Khoanh nợ gốc, xóa nợ tiền chậm nộp và tiền phạt

Hà Lan 24/08/2019 07:24

Bản mới nhất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người không còn khả năng nộp đã thay đổi hướng tiếp cận so với trước. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất khoanh nợ (thay vì xóa nợ) với 7 nhóm đối tượng và chỉ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (khoảng 11,8 nghìn tỷ đồng). Tại hội thảo góp ý vào dự thảo Nghị quyết do Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Bộ Tài chính tổ chức ngày 23.8, các đại biểu cho rằng cách tiếp cận này hoàn toàn hợp lý.

Cần phải có nghị quyết của Quốc hội để xử lý

Thông tin về tình hình nợ đọng thuế, ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thực hiện Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức bộ phận quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế từ Trung ương đến địa phương. Các cơ quan quản lý thuế đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng, theo đó, số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm. Bình quân giai đoạn 2015 - 2018 thu đạt 80% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 14,4%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014 xuống 7,6% năm 2017 và cuối năm 2018 chỉ còn 6,7%.

“Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao”, ông Mạnh cho biết. Tổng số nợ thuế tính đến ngày 31.12.2018 là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số nợ thuế.

Trong số những đối tượng nợ thuế, có hơn 759 nghìn người (gồm hơn 222 nghìn doanh nghiệp, tổ chức và hơn 536 nghìn hộ gia đình, cá nhân) đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, đã tự phá sản, giải thể, chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, gặp khó khăn bất khả kháng. Tổng số nợ đọng của nhóm này lên đến hơn 29,2 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ tiền thuế là 17.397 tỷ đồng, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp 11.896 tỷ đồng. “Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm nộp. Chế tài này cần thiết, nhưng cũng làm số tiền chậm nộp ngày càng tăng mà trên thực tế không có khả năng thu hồi và cần có nghị quyết của Quốc hội để xử lý”, Phó Tổng cục trưởng  Nguyễn Thế Mạnh nói.

“Tôi hoàn toàn tán thành cần phải có nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này”, quan điểm của Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm giống với tất cả ý kiến nêu tại hội thảo. “Nợ thuế không thu được cứ treo đó, kỳ nào anh Dũng (Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - PV) cũng phải giải trình. Hơn nữa, Luật Quản lý thuế năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua đã có quy định để xử lý nợ cho các đối tượng không còn khả năng nộp ngân sách nhưng không áp dụng cho các trường hợp nợ thuế phát sinh trước ngày 1.7.2020 (thời điểm Luật Quản lý thuế có hiệu lực - PV). Vì thế, cần phải xử lý khoảng trống pháp lý này”, ông Hàm phân tích.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa Mai Sỹ Diến cho rằng, nghị quyết của Quốc hội không chỉ tạo cơ chế pháp lý để xử lý dứt điểm khoản nợ tồn tại lâu năm, không thể thu cho ngân sách mà còn nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho người nộp thuế, ở đây chính là người dân và doanh nghiệp. “Số tiền nợ thuế dự định xóa tầm 12 nghìn tỷ đồng” theo ông “không quá tác động đến nền kinh tế và chính sách tài khóa”. Đại diện Cục Thuế TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng “tha thiết mong Quốc hội sớm thông qua Nghị quyết” để giảm áp lực và chi phí theo dõi, quản lý, đồng thời tạo điều kiện cho việc quản lý thuế được rõ ràng, minh bạch hơn, phản ánh đúng thực chất và tình trạng nợ thuế của nền kinh tế.

“Các tiếp cận hoàn toàn hợp lý”

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước đã trình UBTVQH trong phiên họp tháng 3.2019. UBTVQH đồng ý về mặt nguyên tắc sẽ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp cuối năm nay và đề nghị Chính phủ căn cứ vào Luật Quản lý thuế 2019 để rà soát các đối tượng, biện pháp xử lý nợ cho sát tình hình thực tiễn.

Trên tinh thần chỉ đạo của UBTVQH, Bộ Tài chính đã rà soát và hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết. Cụ thể, Ban soạn thảo bổ sung 4 nguyên tắc xử lý nợ (Điều 3). Một là, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và bảo đảm điều kiện quy định hồ sơ, quy trình, thủ tục. Hai là, công khai, minh bạch việc xử lý tiền thuế nợ. Ba là, tháo gỡ khó khăn song phải phòng ngừa lợi dụng chính sách để trục lợi. Bốn là, các trường hợp đã được xóa nợ nếu phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế quay lại sản xuất kinh doanh thì phải hủy quyết định xóa nợ và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa.

Đặc biệt, về biện pháp xử lý nợ, thay vì đề xuất xóa cả nợ gốc và tiền phạt nộp chậm như trước đây, lần này Bộ Tài chính đề xuất khoanh nợ với 7 nhóm đối tượng và chỉ xóa nợ tiền phạt, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực thi hành. “Cách tiếp cận này hoàn toàn hợp lý. Dự thảo Nghị quyết cùng với Luật Quản lý thuế năm 2019 sẽ tạo thành tổng thể chặt chẽ, tạo thuận lợi cho ngành thuế và người nộp thuế trong xử  lý tiền thuế nợ đọng”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi nhận xét.

Để tăng tính minh bạch và tạo sự yên tâm cho cử tri, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Quang Chiểu cho rằng dự thảo Nghị quyết nên bổ sung quy định giao cho Kiểm toán Nhà nước kiểm toán các khoản nợ thuế được xóa và các biện pháp xử lý những vi phạm của người có thẩm quyền xóa nợ thuế. Ông cũng đề nghị thành lập Hội đồng tư vấn xóa nợ thuế vì số tiền khá lớn. Đề xuất này được nhiều đại biểu tán thành và Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà tiếp thu.  

Theo dự thảo Nghị quyết, có 7 nhóm đối tượng xử lý nợ gồm: (1) Người nộp thuế đã chết hoặc bị tòa án tuyên bố đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; (2) Người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể; (3) Người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; (4) Người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế đã xác minh; (5) Người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hành nghề; (6); Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng; (7) Người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán.

__________

Về thẩm quyền khoanh, xóa nợ thuế, dự thảo Nghị quyết quy định: Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế quyết định việc khoanh nợ.

Đối với doanh nghiệp và tổ chức, Thủ tướng quyết định xóa nợ thuế đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ từ 10 đến dưới 15 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ dưới 5 tỷ đồng. 

Đối với cá nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.

Hà Lan