Có vi phạm Luật Cạnh tranh?

An Thiện - Hạnh Nhung thực hiện 05/07/2019 07:56

Tại cuộc làm việc giữa Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) với đại diện Central Group để làm rõ việc ngừng nhập hàng may mặc từ doanh nghiệp Việt sáng 4.7, Big C đã cam kết mở đơn hàng cho 50 nhà cung cấp Việt Nam ngay trong ngày 4.7, dự kiến mở tiếp hợp đồng với 100 doanh nghiệp nữa trong 2 tuần tới. Tuy nhiên, nhìn nhận động thái Big C tạm dừng mua hàng may mặc của doanh nghiệp Việt vừa qua, có chuyên gia cho rằng có dấu hiệu họ vi phạm Luật Cạnh tranh.

Chuyên gia kinh tế NGÔ TRÍ LONG: Xem xét mức độ vi phạm, xử phạt nghiêm

Việc Big C tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam vi phạm Luật Cạnh tranh,  bởi trong luật nói rõ nhà bán lẻ không được từ chối nhà cung ứng khi không có lý do chính đáng. Hành động này có thể nhằm vào một số mục tiêu sau: Theo quan sát ở tất cả siêu thị, hàng may mặc có thể chiếm tỷ lệ đến 20%, chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Họ muốn đẩy hàng Việt Nam ra để đưa hàng Thái Lan vào. Đây là điều tất yếu bởi, hiện nay ASEAN là mái nhà chung trong cộng đồng kinh tế, Việt Nam mở cửa rộng thì việc nhập hàng Thái Lan là bình thường. Hai là, phải chăng việc tạm ngừng như vậy để họ xem xét lại những doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu về chiết khấu lớn mới được đưa vào siêu thị?

Do đó, các cơ quan chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ, xem xét mức độ vi phạm Luật Cạnh tranh như thế nào để có chế tài xử phạt thích đáng. Nếu không, từ câu chuyện của hàng dệt may, tiếp đến có thể là những mặt hàng khác. Trong quá trình hội nhập chúng ta đã mở cửa tất cả, ngoại trừ năng lượng. Đã có những chế tài, những luật định quy định được đưa ra và nếu chúng ta không xử phạt nghiêm túc, nghiêm minh, không rút ra được những bài học cảnh tỉnh thì sẽ gây hại cho hoạt động sản xuất trong nước.

Đồng thời, lúc này chúng ta phải nâng cao tinh thần dân tộc. Đây không phải là chủ nghĩa dân túy nhưng trước những ý đồ với những chiêu trò, biện pháp không thiện chí như vậy người Việt Nam cũng sẵn sàng tẩy chay những hành vi đó bằng cách không tiêu dùng hàng của họ.

Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội VŨ VINH PHÚ: Đột ngột và không tử tế

Việc làm của Big C rất đột ngột và theo tôi là không tử tế. Big C hiện nay hưởng rất nhiều ưu đãi của Việt Nam về thuế, địa điểm và có bằng khen, giấy khen với tuyên bố sẽ mở của đón hàng Việt đến 90% nhưng hành động hoàn toàn ngược lại. BigC thông báo tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp Việt Nam với lý do cơ cấu lại ngành hàng là không chấp nhận được. Vấn đề này cần phải được dự báo, thông báo trước. Tại sao đang làm ăn yên ổn lại mời nhà cung ứng Việt Nam ra lập tức trong một thời gian ngắn như vậy? 80% hàng hóa trong siêu thị là hàng ký gửi, hàng của doanh nghiệp chứ không phải vốn của họ, nếu rút ra hết thì doanh nghiệp phải làm sao?

Chúng ta cần phải xây dựng các tập đoàn bán lẻ Việt Nam với sản vật của ta, đất của ta, chúng ta phải tự làm, nhân rộng các mô hình làm ăn “tử tế” như VinMart, Sài Gòn Co-op… để có thể đủ sức dẫn dắt thị trường bán lẻ Việt Nam, kết nối sản xuất thành một chuỗi phục vụ người tiêu dùng Việt Nam với chất lượng hàng hóa cao, giá cả hợp lý.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam NGUYỄN MẠNH HÙNG: Ảnh hưởng tới quyền lựa chọn của người tiêu dùng

Những năm gần đây, hàng may mặc Việt Nam được cải tiến về mẫu mã, giá cả phù hợp được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong khi Chính phủ đang có chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, siêu thị Big C đang kinh doanh trên đất nước Việt Nam và được hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách nước ta mà lại từ chối tiếp nhận hàng may mặc mà không có lý do thì cần phải đặt câu hỏi về mục đích của họ và chúng ta phải đối chiếu với các quy định của luật pháp Việt Nam để chỉ ra sai phạm. Việc dừng thu mua hàng phải có lý do chính đáng, chẳng hạn như bên cung cấp vi phạm hợp đồng thì có thể tạm thời ngừng để xem xét. Còn nếu không có lý do nào mà đơn phương dừng, về mặt hợp đồng kinh tế đã là vi phạm, bên cung ứng hoàn toàn có quyền đưa việc này ra giải quyết trên cơ sở trọng tài.

Xét về phía người tiêu dùng, họ đến một siêu thị kinh doanh tổng hợp với mong muốn mua bất cứ mặt hàng gì mà họ có nhu cầu trước đó, hoặc đến đó nhìn thấy hàng hóa phù hợp sẽ nảy sinh nhu cầu mua sắm. Nếu Big C hạn chế mặt hàng như vậy sẽ ảnh hưởng tới quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Đối với những doanh nghiệp lâu nay cung cấp hàng may mặc cho siêu thị mà giờ bị từ chối chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất.

 Big C sẽ ngừng mua hàng may mặc từ 50 nhà cung cấp Việt Nam

Ngày 2.7, Tập đoàn Central Group của Thái Lan, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Big C, gửi thông báo tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam kể từ tháng 7.2019 nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc.

Trước phản ứng của các nhà cung cấp Việt Nam, cuối chiều 3.7, Big C Việt Nam phát đi thông cáo cho biết, việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam.

Sáng 4.7, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) làm việc với Hiệp hội Dệt may Việt Nam và đại diện Central Group để làm rõ việc ngừng nhập hàng may mặc từ doanh nghiệp Việt. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thông tin bước đầu: Big C cam kết sẽ mở đơn hàng cho 50 nhà cung cấp Việt Nam ngay trong ngày 4.7. Nhiều nhất 2 tuần tới, đơn vị này tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp và dự kiến 100 doanh nghiệp nữa sẽ được mở hợp đồng. Giai đoạn cuối cùng, Big C sẽ rà soát chặt chẽ với những doanh nghiệp chưa đáp ứng được hợp đồng đã ký giữa 2 bên và lọc ra 50/100 doanh nghiệp còn lại để mở đơn hàng. Như vậy, Big C sẽ ngừng thu mua mặt hàng may mặc từ 50 nhà cung cấp Việt Nam.

An Thiện - Hạnh Nhung thực hiện