Nhiều tiềm năng nhưng chưa phát triển
Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50 - 60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành dược liệu phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển dược liệu còn hạn chế; chưa có sự liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu.
Chưa xứng với tiềm năng
Theo thống kê, hiện có hơn 60 bệnh viện y học cổ truyền công lập; hơn 90% bệnh viện đa khoa cấp tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh. |
Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam ghi nhận có trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số những loài đã công bố, có nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như sâm Ngọc Linh, tam thất hoang, bách hợp...
Cục trưởng Cục Quản lý Y, dược cổ truyền, Bộ Y tế Phạm Vũ Khánh cho biết, ngành y tế đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gene thuộc 884 loài cây thuốc tại 7 vườn cây thuốc thuộc các đơn vị; 100% nguồn gene bảo tồn được đánh giá ban đầu; 30% nguồn gene được đánh giá chi tiết về các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển… Mặc dù có tiềm năng thế mạnh lớn nhưng hiện nay, Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước, còn lại 75% phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Việt Nam cũng chưa đưa được các bài thuốc quý trở thành hàng hóa có giá trị cao và được sử dụng rộng rãi.
Đơn cử như với sâm Ngọc Linh - một trong những loại sâm có hàm lượng saponin (có công dụng chống lão hóa, ức chế tế bào ung thư) cao nhất, cao hơn cả những loại sâm quý được nghiên cứu sử dụng lâu đời trên thế giới như sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc, mặc dù đã thoát nguy cơ tuyệt chủng nhưng độ an toàn còn thấp và mức độ đe dọa vẫn ở bậc E trong Sách đỏ Việt Nam. Với tình hình khai thác rừng bừa bãi, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã và đang làm thu hẹp môi trường sống của cây sâm Ngọc Linh. Các công trình nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh vẫn chỉ dừng lại ở mức độ bảo tồn nguồn gene, chưa có bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn phục vụ cho việc phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của sâm Ngọc Linh.
![]() Thách thức trong bảo tồn và phát triển dược liệu |
Nguồn: ITN |
Khó khăn về công nghệ
Để ngành dược liệu Việt Nam khai thác tốt tiềm năng, trở thành ngành kinh tế lớn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói, phải nhanh chóng tìm biện pháp tổ chức sản xuất gắn với chế biến, thay vì chỉ chế biến thô có hiệu quả thấp. Song thực tế cho thấy, những khó khăn về công nghệ chế biến sau thu hoạch hiện đang là rào cản phát triển sản xuất dược liệu của nhiều địa phương hiện nay.
Không ít chuyên gia cho rằng, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến dược liệu sau thu hoạch chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Các sản phẩm dược liệu chủ yếu chế biến thô đem bán, dẫn đến giá trị kinh tế chưa cao, người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi đất trồng dược liệu, vì thế chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư.
Trưởng phòng Quản lý dược cổ truyền, Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) Bùi Thanh Tùng cho biết, đã có nhiều đề tài nghiên cứu về phát triển dược liệu nhưng vẫn còn thiếu những nghiên cứu thiết thực như công nghệ chế biến một số dược liệu sau thu hoạch. Một số đơn vị kinh doanh dược liệu cũng đang gặp khó khăn vì chưa có quy trình kỹ thuật bảo quản dược liệu vào mùa mưa khi độ ẩm cao, dược liệu dễ ẩm, mốc. Hiện nay, đơn vị kinh doanh dược liệu thường xông lưu huỳnh để tránh ẩm mốc nhưng dùng nhiều lưu huỳnh sẽ gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Các nhà khoa học về dược liệu cần nghiên cứu quy trình bảo quản dược liệu với hàm lượng lưu huỳnh cụ thể, tránh lạm dụng hóa chất, ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng.
Đồng bộ các nhóm giải pháp
Trước những tồn tại của ngành dược liệu, một số chuyên gia cho rằng, để phát triển dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, cần triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp như hoạch định, tổ chức, quản lý; nhóm giải pháp về khoa học công nghệ; nhóm giải pháp về bảo tồn và phát triển bền vững…
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, Bộ Y tế Lê Việt Dũng cho rằng, cần xây dựng cơ chế đặc thù đối với công tác phát triển dược liệu ở các địa phương để phục hồi, phát triển các vùng trồng dược liệu truyền thống; có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp triển khai nuôi trồng, khai thác và phát triển dược liệu; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất theo hướng hàng hóa hiện đại và phù hợp với Cách mạng 4.0 trong phát triển dược liệu. Đặc biệt, nhân rộng việc áp dụng hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc (GACP - WHO) trên tất cả vùng trồng dược liệu.
Trong khi đó, theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đào Văn Hồ, muốn phát triển bền vững vùng dược liệu cần làm tốt khâu xúc tiến thương mại, bởi thực tế, Việt Nam có nhiều dược liệu có tiếng nhưng việc sản xuất, chế biến, đưa sản phẩm y dược cổ truyền ra thị trường chưa được kết nối tốt.
Do vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế; thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, dự án khởi nghiệp có liên kết “5 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà băng), ứng dụng hoặc nhận chuyển giao các kết quả nghiên cứu từ các công trình, đề tài nghiên cứu về canh tác, sơ chế, chế biến dược liệu trong nước và thế giới thân thiện với môi trường. Mặt khác, phải chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về dược liệu; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu; ngăn chặn, xử lý hành vi buôn bán dược liệu trái phép, dược liệu giả và gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu.