Lựa chọn phương án tốt hơn

Duy Anh 17/08/2019 07:19

Mới đây, Khánh Hòa đã nói không với việc nhấn chìm chất nạo vét xuống vùng biển thuộc tỉnh quản lý. Lãnh đạo tỉnh khẳng định: “Bất kỳ trường hợp nào, tỉnh cũng không đồng ý. Tôi biết nhiều nơi đã làm và sẽ làm nhưng Khánh Hòa thì không”. Cho dù việc nhấn chìm này chưa đặt ra trên thực tế mà chỉ mới dừng ở mức đề xuất nghiên cứu, nhưng quan điểm rõ ràng của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho thấy quyết tâm bảo vệ hệ sinh thái biển, môi trường biển.

Giải quyết bùn, chất thải... từ nạo vét cảng biển như thế nào khi trong tương lai, còn rất nhiều dự án kinh tế biển được triển khai buộc chúng ta phải tiếp tục xử lý? Hàng trăm triệu m3 vật chất sẽ được xử lý thế nào khi cách thức thực hiện mỗi địa phương một khác? Bởi thực tế, vật chất nạo vét đã được đồng ý để nhấn chìm xuống biển ở các địa phương khác. Quảng Ngãi đã từng chấp thuận đưa 15 triệu m3 nhấn chìm xuống vùng biển gần Đảo Lý Sơn. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng từng cấp phép cho việc nhấn chìm 14,3 triệu m3 bùn phát sinh trong quá trình nạo vét làm cảng chuyên dụng cho dự án Hóa dầu Long Sơn xuống vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Mới đây, tỉnh Bình Định cũng nhận được đề xuất về 3 phương án xử lý vật chất nạo vét cảng Quy Nhơn, trong đó có phương án nhấn chìm khoảng 300.000 m3 vật chất nạo vét xuống biển.

Trước đó, việc xử lý vật chất nạo vét từng gây ra nhiều tranh luận nhất là đề xuất nhấn chìm khoảng 1 triệu m3 vật chất từ dự án nạo vét của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân xuống vùng biển gần Hòn Cau (tỉnh Bình Thuận), nơi có khu bảo tồn biển nổi tiếng. Cuối cùng, với tinh thần quyết tâm bảo vệ môi trường biển, tỉnh này đã có giải pháp tích cực hơn việc phải nhấn chìm xuống biển. Cụ thể, toàn bộ vật, chất nạo vét 5,5 triệu m3 của dự án được sử dụng vào việc san lấp mặt bằng tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân thay vì phương án nhận chìm như ban đầu. Rõ ràng, việc “ứng xử” với các vật chất này đòi hỏi cần có kế hoạch bài bản, chủ động, lâu dài, có phương án xử lý từng loại nguồn thải một cách thống nhất trên cả nước.

Hoạt động kinh tế biển vô cùng quan trọng với một đất nước có chiều dài bờ biển hơn 3.000km như nước ta, song cũng quan trọng không kém là bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển cho sự phát triển bền vững trong tương lai lâu dài. Môi trường biển sao có thể bảo đảm nếu nơi này “đóng” với việc làm có nguy cơ gây ô nhiễm nhưng nơi khác lại “mở”? Có nhất thiết cứ phải xem nguồn vật chất nạo vét là chất thải phải đổ ra biển hay không? Đó có phải là phương án tối ưu nhất hay không? Nếu đạt tiêu chuẩn môi trường, tại sao không nhìn chúng như là một dạng tài nguyên để phục vụ xây dựng các công trình chống sạt lở ven biển, san lấp mặt bằng xây dựng các khu đô thị mới?

Các chuyên gia cho rằng, nhấn chìm xuống biển chỉ nên là phương án cuối cùng, chỉ thực hiện với vật chất không thể đổ thải, lưu trữ, xử lý trên đất liền hoặc việc đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền không hiệu quả về kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm từ nhiều nước châu Âu như Anh, Hà Lan cho thấy, vật chất nạo vét được ưu tiên tái sử dụng cho các mục đích xây dựng, một số nơi dùng bùn nạo vét để bồi đắp các khu vực ven biển, vùng đất bị tác động của thủy triều, vùng đầm lầy ngập mặn...

Đối với nước ta, khi lượng chất thải đưa ra biển ngày càng nhiều thì vấn đề môi trường cần phải được xem xét hết sức cẩn trọng, chu đáo. Cần nghiên cứu phương án xử lý chất thải nạo vét một cách toàn diện, mang tầm chiến lược, trong đó đổ chất thải xuống biển chỉ nên là giải pháp được xem xét, đánh giá để có thể lựa chọn, nếu các giải pháp khác không khả thi. Tuy nhiên, dù cho giải pháp nhấn chìm ở biển được chọn lựa, cũng cần phải nghiên cứu tổng thể để có thể quy hoạch vùng đổ chất thải, dự báo chính xác nguồn chất thải theo thời gian, đánh giá tác động tổng hợp của các giải pháp xử lý để có thể chọn lựa phương án đổ thải bảo đảm an toàn môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học biển, thay vì sử dụng lòng biển như một nơi chứa chấp phế thải.

Duy Anh