Cải tạo và xử lý ô nhiễm hệ thống kênh rạch
Đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước, tuy nhiên hệ thống kênh rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang đối diện với thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt không qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, mà còn là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ách tắc dòng chảy, gây ngập thành phố.
Thiếu ý thức
Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh có hơn 2.000km kênh rạch, tuy nhiên hiện nay trên địa bàn thành phố có rất nhiều tuyến kênh rạch bị ô nhiễm do rác thải sinh hoạt và luôn trong tình trạng bị lấn chiếm, dòng chảy bị bức tử, khiến cho việc thoát nước bị hạn chế. Hiện nay, các kênh rạch đã bị bồi lắng, cạn dần và ô nhiễm nặng do chất bẩn lưu trữ. Những khi thủy triều rút xuống thì mặt nước đen ngòm, bốc mùi hôi; khi nước dâng cao, mặt kênh rạch chứa đầy rác trôi nổi lềnh bềnh. Tình trạng, ô nhiễm kênh rạch không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân mà còn là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ách tắc dòng chảy, gây ngập thành phố.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho hay, sở dĩ có trình trạng ô nhiễm nêu trên là bởi sự thiếu ý thức của một số người dân địa phương sống dọc theo hai bên bờ kênh rạch, trong đó có cả những hộ lấn chiếm kênh rạch để xây dựng nhà ở hay điểm kinh doanh như điểm rửa xe, sửa xe, nhà hàng ăn uống… Đó là nguyên nhân khiến tất cả các đồ thừa thải, phế phẩm của các cơ sở kinh doanh đều tuồn thẳng xuống những dòng kênh này, khiến cho quanh năm nước trên các dòng kênh này chỉ một màu đen kịt, bốc mùi hôi khó chịu.
![]() | |
Nhiều tuyến kênh bị ô nhiễm sẽ được TP Hồ Chí Minh cải tạo xử lý | Nguồn: ITN |
Đơn cử như kênh Hy Vọng, kênh Tân Trụ (quận Tân Bình) được xem là tuyến kênh chính thoát nước cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang rơi vào tình trạng ô nhiễm nặng, rác thải nhiều, bịt hết lối thoát nước, gây ngập cục bộ cho sân bay mỗi khi mùa mưa tới. Theo phản ánh của nhiều người dân ở đây, kênh luôn trong tình trạng ùn ứ rác thải. Cứ mỗi mùa mưa, rác lại trôi vào nhà. Đặc biệt, tuyến kênh này đã bị người dân bức tử nghiêm trọng, lòng kênh đã bị thu hẹp và bồi lắng nhiều.
Mặc dù chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp chống ô nhiễm kênh, như tuyên truyền vận động người dân không xả rác, ra quân xử lý buôn bán lấn chiếm lòng lề đường ven kênh… Song tình trạng vẫn không có nhiều chuyển biến, nguyên nhân là do ý thức của một số người dân sống xung quanh kênh chưa cao.
Cải tạo kênh rạch
Để xử lý tình trạng ô nhiễm kênh rạch trên địa bàn, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, đối với việc cải tạo kênh Hy Vọng và một số kênh phụ khác phục vụ cho việc thoát ngập khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình Hứa Quốc Hưng cho biết, thực trạng sử dụng đất tại các tuyến kênh trên địa bàn quận Tân Bình rất phức tạp, đa số các hộ dân đều lấn chiếm hai bờ kênh để cơi nới khuôn viên đất sử dụng vào mục đích riêng, người dân thường xuyên vứt rác, xả chất thải trực tiếp xuống dòng kênh gây mất vệ sinh môi trường. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, khơi thông dòng chảy tại các tuyến kênh ở khu vực này, UBND TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương đầu tư cải tạo các tuyến kênh A41, kênh Tân Trụ, kênh Hy Vọng và mương Nhật Bản (nhánh 2).
Đối với tình trạng ô nhiễm ở kênh 19/5, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã triển khai tuyên truyền, thuyết phục người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, đề xuất UBND thành phố phê duyệt nguồn kinh phí đầu tư công trình cải tạo đoạn kênh qua địa bàn phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân); giao Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.
Theo đó, đơn vị này sẽ tổ chức nâng cấp, nạo vét, khơi thông dòng chảy, cải thiện môi trường dọc tuyến kênh. Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao UBND quận Bình Tân và Tân Phú chỉ đạo UBND các phường Bình Hưng Hòa, Sơn Kỳ, Tây Thạnh thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, vận động nhân dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dọc tuyến kênh 19/5 không xả rác thải, chất thải xuống kênh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm, không để tái diễn.