Những đóng góp thầm lặng cho sự nghiệp trồng người cao quý

Xuân Tùng 19/11/2019 18:33

Chất lượng giáo dục phổ thông được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao qua kết quả đánh giá PISA và số lượng học sinh đoạt huy chương Olympic quốc tế tăng đều hàng năm. Lần đầu tiên chúng ta có 2 ĐH nằm trong nhóm 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới. Đó là kết quả của sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục đào tạo, đặc biệt là sự đóng góp rất lớn lao của gần 1,4 triệu thầy, cô giáo được chia sẻ trong buổi lễ tôn vinh “Nhà giáo của năm 2019”.

Yếu tố then chốt quyết định thành công của giáo dục

Chia sẻ trong buổi lễ tôn vinh “Nhà giáo của năm 2019” lần đầu tiên được tổ chức, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Để có được những kết quả tốt đẹp đó, chúng ta phải nói đến sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành giáo dục và đào tạo, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục; sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đặc biệt là sự đóng góp rất lớn lao của gần 1,4 triệu thầy, cô giáo những người đang ngày đêm miệt mài chăm lo cho sự nghiệp trồng người cao quý và trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục.

Trong đó, nhiều tấm gương nhà giáo đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; hy sinh cả tuổi thanh xuân, hết lòng vì học sinh thân yêu, mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trân trọng ghi nhận, cảm ơn và nhiệt liệt chúc mừng 183 nhà giáo tiêu biểu năm 2019, những thầy cô giáo đã luôn khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tinh thần sáng tạo, hết lòng vì học sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; vinh dự được Bộ trưởng tặng Bằng khen hôm nay.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vũ Minh Đức nhấn mạnh: Hàng năm, vào dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11, với mục đích biểu dương, tôn vinh và tri ân các thầy, cô giáo có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Điều đó thể hiện sự trân trọng, tri ân của ngành giáo dục đối với đội ngũ thầy, cô giáo; đồng thời tin tưởng các thầy, cô giáo tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới, quyết tâm vượt khó khăn, hết lòng vì học sinh thân yêu, xứng đáng với danh hiệu “Nhà giáo của năm”.

Mỗi thầy, cô là tấm gương sáng về đạo đức và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: con người sinh ra vốn thiện, về sau trở thành người tốt hay người xấu, thiện hay ác, phần lớn là được giáo dục tốt hay không tốt. Câu thơ của Bác Hồ nói về vấn đề này, hầu như ai cũng một lần đọc qua: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Để nhấn mạnh vai trò của giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nói thêm: “Óc những người trẻ tuổi sạch như tờ giấy trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học trong nhà trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên”.

Cô và trò hân hoan trong Ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam.
Cô và trò hân hoan trong Ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam.

Thầy, cô giáo là người định hướng, dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước nắm bắt kiến thức, chân lý thời đại, cho nên mọi tài liệu, giáo trình dù hay đến đâu nếu không có thầy, cô hướng dẫn thì không phát huy hết tác dụng đối với thế hệ trẻ. Không thể có học trò đạo đức, lối sống tốt nếu thầy, cô chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hằng ngày. Việc nêu gương đạo đức, lối sống chính là việc thầy cô cần trau dồi mỗi phút giây và trò cần học mỗi ngày nên thầy cô không thể trì hoãn. Chỉ bằng cách mở rộng và tự đổi mới bản thân, kết nối những trang sách với cuộc sống sinh động bên ngoài, chúng ta mới khiến việc học thực sự trở thành niềm vui và ham muốn của học trò.  Nhiệm vụ của người thầy chính là thắp sáng những khát khao chinh phục và dẫn đường cho các em đến với thế giới bao la.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao vai trò của các thầy giáo, cô giáo đối với xã hội: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang, nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được. Vì vậy, nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang. Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu. Một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo. Ngược lại, một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Vì vậy, để nâng cao chất lượng của hoạt động dạy và học thì thầy giáo phải rèn luyện mình thêm trong thực tiễn đấu tranh của xã hội, tiếp thu lấy chất lượng sống ở đó mà truyền lại cho thế hệ trẻ.

Xuân Tùng