“Lá phổi xanh” của thế giới lâm nguy

Ngọc Minh 24/08/2019 07:26

Tổng thống Brazil vừa lên tiếng thừa nhận, nước này không đủ nguồn lực để kiểm soát các đám cháy rừng suốt 3 tuần qua chưa có dấu hiệu dập tắt ở Amazon, nơi được mệnh danh là lá phổi của hành tinh. Nỗi lo lắng cho số phận của cánh rừng với diện tích lớn hơn châu Âu này không chỉ đến từ Brazil mà cả thế giới.

Vai trò sống còn của rừng Amazon

Rừng Amazon, với tổng diện tích lên tới hơn 7 triệu kilômét vuông, nằm trong 9 lãnh thổ thuộc các quốc gia khu vực Nam Mỹ phía Tây Nam bán cầu, bao gồm 60% thuộc Brazil, còn lại là sở hữu của Colombia, Peru, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Suriname.

Sản xuất ra 20% lượng oxy cho Trái đất, rừng Amazon đóng vai trò thiết yếu trong điều hòa không khí, làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu. Chưa hết, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới còn là nơi sinh sống của vô số loài động, thực vật quý hiếm. Tuy nhiên, lá phổi của hành tinh đang lâm nguy bởi các vụ cháy rừng diễn ra với cường độ ngày một dày. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil, riêng năm nay đã xảy ra tới 72.843 vụ hỏa hoạn, hủy hoại khoảng 73.000ha rừng, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất kể từ năm 2013 tới nay. Hiện nay, khói mù bao phủ đến hơn phân nửa diện tích Brazil và lan tới các nước láng giềng Peru, Bolivia và Paraguay.

Theo nhiều nhà khoa học, nếu Amazon có mệnh hệ gì, thay vì là một nguồn cung cấp oxy sẽ bắt đầu thải ra carbon. Khi dân số thế giới đang bùng nổ kèm theo khí hậu không ngừng biến đổi theo chiều hướng xấu, cháy rừng Amazon khiến toàn thế giới “toát mồ hôi”, thậm chí có người bi quan còn ví nó như là dấu hiệu ngày tận thế bởi vai trò quá quan trọng của “lá phổi xanh” này.

Lỗi tại ai ? 

Một số người cho rằng cháy rừng đã tăng mạnh ở Brazil kể từ khi Tổng thống Bolsonaro nhậm chức đầu năm nay. Họ đổ lỗi cho Chính phủ khuyến khích hoạt động mở rộng đất đai cho nông nghiệp tại Amazon. Với quyết tâm thực hiện chiến dịch khôi phục nền kinh tế bằng cách khai phá triệt để tiềm năng của Amazon, nhà lãnh đạo này đã nhiều lần phát biểu, Brazil nên mở cửa Amazon vì lợi ích kinh doanh, phục vụ nông nghiệp cũng như khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Thực tế, các vụ hỏa hoạn xảy ra thường xuyên và tự nhiên trong mùa khô, tức thời điểm này trong năm và thường kết thúc vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Nguyên nhân là do các nông dân đốt bớt cây để dọn đất cho đồng cỏ phục vụ chăn thả hay gieo cấy.

Tuy nhiên, giữa những chỉ trích của quốc tế, Tổng thống Jair Bolsonaro vừa thừa nhận, việc nông dân đốt cây mở rộng đất cho mục đích khác một cách bất hợp pháp đã gây cháy rừng diện rộng. Tuy nhiên, ông tỏ ra giận dữ với cách mà một số nước lớn can thiệp vào công việc của nước này. Trong một đoạn phát trực tiếp trên Facebook, Tổng thống cho biết, một số quốc gia đã gửi tiền, tiếng là để giúp đỡ nhưng thực chất vì mục đích can thiệp vào chủ quyền Brazil.

Ông cũng cáo buộc các nhóm môi trường và một số tổ chức phi chính phủ đã kích động “tâm lý môi trường” để làm tổn hại lợi ích kinh tế đất nước. “Hãy nghĩ rằng, nếu thế giới bắt đầu áp đặt rào cản thương mại, kinh doanh nông nghiệp của chúng ta sẽ sụp đổ, chúng ta sẽ bắt đầu thụt lùi và nền kinh tế sẽ bắt đầu tồi tệ hơn”, ông nói. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo này cũng chỉ trích những ý kiến ví ông là “Đại úy Nero” đốt cháy mọi thứ là “vô trách nhiệm”, đồng thời coi đây là “chiến dịch chống lại Brazil”. Theo sử sách, Hoàng đế tàn bạo thời La Mã Nero đã bị cho là châm lửa đốt thành Rome gây ra trận đại hỏa hoạn nghiêm trọng, làm lụi tàn cả đế chế.

Thế giới lo lắng

Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres đều lên Twitter bày tỏ lo ngại về những đám cháy đã đạt đến con số kỷ lục trong năm nay ở Amazon. Người đứng đầu Điện Elysée thậm chí gọi đây là “cuộc khủng hoảng quốc tế”, đồng thời kêu gọi đưa vụ việc ra thảo luận nhằm đưa ra các biện pháp bảo vệ ở Hội nghị Thượng đỉnh G7 sẽ bắt đầu vào hôm nay (thứ Bảy) tại Biarritz, Pháp. Nhóm 7 quốc gia phát triển này không có Brazil. Tuy nhiên, Tổng thống Bolsonaro đã cáo buộc người đồng cấp Pháp có “tâm lý thực dân” về vấn đề trên. Ông viết trên mạng xã hội Twitter: “Những gợi ý của Tổng thống Pháp về việc đưa các vấn đề của Amazon ra thảo luận tại G7 mà không có sự tham gia của các quốc gia trong khu vực đã gợi tâm lý thực dân vốn không hề phù hợp trong thế kỷ thứ XXI”.

Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Guterres bày tỏ “quan ngại sâu sắc” nhất là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu. Ông tuyên bố: “Chúng ta không thể chịu đựng thêm những hủy hoại lớn nữa đối với nguồn oxy và khu vực đa dạng sinh học chính của hành tinh”. “Rừng Amazon phải được bảo vệ”.

Colombia, quê hương của một phần phía Bắc Amazon, hôm thứ Năm đã phải đề nghị hỗ trợ Brazil trong cuộc chiến bảo vệ rừng. Bộ Ngoại giao nước này cho biết sẵn sàng hợp tác với các nước láng giếng vì sự nghiệp chung.

Brazil đang phải đối mặt với chỉ trích liên quan xử lý cháy rừng. Hồi đầu tháng, Na Uy và Đức đã đình chỉ tài trợ cho các dự án nhằm hạn chế nạn phá rừng ở Brazil do bất bình với cách lựa chọn dự án hiện nay ở đây. Vào thời điểm này, khi được hỏi về việc mất tài trợ của Đức, Tổng thống Bolsonaro chỉ nói: “Brazil không cần điều đó”. Tuy nhiên những người khác tỏ ra ít lạc quan hơn. Trên Twitter, Chủ tịch Hạ viện Brazil Rodrigo Maia cho biết sẽ thành lập “ủy ban bên ngoài” để theo dõi tình trạng đốt rừng nhiệt đới. Ông cũng tuyên bố sẽ lập một nhóm “để đánh giá tình hình và đề xuất các giải pháp cho Chính phủ”.

Các vụ cháy rừng cũng đang hoành hành ở Bolivia. Một khu vực có kích thước tương đương bang Delwar, Mỹ, đã bị đốt cháy những ngày gần đây. Paraguay cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Trong khi đó, nước láng giềng Peru, nơi chiếm phần lớn lưu vực sông Amazon, cũng phải tuyên bố “cảnh giác” trước nguy cơ các vụ cháy rừng lan rộng từ rừng mưa nhiệt đới ở Brazil và Bolivia. 

Ngọc Minh