Đánh giá thật kỹ năng lực ACV
Mặc dù Chính phủ lý giải việc đề xuất Quốc hội xem xét giao Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành để bảo đảm tiến độ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 song giới phân tích vẫn có những ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng nên hoãn dự án này lại để nghiên cứu thật kỹ về nhu cầu, vốn, quy mô. Bên khác lại nhìn nhận đây là trường hợp đặc biệt nên có thể chỉ định thầu, vấn đề là phải đánh giá thật kỹ năng lực chủ đầu tư.
“Không nên đặt Quốc hội vào thế đã rồi”
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, tổng mức đầu tư kiến nghị là 111.689 tỷ đồng (4,779 tỷ USD). Trong đó, ACV cần huy động số vốn gần 4,2 tỷ USD để thực hiện dự án. Hiện tại, ACV đã tích lũy tiền mặt hơn 24.000 tỷ đồng, dự kiến tích lũy được hơn 12.300 tỷ đồng giai đoạn 2019 - 2025. Như vậy, ACV sẽ bố trí được khoảng 36.000 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD (37% tổng vốn đầu tư) và phải đi vay 2,6 tỷ USD. ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thỏa thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5 - 5,5%/năm. Đồng thời, ACV cũng có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền.
![]() Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những công trình do ACV thực hiện |
Nguồn: Báo Đầu tư |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Tống, Tiến sĩ Kỹ thuật hàng không, Đại học Sydney (Australia) đồng thời nguyên là Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: “Nếu giao cho ACV sẽ không khả thi về mặt tài chính”. Thực tế, ACV mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 tổng vốn, vượt xa năng lực nên sẽ phải huy động vốn vay trên thị trường vốn quốc tế. “Phương án này mang nhiều rủi ro tài chính cho ACV trong trường hợp sân bay thực tế khai thác không được như tính toán khả thi về tài chính của tư vấn lập dự án. Trong khi đó, Báo cáo khả thi chưa làm rõ bảo đảm vốn giai đoạn 1, giai đoạn 2 thế nào? Trường hợp đi vay thì ai bảo lãnh?”, ông Tống nói.
Thêm nữa, “vốn nhà nước đầu tư cho 21 sân bay mà ACV đang quản lý khai thác là rất lớn. Khi cần đầu tư lớn cho các sân bay thì ACV đều cần đến ngân sách nhà nước chứ tự đầu tư rất ít. Năm 2019, ACV có kế hoạch chi ra 8.200 tỷ đồng để đầu tư mở rộng nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay cho các sân bay Cát Bi, Vinh, Phú Bài và chi 1.800 tỷ đồng để mở rộng sân đỗ máy bay cho sân bay Tân Sơn Nhất. Các năm sau mới đầu tư 11.430 tỷ đồng cho nhà ga hành khách T3 ở Tân Sơn Nhất. Tính theo giá cổ phần hiện hành, nếu bán 100% cổ phần của ACV được khoảng 9 tỷ USD, trong khi tổng vốn đầu tư sân bay khoảng 16 tỷ USD!”.
Một điểm đáng lưu ý nữa được chuyên gia này chỉ ra là phải sau hơn 4 năm kể từ ngày Quốc hội ra quyết định chủ trương đầu tư dự án, tháng 7.2019 Bộ Giao thông - Vận tải mới có Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giai đoạn 1. “Tại sao lại có sự chậm trễ như vậy để bây giờ hối thúc Quốc hội thông qua, đặt ra vấn đề chỉ định ACV làm chủ đầu tư thay vì đấu thầu để rút ngắn 1,5 năm cho kịp tiến độ hoàn thành vào năm 2025?”, ông Tống đặt vấn đề.
Ông cũng cho biết, trên thế giới, các sân bay có năng suất 70 - 85 triệu khách/năm chỉ có diện tích 900 - 1.800ha như sân bay Kingsford Smith và Western Sydney ở Australia (lần lượt là 907ha và 1.768ha); sân bay Changi ở Singapore (1.300ha); sân bay Barcelona ở Tây Ban Nha (1.533ha)… nhưng sân bay Long Thành cần tới 5.000ha. Nếu giảm diện tích sân bay Long Thành xuống mức 1.800ha thì chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư có thể giảm xuống rất nhiều. Do vậy, “nên tạm ngưng dự án này để nghiên cứu thật kỹ các vấn đề về nhu cầu, vốn, quy mô thay vì đặt Quốc hội vào thế đã rồi. Việc Quốc hội chỉ định thầu cũng cần xem xét lại, bởi như vậy là trái Luật Đấu thầu”, ông Tống đề xuất.
Phải giám sát thật chặt
Tuy vậy, nhiều chuyên gia khác lại cho rằng, đối với dự án có tầm quan trọng quốc gia, ảnh hưởng đến an ninh, có quy mô rất lớn như sân bay Long Thành, việc Quốc hội chỉ định thầu cho ACV vốn là đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực này là điều nên làm.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam Trần Chủng cho rằng, nhìn từ kinh nghiệm doanh nghiệp tư nhân xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, như sân bay Vân Đồn, hầm đường bộ Đèo Cả… mới đây cho thấy, các công trình này đều bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng, thậm chí về trước thời hạn. Trong khi đó, các dự án đầu tư công thường chậm tiến độ, đội vốn, chưa kể nhiều trường hợp chất lượng “có vấn đề”.
Do vậy, đối với dự án sân bay Long Thành, “một vấn đề quan trọng đặt ra là năng lực quản trị của chủ đầu tư”. Trong trường hợp ACV được Quốc hội xem xét phê chuẩn làm chủ đầu tư dự án, “tôi hy vọng với năng lực quản trị của họ sẽ bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng dự án, chẳng hạn phân định hạng mục nào thu hút đầu tư tư nhân. Là người cầm trịch, trách nhiệm quốc gia đang đè nặng lên họ nên chắc chắn họ sẽ phải có cách thực hiện hiệu quả nhất”, ông Chủng kỳ vọng. Song, điều này vẫn chưa đủ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai chủ thể là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp (ACV). Trong đó, các cơ quan chức năng chuyên môn như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường… sẽ phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề chất lượng, tác động môi trường… của dự án này.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế - xã hội Đỗ Đức Định bổ sung, đối với dự án sân bay Long Thành, Quốc hội có thể chỉ định thầu và mời thầu nhưng cần phải biết rõ đơn vị đó có năng lực ra sao. “Trong trường hợp ACV được chấp thuận thực hiện dự án này, phải đánh giá năng lực của họ về thiết kế, xây dựng, làm rõ khả năng hợp tác với ai? Hợp đồng phải làm chặt chẽ các điều khoản, trong đó quy rõ trách nhiệm của Nhà nước đến đâu và phải thực thi nghiêm túc.
Rút kinh nghiệm từ nhiều dự án đầu tư công thời gian qua bị đội vốn, chậm tiến độ, chất lượng không bảo đảm, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhấn mạnh “quan trọng nhất là phải đánh giá năng lực thực sự của ACV về vốn, kinh nghiệm, công nghệ…”. Đồng thời “phải giám sát chặt về quy hoạch, thiết kế và thi công dự án để tránh tiêu cực”. Muốn vậy, theo ông, Quốc hội phải giám sát vấn đề này thay vì để cơ quan của Chính phủ giám sát. Việc giám sát cũng cần huy động đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chuyên gia để có đánh giá chuẩn xác. Bên cạnh đó, phải công khai, minh bạch các khâu trong suốt quá trình thực hiện dự án để xã hội cùng giám sát. Có như thế mới tạo sức ép buộc chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ, tránh lặp lại “vết xe đổ” của nhiều dự án đầu tư công trước đó.