Đoàn kết, thống nhất trong Đảng

PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng 24/08/2019 07:01

Đoàn kết là nội dung lớn và căn bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Sinh thời, trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh và phấn đấu hết sức mình để tăng cường đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và nhân dân, đoàn kết quốc tế. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người nêu rõ vai trò lớn lao của đoàn kết trong Đảng đối với thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đoàn kết của Đảng - nòng cốt để đoàn kết toàn dân tộc

“Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(1).

Hồ Chí Minh cho rằng, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và Đảng thật sự vì nước vì dân mới có thể tập hợp đoàn kết được toàn dân, phấn đấu để thực hiện thắng lợi những mục tiêu cách mạng đề ra. Đoàn kết của Đảng là nòng cốt để đoàn kết toàn dân tộc. Đó là truyền thống của cách mạng Việt Nam, kế thừa truyền thống của lịch sử dân tộc. Đoàn kết trong Đảng và đoàn kết dân tộc gắn bó mật thiết với nhau và quyết định lẫn nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu suốt đó vừa là truyền thống và cũng là nhân tố mang tính nguyên tắc, quy luật bảo đảm thắng lợi.

Tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết của Hồ Chí Minh không phải là sự hô hào, kêu gọi mà dựa trên cơ sở nhận thức và hành động chung của toàn bộ tiến trình cách mạng, mang bản chất cách mạng, đoàn kết là cách mạng và phát triển. Sự đoàn kết trong Đảng được Hồ Chí Minh đặt ra ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng. Tại Hội nghị thành lập Đảng dựa trên sự hợp nhất các tổ chức cộng sản (ngày 6.1 đến 7.2.1930), Người đã nhấn mạnh yêu cầu trước hết: “Bỏ mọi thành kiến, xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản”(2). Sau này, trong quá trình hoạt động, lãnh đạo, có lúc trong Đảng có những nhận thức khác nhau, Hồ Chí Minh đều kiên trì cùng các đồng chí của mình đi đến nhận thức thống nhất, không diễn ra hiện tượng chia rẽ, bè phái. Đó là đặc điểm nổi bật của Đảng Cộng sản Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện. Vì thế, trong Di chúc, Hồ Chí Minh cho rằng, đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu, cần phải giữ gìn.

Chăm lo cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Hồ Chí Minh coi trọng giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, lý luận là chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là nền tảng vững chắc củng cố đoàn kết, giáo dục sâu sắc lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, mục tiêu đấu tranh đất nước theo con đường XHCN. Tư tưởng chính trị đó thể hiện trong Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Chính sự đúng đắn của Cương lĩnh, đường lối bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất bền vững trong Đảng, từ đó củng cố đoàn kết nhân dân, đoàn kết toàn dân tộc.

Phát huy dân chủ, nghiêm túc tự phê bình và phê bình

Trong Di chúc, Hồ Chí Minh nêu rõ, để tăng cường đoàn kết phải phát huy dân chủ, nghiêm túc tự phê bình và phê bình sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tăng cường trao đổi để đi đến thống nhất nhận thức tư tưởng và nhiệm vụ chính trị. Người nhấn mạnh: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”(3). Người coi đây là cách tốt nhất, vì chỉ có thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, mọi cán bộ, đảng viên mới thật sự được đóng góp ý kiến, phát huy được trí tuệ tập thể, mọi đảng viên, cán bộ hiểu nhau để có được nhận thức thống nhất. Đó cũng là sự bảo đảm để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, một nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, củng cố sức mạnh tổ chức và bản chất cách mạng của Đảng và phòng ngừa những biểu hiện chia rẽ, bè phái. Thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là thực hiện quy luật xây dựng và phát triển của Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh, tự phê bình và phê bình là công việc cần thiết và tạo động lực để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng không được giấu khuyết điểm, trái lại phải công khai thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, tìm rõ nguyên nhân của khuyết điểm, đề ra cách sửa chữa. Đó là thể hiện một Đảng chân chính, chắc chắn và cách mạng, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, chân thành với mục đích xây dựng và phương pháp đúng đắn làm cho Đảng mạnh lên, đoàn kết vững chắc.

Để giữ vững đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc mọi cán bộ, đảng viên “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(4). Tình đồng chí là thiêng liêng, cao cả trong một Đảng cộng sản chân chính cách mạng. Mọi cán bộ, đảng viên có chung chí hướng, mục tiêu đấu tranh, phấn đấu vì độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của đồng bào. Chính mục tiêu, lý tưởng cao cả đó cố kết cán bộ, đảng viên thành một khối, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình lãnh đạo, đấu tranh, phấn đấu tạo cơ sở vững chắc, nuôi dưỡng tình cảm cách mạng trong sáng. Những người không có tình cảm cách mạng trong sáng không thể có tình thương yêu đồng chí dẫn đến ích kỷ, đố kỵ, kèn cựa, ganh ghét dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. Thương yêu đồng chí, đồng bào là giá trị của đạo đức cách mạng. Mọi cán bộ, đảng viên đều thấm nhuần đạo đức cách mạng, như Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc, thật sự cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thì tình cảm đồng chí, tình yêu thương đồng chí, đồng bào sẽ vững bền, trong sáng, bảo đảm cho sự đoàn kết, thống nhất vững chắc trong Đảng.

Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tình thương yêu đồng chí, đồng bào. Trong Di chúc, Người viết: “Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hoạt động thực tiễn, nhiều lần Người suy ngẫm, tổng kết về tình yêu thương, trách nhiệm của con người đối với nhau. Đó là tư tưởng vĩ đại để hoàn thiện con người, để xây dựng một xã hội văn minh. Khi có ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt” (6.1968), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhớ về câu nói của nhân dân ta “tối lửa tắt đèn có nhau” và nêu rõ “nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa như thế. Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy ngày càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà. Hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin được”(6).

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt 50 năm qua, Đảng đã chăm lo giữ gìn và củng cố sự đoàn kết trong Đảng, bảo đảm cho Đảng thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động, lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện cho kỳ được những mục tiêu lớn lao của cách mạng mà Người đã căn dặn từ tầm nhìn chiến lược và khát vọng của bậc vĩ nhân.

_________

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.621-622
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.622
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.622
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.622
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.624
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.668

PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc - <i>Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng</i>