“Dứt khoát không có chuyện dừng lại hay ngập ngừng!”

Thanh Tâm 27/07/2019 08:12

Đây là khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sáng qua. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước cũng chỉ rõ, đây là tư tưởng phải được quán triệt thật sâu sắc. Toàn Đảng, toàn dân phải quyết tâm. Không có chuyện dừng lại, hay ngập ngừng. Vì đây là yêu cầu của cách mạng, là nhu cầu, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, là mong muốn của Đảng, của dân.

“Chúng ta không chùng lại, thậm chí phải làm quyết liệt hơn!”

Phòng, chống tham nhũng không phải là vấn đề mới, hay bây giờ mới nảy sinh, song về sức nóng và mức độ thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, nhân dân thì có lẽ chưa bao giờ hạ nhiệt. Những kết quả đạt được thời gian qua cho thấy, cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là các bậc lão thành cách mạng, và dư luận xã hội đều hết sức hồ hởi, đánh giá cao những việc làm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, trong đó có vai trò trực tiếp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Và, như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến cuối năm 2018 của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì cùng với những kết quả về kinh tế, xã hội, đối ngoại, thì lĩnh vực xây dựng Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một yếu tố củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang tiếp tục lan tỏa rộng khắp trên cả nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp Ảnh: Trí Dũng
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp Ảnh: Trí Dũng

 “Nhiệm vụ trung tâm vẫn là chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp sắp tới. Đại hội là một dịp để sàng lọc cán bộ, không phải chỉ có bàn phương hướng công tác. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ. Cứ bảo làm thế thì lấy ai là người làm. Cứ thử đi xem có người làm không? Tôi tin là có người làm. Không thiếu gì người tận trung với Đảng, tận hiếu với dân. Phải mạnh mẽ làm, chứ không sợ mất uy tín, càng che giấu càng mất uy tín”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng

Nhưng một mặt khác, tâm lý và dư luận xã hội không quá khó để cảm nhận được, đó là cán bộ, đảng viên, nhân dân luôn mong mỏi, thậm chí có phần lo lắng rằng, liệu tinh thần và quyết tâm chống tham nhũng ấy có được duy trì tiếp không, sắp tới có làm quyết liệt không, hay lại chùng xuống, làm dở chừng thôi? Nhất là thời gian qua khi Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), gặp vấn đề về sức khỏe. Đây là tâm lý có thật và chính đáng. Rõ ràng, cán bộ, đảng viên, nhân dân đang rất ủng hộ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, và mong muốn phải làm mạnh hơn nữa.

Điều vui mừng hơn cả, qua báo cáo của Ban Chỉ đạo và theo dõi thực tế, như khẳng định của các thành viên Ban Chỉ đạo, thì công tác phòng, chống tham nhũng “không hề dừng lại”, “không hề ngơi nghỉ”, mà càng được làm quyết liệt hơn, đi vào chiều sâu, đạt kết quả toàn diện, đồng bộ, rõ nét hơn. Qua đó, tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Hãy cùng điểm một vài con số để thấy rõ hơn rằng, những nhận định nêu trên là có cơ sở, căn cứ thực tế, chứ không phải “nói suông”, không phải “vơ vào”.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã kết thúc xác minh, giải quyết 24 vụ việc; mở rộng điều tra, khởi tố mới 5 vụ án, phục hồi điều tra 4 vụ án, khởi tố thêm 26 bị can; kết thúc điều tra 3 vụ án/19 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 6 vụ án/27 bị can, xét xử sơ thẩm 9 vụ án/21 bị cáo, xét xử phúc thẩm 10 vụ án/149 bị cáo.

Đặc biệt, đã xét xử kịp thời, nghiêm minh 4 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đó là: Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin; Vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc...” xảy ra ở Phú Thọ và một số địa phương; Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB), TP Hồ Chí Minh; Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố. Đồng thời, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone, các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm), Đinh Ngọc Hệ (Út trọc), khởi tố điều tra vụ án xảy ra tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên... Tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng tài sản liên quan các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo với giá trị tài sản trên 10.000 tỷ đồng...

Đây là một vài con số thống kê trong 6 tháng qua, còn tính từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Gần đây nhất, ngày 19.7 vừa qua, Bộ Chính trị đã họp xem xét, thi hành kỷ luật đối với nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh.

Vậy thì, chúng ta “có vùng cấm không, có ngoại lệ không, có chùng xuống không?”. Trả lời câu hỏi này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước khẳng định: “Rõ ràng không có căn cứ để nói rằng chúng ta dừng lại, hay chùng xuống, thậm chí chúng ta làm quyết liệt, mạnh mẽ, có bài bản và ngày càng có thêm nhiều kinh nghiệm”.

Và, để giải tỏa tâm lý lo lắng về việc sắp tới có chống tham nhũng tiếp hay không của cán bộ, đảng viên và nhân dân, thì “không gì khác”, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, đó là “không phải chỉ nói mà sắp tới phải làm quyết liệt hơn nữa, duy trì đà đang có và làm ngày càng nhuần nhuyễn và bài bản hơn”.

Không để lọt những người có biểu hiện tham ô, tham nhũng vào cấp ủy

“Chúng ta không chùng lại, thậm chí phải làm quyết liệt hơn!”. “Dứt khoát không có chuyện dừng lại, hay ngập ngừng”… Đây là những tư tưởng chỉ đạo được Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nhiều lần nhấn mạnh tại Phiên họp sáng qua, với mong muốn, tinh thần này phải được quán triệt sâu sắc xuống địa phương, cơ sở và tuyên truyền rộng rãi để cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm rõ. Theo đó, “toàn Đảng, toàn dân phải quyết tâm; không có chuyện dừng lại, hay ngập ngừng, mà muốn ngừng cũng không thể ngừng được, không thể không làm được, vì lò đã cháy lên rồi”. Và trên hết, “đây là yêu cầu của cách mạng, là nhu cầu, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, là mong muốn của Đảng, của dân, cho nên không thể không làm”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước khẳng định.

Và, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, thì yêu cầu này càng cần thiết hơn bao giờ hết. “Tinh thần càng phải tiếp tục làm quyết liệt, làm tập trung dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những địa bàn trọng điểm”. Chỉ rõ điều này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước chỉ rõ: Chúng ta phải kiểm tra để tạo điều kiện cho các cấp ủy chuẩn bị Đại hội tốt hơn, cả về xây dựng báo cáo chính trị và công tác nhân sự. Liên quan đến công tác nhân sự, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa đặc biệt lưu ý: “Dứt khoát không được để lọt những người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vào cấp ủy sắp tới; nơi nào để xảy ra thì mai kia kỷ luật nơi ấy đi. Chủ trương, quy trình, quy định đều có cả rồi”. Sắp tới, Tiểu ban Nhân sự sẽ họp, phải rà soát đi rà soát lại.  “Khi có dấu hiệu vi phạm thì phải kiểm tra, kiểm tra có vấn đề thì không đưa vào cấp ủy”. Nhấn mạnh những yêu cầu này, đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước cũng nêu rõ, “đang có tâm lý chờ đợi xem sắp tới có làm quyết liệt hay không, tình hình có thay đổi thế này, thế khác - Không có đâu! Ai làm cũng phải thế thôi”. 

Với tư tưởng và quyết tâm như vậy, một trong những điều được Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước lưu ý, đó là cùng với quyền hạn thì phải đề cao trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. “Chúng ta không thể thất hứa với Dân, không thể làm Dân thất vọng. Dân đang mong chờ”.

Thanh Tâm