Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội

GS.TS. Hoàng Chí Bảo -Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương 23/08/2019 06:51

Tính cả 3 bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ba lần sử dụng tới câu chữ để nói về “xã hội chủ nghĩa” và “chủ nghĩa xã hội”.

Luận chứng sâu sắc về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Trong bản đầu tiên năm 1965, Người viết: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ (đoàn viên thanh niên), đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”(1).

Khái quát về mặt lý luận, có thể nói, theo Hồ Chí Minh, muốn có chủ nghĩa xã hội, muốn đi lên chủ nghĩa xã hội thì phải làm đúng quy luật, phải thuận lòng dân và phải hợp với thời đại.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo

Trong bản viết năm 1968, Người cũng chỉ một lần nói tới chủ nghĩa xã hội, cũng nói về đào tạo thế hệ trẻ: “Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(2).

Đến bản viết lần cuối cùng năm 1969, Người viết: “Tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”(3).

Tổng hợp lại, cả bản văn Di chúc, chỉ có ba chỗ, ba lần Người đề cập tới hai khái niệm “chủ nghĩa xã hội” và “xã hội chủ nghĩa”. Như vậy, xét về mặt hình thức chữ nghĩa, ngôn từ, Người nói ít nhất về chủ nghĩa xã hội nhưng xét về mặt nội dung tư tưởng thì toàn bộ nội dung bản văn của Người là nói tới chủ nghĩa xã hội, nói được nhiều nhất về chủ nghĩa xã hội dưới mọi góc độ, mọi khía cạnh. Hơn thế nữa, bản Di chúc là một minh chứng sinh động, một luận chứng sâu sắc về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội qua cấu trúc nội dung của Di chúc, Người nói về cuộc chống Mỹ cứu nước để hoàn thành mục tiêu lịch sử của cách mạng giải phóng dân tộc: Độc lập và dân chủ và xây dựng lại đất nước, thực chất là xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phong cách tư duy khoa học của người thể hiện rất rõ qua một đặc điểm văn phong Hồ Chí Minh: Chữ thì ít nhất mà nghĩa thì nhiều nhất. Bản lĩnh của Người là đem một cái tối thiểu về ngôn từ để tải một cái tối đa về tư tưởng. Dường như tất cả những gì được đề cập trong bản văn của Người đều biểu đạt một cách nhất quán tư tưởng của Người về chủ nghĩa xã hội. Có thể nhận rõ điều đó từ đâu?

Thứ nhất, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải giải phóng được dân tộc, giành được độc lập, thống nhất đất nước - đây là tiền đề, là điều kiện để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa hay xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.

Thứ hai, chủ thể xã hội là nhân dân, nhân dân có tự do và làm chủ. Đó là lực lượng sáng tạo to lớn để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội Việt Nam theo quan niệm của Hồ Chí Minh là một chủ nghĩa xã hội thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân dân, tính nhân dân và sức mạnh đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, chủ nghĩa xã hội Việt Nam dựa trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin, là sự kết hợp sâu sắc chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế chân chính XHCN của giai cấp công nhân (chủ nghĩa quốc tế vô sản).

Thứ tư, cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa xã hội Việt Nam gắn bó mật thiết với phong trào, sự nghiệp cách mạng thế giới, với phong trào cộng sản quốc tế.

Thứ năm, chủ nghĩa xã hội Việt Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải chú trọng phát triển kinh tế và văn hóa, phải thực hành dân chủ, nhất là thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng mà mục đích đi tới là bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, là không ngừng chăm lo đời sống, hạnh phúc của nhân dân.

Người thể hiện khát vọng mãnh liệt của toàn dân tộc qua hệ giá trị cốt lõi của phát triển: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Trung tâm chú ý của Người về chủ nghĩa xã hội không có gì khác là con người, là nhân dân lao động, là quyền bình đẳng, nhất là giải phóngphát triển phụ nữ, thực hiện cuộc cách mạng bình quyền nên Di chúc nhấn mạnh: “Đầu tiên là công việc với con người”.

Thứ sáu, nguồn lực quan trọng nhất để xây dựng chủ nghĩa xã hội là con người, là nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực trẻ là thanh niên có sức khỏe, có học vấn, làm chủ khoa học kỹ thuật, công nghệ, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, họ là đạo quân chủ lực để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Do đó, phải đưa họ đi đào tạo, và “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc quan trọng và cần thiết”. Một trong những động lực quan trọng của chủ nghĩa xã hội là dân chủ, đồng thời dân chủ còn là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Ngoài động lực dân chủ còn là động lực lợi ích, đạo đức văn hóa nói chung, thuộc về giá trị tinh thần, đời sống tinh thần của xã hội.

Thứ bảy, chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện qua Di chúc của Người còn nổi bật vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, phải giữ gìn đoàn kết, nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thật tốt để chăm lo đời sống toàn dân, để chủ động, tránh rơi vào bị động, thiếu sót, sai lầm. Điều hệ trọng đó, được nhấn mạnh: “Trước hết nói về Đảng”, phải chú trọng xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, phải tập trung chỉnh đốn lại Đảng ngay sau chiến tranh. Trước những thay đổi bước ngoặt, Đảng phải vươn lên, ngang tầm nhiệm vụ, do đó Đảng phải tự đổi mới chính mình để thúc đẩy đổi mới xã hội.

Thứ tám, chủ nghĩa xã hội Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong Di chúc phải đặc biệt chú trọng đạo đức: Đạo đức của Đảng cầm quyền bảo đảm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đạo đức của cán bộ, đảng viên, đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đánh bại giặc nội xâm là chủ nghĩa cá nhân, đạo đức của nhân dân và xã hội, của toàn dân tộc. Đó là yêu nước và đoàn kết, trung thành với Đảng, với cách mạng.

Thứ chín, chủ nghĩa xã hội Việt Nam được thực hiện trong một tiến trình lịch sử lâu dài. Tái kiến thiết đất nước sau chiến tranh đòi hỏi phải chủ động đổi mới và hội nhập, tiến hành những kế hoạch, chương trình hoạt động phục vụ người dân, cụ thể, thiết thực, toàn diện về mọi mặt.

Thứ mười, đặc trưng tổng quát và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Tâm nguyện của Người, điều mong muốn cuối cùng của Người, chính là quan niệm của Người về chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Đúng quy luật, thuận lòng dân và hợp thời đại

Thấm nhuần tư tưởng của Người về chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã đưa những giá trị mục tiêu của đổi mới, thể hiện đặc trưng tổng quát của chủ nghĩa xã hội vào Cương lĩnh của Đảng (1991, 2011). Đó là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - Cương lĩnh của đổi mới, của hội nhập vì một nước Việt Nam XHCN “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đối với Hồ Chí Minh, Người thể hiện một sự nhất quán đặc biệt khi nói về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ đầu năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mới vừa bắt đầu, để “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, làm cho “kháng chiến tất thắng để kiến quốc tất thành”, tại Thanh Hóa, Người căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa phải ra sức xây dựng Thanh Hóa thành một tỉnh kiểu mẫu. Người nhấn mạnh phải làm cho mọi người đủ ăn đủ mặc, biết đọc biết viết, đoàn kết, yêu nước. Từ đủ ăn tiến tới khá giả, từ khá giả tiến tới giàu có, đã giàu có rồi thì giàu có nữa, giàu có mãi, bằng sức lao động của mình. Người sớm thể hiện quan niệm một chủ nghĩa xã hội, một xã hội xã hội chủ nghĩa giàu có, phát triển kinh tế và văn hóa.

Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng họp ở Việt Bắc, khi Đảng ta chính thức ra hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, trong diễn văn chào mừng thành công của Đại hội và Đảng ra hoạt động công khai, Người nhấn mạnh: Toàn bộ đường lối của Đảng và chính sách của Chính phủ có thể chỉ đúc vào một câu thôi: phấn đấu cho một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và phú cường”. Đó chính là quan niệm tổng quát của Người về chủ nghĩa xã hội.

Đến Di chúc năm 1969, Người nhắc lại nguyên vẹn điều đó mà Người coi đó là “điều mong ước cuối cùng”, Người chỉ thay “phú cường” bằng “giàu mạnh” cho lời văn được trong sáng và dễ hiểu mà thôi.

Đó là tư duy nhất quán của Người về chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Người đem lại một quan niệm rõ ràng, một câu trả lời chính xác cho câu hỏi lớn: Chủ nghĩa xã hội là gì? Và xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào? Khái quát về mặt lý luận, có thể nói, theo Hồ Chí Minh, muốn có chủ nghĩa xã hội, muốn đi lên chủ nghĩa xã hội thì phải làm đúng quy luật, phải thuận lòng dân và phải hợp với thời đại.

 Đúng quy luật cho nên phải xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở khoa học. Người nói: Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học sẽ là một nguồn sức mạnh vô tận. Phải có cách làm hợp lý, mà cách làm tốt nhất để có chủ nghĩa xã hội là dựa vào dân, đem tài dân, sức dân làm lợi cho dân, mưu cầu hạnh phúc cho dân. Cái gì lợi cho dân phải ra sức làm cho bằng được. Cái gì hại tới dân phải kiên quyết tránh cho bằng được. Không làm điều gì trái ý dân. Phải tiến nhanh, tiến mạnh nhưng phải tiến vững chắc, làm từ từ, làm dần dần, không được làm bừa, làm ẩu. Hợp lòng dân, thuận theo ý dân nên phải hiểu, hiểu rõ, hiểu thấu lòng dân, từ dân sinh, dân ý đến dân tình và dân nguyện. Phải khéo léo đưa chính trị thấm sâu vào đời sống dân gian, khéo biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ thành ra ý nguyện và hành động của dân chúng. Phải đoàn kết, tinh thành đoàn kết, có quyết tâm lại phải có tín tâm nữa.

Phải nêu cao trách nhiệm của Đảng và sự gương mẫu của cán bộ đảng viên cho dân tin và dân theo. Phải chú trọng phát triển mà quan trọng nhất là phát triển sức dân, dựa trên giải phóng sức dân, bồi dưỡng sức dân và luôn biết tiết kiệm sức dân. Phải đổi mới, phải hội nhập với thế giới, học tập, tham khảo, tiếp thu những cái hay, cái tốt của các nước trên thế giới để làm giàu có tri thức và kinh nghiệm của chính mình trong quá trình xây dựng và phát triển. Song phải biết chọn lọc cái gì phù hợp với mình, đó là sáng tạo để đổi mới và hội nhập thành công.

Những quan niệm và kiến giải như thế của Người hình thành từ rất sớm và đến Di chúc là một sự kết tinh.

______

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.612
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.617
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sàd, tập 15, tr.618

GS.TS. Hoàng Chí Bảo -<i>Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương</i>