Công nghệ cao - chìa khóa vàng để nông nghiệp bứt phá
Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, Quảng Ngãi như khoác lên màu áo mới với nhiều thành công cùng với hy vọng vào sự phát triển hơn nữa trong tương lai. Để đạt được thành quả này, vốn là một tỉnh thuần nông nên nông nghiệp đóng vai trò lớn trong việc phát triển kinh tế của tỉnh. Sự bứt phá trong nông nghiệp không chỉ là thành công mà hơn hết là ngọn cờ tiên phong cho các ngành khác. Để thay đổi tư duy làm nông cũ, Quảng Ngãi đã lựa chọn ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại để làm thay đổi từ chất đến lượng của các sản phẩm nông nghiệp.
Quảng Ngãi đã tiến hành đưa công nghệ tiên tiến vào mọi mặt và trở thành lời đáp cho toàn bộ lĩnh vực nông nghiệp, từ trồng trọt, chăn nuôi cho đến lâm nghiệp, thủy sản. Ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại như một luồng gió mới thổi vào nền nông nghiệp thuần túy, lạc hậu trở thành lời giải hoàn hảo để thay đổi cả về chất và về lượng của các sản phẩm nông nghiệp tại Quảng Ngãi. Hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Công nghệ ứng dụng nhiều nhất là tại các huyện Mộ Đức, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, thành phố Quảng Ngãi, Nghĩa Hành, Đức Phổ... mang lại nhiều thành công trên lĩnh vực nông nghiệp.
![]() |
Mở đầu cho việc đưa công nghệ vào nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã đưa các biện pháp kỹ thuật bảo vệ cây trồng, tạo ra các hướng đi bài bản, kế hoạch rõ ràng. Cụ thể là “Đề án Chuyển sản xuất ba vụ lúa sang hai vụ lúa ăn chắc”, “Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)”, “Chương trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), “Chương trình 3 giảm, 3 tăng”, “Chương trình 1 phải, 5 giảm”; sử dụng tấm bạc nilon để trồng dưa hấu, mì cao sản, ớt; sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV và các chế phẩm hóa sinh học trong sản xuất cây rau thực phẩm… Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có 13 dự án ứng dụng công nghệ cao được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 303 tỷ đồng. Phần lớn các dự án trên tập trung vào sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã tiến hành ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo đối với bò và lợn đã giúp cải tạo nhanh chất lượng đàn gia súc trên đia bàn tỉnh. Kết quả là sau quá trình lai tạo, đến cuối năm 2018, tỷ trọng đàn bò lai trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 70,6%. Ngoài ra, việc sử dụng hệ thống chăn nuôi khép kín cũng được áp dụng nhiều tại các trại và hộ chăn nuôi. Hiện nay đã có một số đơn vị áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi như Công ty TNHH MTV Hà Tân, Trại Chăn nuôi heo Huỳnh Cường sử dụng công nghệ giám sát trại chăn nuôi gà bằng hệ thống camera từ xa; Trang trại Chăn nuôi heo thịt theo hướng công nghiệp sạch Phú Hiệp sử dụng công nghệ dây chuyền thức ăn công nghiệp tự động của Tập đoàn Mavin khi cho lợn ăn, công nhân chỉ cần nhấn nút, cám sẽ tự động đổ thức ăn vào các máng ăn.
Công nghệ hiện đại cũng đang được lên kế hoạch đưa vào ứng dụng trong xử lý chuồng trại. Hiện đã có doanh nghiệp đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải nông nghiệp An Hội để thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi tập trung. Phân lợn sau khi được tách nước và phân riêng bằng máy ALDEC 30 của Tập đoàn Alfa Laval Thụy Điển sản xuất, sau đó phân được xử lý chế biến theo Công nghệ sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh FITOHOOCMON. Như vậy từ việc nuôi trồng cho đến xử lý đều được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng hơn, tiết kiệm từ đầu vào đến đầu ra.
Trong lâm nghiệp, trên địa bàn tỉnh có 03 đơn vị được chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học (nuôi cấy mô) trong sản xuất giống cây keo lai là Công ty Khoa học và Công nghệ Nông Tín; Trung tâm giống tỉnh Quảng Ngãi và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ, tổng số lượng cây giống nuôi cấy mô sản xuất hàng năm khoảng 446.000 cây. Ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám cũng được đưa vào hỗ trợ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng.
Trong lĩnh vực thủy sản, sản xuất giống và nuôi thủy sản, người nuôi trong tỉnh đã áp dụng thành công nhiều quy trình, mô hình nuôi tôm tiên tiến có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản như: nuôi tôm an toàn trong vùng dịch bệnh sử dụng nước cấp từ ao nuôi cá rô phi, mô hình nuôi tôm hạn chế dịch bệnh; mô hình nuôi ghép các đối tượng (tôm - cá dìa, tôm - cá đối); quy trình nuôi Bio-floc; quy trình nuôi tôm ít thay nước sử dụng chế phẩm sinh học… Đồng thời ứng dụng công nghệ mới trong đóng tàu; ứng dụng máy dò ngang trong khai thác thủy sản; ứng dụng hệ thống cơ giới hóa trong khai thác như máy tời thủy lực thu lưới vây, lưới rê…; ứng dụng các nghề khai thác mới (nghề mành chụp bốn tăng gông, nghề lưới rê bùng nhùng (lưới rê xù)); ứng dụng radar hàng hải; trang bị máy thông tin liên lạc VX-1700 có tích hợp định vị GPS.
Trong quản lý thủy sản, Quảng Ngãi ứng dụng công nghệ hầm bảo quản PU trong bảo quản sản phẩm trên tàu cá; máy sản xuất đá vảy từ nước biển, hệ thống cấp đông (thực hiện 01 mô hình trên tàu cá dịch vụ hậu cần Lý Sơn). Trong công tác giám sát, quản lý công trình hồ chứa nước Nước Trong có hệ thống camera theo dõi, giám sát tại đập chính, tín hiệu được truyền về đơn vị quản lý điều hành và website thuyloivietnam.vn do Tổng cục Thủy lợi quản lý thông qua internet.
Việc đưa công nghệ cao vào nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển trên cả quy mô và mức độ hiện đại, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp và đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả tỉnh. Đồng thời tăng năng suất lao động, khả năng cạnh tranh và chất lượng sản phẩm. Kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần cải thiện thu nhập cho lao động, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Rõ ràng, việc quyết định lựa chọn phương thức đưa công nghệ vào nông nghiệp cùng với việc ứng dụng thích hợp, đúng đắn, chính xác từng ngành nghề đã tạo sự thay đổi về chất và lượng trong các sản phẩm nông nghiệp ở Quảng Ngãi. Nông nghiệp phát triển tốt đã góp phần tạo nên diện mạo mới của Quảng Ngãi sau hơn 30 năm tái lập. Đây là một thành công đáng được ghi nhận và khích lệ để nông nghiệp Quảng Ngãi phát triển hơn nữa trong tương lai.