nỗi cô độc đến điên loạn của Vincent van Gogh...

-Tại sao ông vẽ?
- Bởi vì khi vẽ, tôi dừng mọi suy nghĩ của mình.
- Ông bán được tranh chứ?
- Không
- Vậy chắc ông nghèo lắm?
- Tôi sống nhờ trợ cấp của Theo.
- Ông có căm ghét Chúa không?
- Không. Có thể Chúa sinh ra tôi sai thời điểm. Có thể tôi là họa sỹ của hậu nhân. Tôi là người gieo hạt nhưng không đợi ngày hái quả.
At Eternity’s Gate (Trước ngưỡng cửa của sự vĩnh hằng) - bộ phim chân dung về giai đoạn cuối đời của Vincent van Gogh qua diễn xuất tuyệt vời của Willem Dafoe, nam diễn viên có gương mặt khắc khổ, đóng chính diện kiểu đày đoạ thể xác tâm hồn cũng tốt (The Last Temptation of Christ, At Eternity’s Gate, The Florida Project...); mà đóng phản diện, biến thái cũng xuất sắc (Platoon, Antichrist, Nymphomaniac, Spiderman...). Bộ phim kinh dị The Lighthouse có ông thủ vai cũng đang dẫn đầu đề cử Tinh thần Độc lập năm nay, trong đó có đề cử nam phụ cho Willem Dafoe.
Nam diễn viên gạo cội U70 này đã từng có 4 đề cử Oscar (hai năm rồi liên tiếp được đề cử với The Florida Project và At Eternity’s Gate) và năm nay chắc thêm một đề cử nữa, nhưng cũng thuộc loại vô duyên, toàn bị giải thưởng né. May sao năm ngoái, LHP Venice đã kịp ghi nhận ông với giải Nam diễn viên xuất sắc trong At Eternity’s Gate.
At Eternity’s Gate qua tài đạo diễn của Julian Schnabel (vốn cũng là một họa sỹ chuyển sang làm đạo diễn và từng làm hai phim chân dung cũng rất hay là Before Night Falls kể về nhà thơ đồng tính người Cuba Reinaldo Arenas do Javier Bardem đóng tuyệt hay và The Diving Bell and the Butterfly) mang đến một bức chân dung điện ảnh đầy khác lạ về Vincent van Gogh.
Cho dù Vincent van Gogh qua đời vào năm 37 tuổi, nhưng khi vào vai chân dung của họa sĩ thiên tài chết trẻ này, Willem Dafoe đã 63 tuổi. Sự lựa chọn diễn viên chênh lệch tuổi tác với nhân vật như thế cho thấy đạo diễn Schnabel hoàn toàn tự tin vào con mắt của mình cũng như tin vào khả năng hoá thân của Dafoe, đặc biệt là cách diễn tả nỗi cô độc, trầm uất, tuyệt vọng và đày đoạ thân xác nhưng vẫn tràn ngập tinh thần sáng tạo của Van Gogh giai đoạn cuối đời (tự xẻo tai nhưng vẫn miệt mài vẽ, cho dù tranh bán không ai mua, phải sống nhờ tiền trợ cấp của em trai).
Sắc màu vàng kim rực rỡ bao trùm lấy bộ phim, cách di chuyển máy quay rung lắc mờ ảo (như được phản chiếu qua ánh mắt cô độc lạc lõng của Vincent), những cú máy cận cảnh đặt cố định như muốn lột tả sự kì diệu trong diễn xuất của Willem Dafoe khi hóa thân vào nỗi cô độc đến điên loạn của Vincent van Gogh. Đó là một hành trình đi vào thế giới bên trong của Vincent (một thế giới nội tâm điên loạn mà chỉ khi vẽ, nó mới buông tha cho ông), đi vào bên trong đôi mắt của Vincent (một đôi mắt giúp ông có thể nhìn thấy cái người ta không thể nhìn thấy)....
Và cuối cùng, khi Vincent nhận thấy mình đã đến trước ngưỡng cửa của sự vĩnh hằng, ta thấy ông đã chấp nhận kiếp nạn và sự đày đọa mà cuộc sống giáng xuống đầu ông. Như ông nói, có thể “Chúa đã sinh ông ra sai thời điểm”, rằng ông là “họa sỹ của hậu nhân, là người gieo hạt mà không đợi tới ngày hái quả”...
Giây phút ông bị hai kẻ thanh niên bắn viên đạn vào bụng nhưng không đi khai báo cảnh sát, không đi bác sĩ, cũng chẳng nói với ai, chỉ nằm trên chiếc giường cô độc để đợi thần chết đến đưa ông vào ngưỡng cửa của sự vĩnh hằng - diễn xuất của Willem Dafoe, với khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt sâu hút và hai gò má hóp lại khiến tôi nhớ đến một vai diễn xuất sắc khác của Dafoe trước đây: Đức Chúa Jesus trong The Last Temptation of Christ của Martin Scorsese làm năm 1988.
Phải chăng Vincent van Gogh cũng chịu “khổ hình của Chúa” để sáng tạo nên những kiệt tác cho hậu nhân?